Chết hóc vì khúc xương bò

khổng lồ dài ngàn dặm

 

Chết hóc vì khúc xương bò khổng lồ dài ngàn dặm.

Việt Nam (Vat. 7-06-2014) - Trong các tuần qua biến cố Trung Cộng đặt dàn khoan Hải Dương 981 trong lãnh hải của Việt Nam, để thăm dò khoan dầu, khinh thường công pháp quốc tế về Biển, đã dấy lên làn sóng biểu tình phản đối trong và mgoài nước. Cùng với dàn khoan di động khổng lồ là 80 tầu vũ trang, tầu quân sự và máy bay hộ tống vào vùng biển của Việt Nam.

Vụ này cũng đã khiến cho nhiều nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ cùng các giới chức chính trị các quốc gia trong vùng Ðông Nam Á tố cáo Trung Quốc có các hành động khiêu khích và nguy hiểm. Còn chính quyền Bắc Kinh và báo chí Tầu cộng thì cũng gân cổ lên cãi là Biển Ðông thuộc Trung Quốc và tố cáo Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản có các hành động khiêu khích gây căng thẳng. Bắc Kinh đặc biệt cay cú với Nhật Bản, vì thủ tướng Shinzo Abe đã lập đi lập lại nhiều lần rằng tất cả mọi quốc gia phải tôn trọng Luật Biển quốc tế liên quan tới các vùng lãnh thổ. Trong bài phát biểu tại hội nghị đối thoại về an ninh Á châu Shangri-la 13, nhóm tại Singapore, thủ tướng Nhật Bản đã tuyên chiến pháp lý và thách thức Trung Quốc đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế. Trong khi Philippines thì đã đệ đơn kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế liên quan tới vụ Trung Quốc chiếm bãi Scarbourough ngay sát bờ biển Philippines. Thủ tướng Abe cũng tuyên bố Nhật đồng ý viện trợ cho Philippines 10 tầu tuần tra phục vụ ở Biển Ðông, cho Indonesia 3 tầu và thúc đẩy việc cung cấp tầu tuần tra cho Việt Nam. Ðiều này có nghĩa là Nhật Bản đang hình thành liên minh pháp lý để chống lại thái độ hung hăng xấc xược bất chấp công pháp quốc tế của Trung Quốc.

Trong Hội nghị Shangri-la thường niên lần thứ 13 nhóm tại Singapore về An ninh khu vực Á châu ngày 31 tháng 5 năm 2014 Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã mạnh mẽ cáo buộc Trung Quốc có những vi phạm đặc biệt chống lại Philippines và Việt Nam. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ không ngồi im nhìn Bắc Kinh gây bất ổn ở Biển Ðông và hiếp đáp Việt Nam và Philippines. Ông Vương Quản Trung, trưởng phái đoàn Trung Quốc, lên án Nhật Bản và Hoa Kỳ khiêu kích Trung Quốc.

Trước đó ngày mùng 9 tháng 5 năm 2014 ông Benjamin Cardin đã cùng 5 Thượng nghị sĩ Mỹ của Ủy ban đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ ra tuyên ngôn chung khẳng định rằng việc Trung Quốc mang dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền của Việt Nam là thực tại đáng lo ngại. Ngày 28 tháng 5 năm 2014 trong buổi tiềp thượng nghị sĩ Cardin, Chủ tịch Ủy ban Ðông Á Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cám ơn Hoa Kỳ lên tiếng phản đối hành động ngang ngược phi pháp của Trung Quốc. Ông cho biết Việt Nam muốn cùng Mỹ tiếp tục nỗ lực phát triển sâu rộng hơn nữa các quan hệ hơp tác trên các lãnh vực, vì lợi ích thiết thực và vì sự phát triển chung của cả hai nước. Việt Nam sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với Hoa Kỳ về các lãnh vực hợp tác cũng như những vần đề mà cả hai bên cùng quan tâm.

Thượng nghị sĩ Cardin cho rằng hành động của Trung Quốc vi phạm trắng trợn nặng nề luật pháp quốc tế, Công Ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển 1982, gây bất ổn và đe dọa trực tiếp nền hòa bình, sự ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Ðông. Bô trưởng quốc phòng Úc David Johnston cũng ủng hộ lập trường của Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Cảnh lời qua tiếng lại với Trung Quốc và tình hình căng thẳng tại Biển Ðông lên cao có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến, mà không ai biết kết qủa sẽ ra sao.

Nhật báo Arirang của Hàn quốc số ra ngày 23 tháng 5 năm 2014 cho biết Trung Cộng đã đem 300,000 quân tới gần biên giới Việt Nam. Tờ Thời báo Ðài Loan thì cho biết tỉnh Quảng Ðông đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự với Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam cũng đã tăng cường và chuyển quân tới gần biên giới Trung Quốc.

Biển Ðông nổi sóng chỉ vì mỏ dầu lửa và khí đốt khổng lồ nằm bên dưới và do vị trí chiến lược của nó nằm giữa Ấn Ðộ dương và Thái Bình Dương.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, chuyên viên Tổng cục địa chất Việt Nam, khu vực Biển Ðông là một trong các tuyến hàng hải quan trọng và đông tàu bè qua lại nhất thế giới. Hàng năm hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyện bằng tầu biển của thế giới tiếp tục hành trình qua Biển Ðông, sau khi đã vượt các eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Lượng tầu chở dầu đi qua eo biển Malacca để vào Biển Ðông nhiều hơn 3 lần số tàu chở dầu qua kênh đào Suez, và hơn 5 lần số tầu chở dầu qua kênh đào Panama.

Riêng về số lượng dầu và khí đốt dự trữ tại Biển Ðông Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho rằng chỉ có 2.5 tỷ thùng. Nhưng đây là con số Trung tâm khảo cứu địa chất Hoa Kỳ ước tính dựa trên các khảo sát gần ven biển của các quốc gia Ðông Nam Á. Trong khi đó Bộ tài nguyên địa chất Trung Quốc ước tính trữ lượng dầu mỏ ở Biến Ðông vào khoảng 17.7 tỷ tấn, so với 13 tỷ của Kuweit. Vì thế Trung Quốc gọi Biển Ðông là "Vịnh Ba Tư thứ hai".

Tổng trữ lượng dự báo địa chất dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 3 tỷ tấn và trữ lượng khí đốt khoảng 1,000 tỷ mét khối. Ngoài ra, vẫn theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Biển Ðông rộng 1,460,000 cây số vuông còn có nguồn lợi thủy sản khổng lồ nữa. Có hơn 2,000 loại cá trong đó có 130 loại có giá trị kinh tế rất cao. Tất cả là các lý do khiến cho Trung Quốc dang rất thèm khát tài nguyên đã vẽ bản đồ Lưỡi Bò bất chấp công pháp quốc tế, và quyết ăn cướp cho bằng được kho tàng khổng lổ này. Nhưng trước các phản kháng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các quốc gia Ðông Nam Á cái lưỡi bò ấy đang trở thành "khúc xương khổng lồ dài ngàn dặm", mà miệng Trung Quốc cho dù có gian giảo và to đến mấy đi nữa, cũng sẽ không thể nào nuốt trôi được. Trái lại có nguy cơ chết hóc nữa là đàng khác.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page