Công tác cứu trợ

các người di cư tại đảo Lampedusa

 

Công tác cứu trợ các người di cư tại đảo Lampedusa.

Phỏng vấn nữ bác sĩ Giada Bellanca.

Roma (RG 1-05-2014; Vat. 3-06-2014) - Trong các ngày trung tuần tháng 5 năm 2014 làn sóng người di cư tìm tới Italia vẫn tiếp tục gia tăng. Ngày 20 tháng 5 năm 2014 hải quân Italia đã cứu hai chiếc tầu gặp khó khăn ngoài khơi đảo Sicilia, ở mạn nam Capo Passero. Trong số các người di cư được cứu có rất đông phụ nữ và 100 trẻ em.

Một số người đã được đưa lên tầu Grecale và tầu Foscali. Vì thời tiết xấu công tác cứu trợ tạm ngưng, nhưng hai tầu hải quân vẫn ở bên cạnh hai tầu của người di cư. Tham dự công tác cứu trợ cũng có vài tầu chở hàng.

Nếu cho tới nay đảo Lampedusa là đích tới của nhiều tầu chở người di cư, thì từ nhiều tháng qua các tầu di cư hướng về ba vùng Puglia, Calabria và

Sicilia. Ðảo Sicilia ngày càng được các tầu chở người di cư lựa chọn như nơi đổ người. Sự kiện này khiến cho các bờ biển Siracusa, Ragusa và Catania phải tiếp nhận hàng ngàn người di cư thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, trong số đó có nhiều người Siri và Ai Cập. Họ đã được các nhân viên Hồng Thập Tự Italia tiép đón săn sóc. Nói chung tình trạng sức khỏe của họ tốt khi cặp bến, ngoại trừ một vài phụ nữ mang thai trong thời kỳ cuối.

Ngày mùng 1 tháng 5 năm 2014 một số các bác sĩ thuộc Hiệp hội Malta đã đến trợ giúp nhóm 400 người đi cư được hải quân Italia vớt trên vùng biển miền nam đảo Lampedusa. Số người di cư này đã được Hải quân Italia chở đến hải cảng Trapani nam Italia, trong đó có 83 trẻ em vị thành niên và hàng chục trẻ sơ sinh. Họ thuộc các nước Eritrea, Nigeria, Siria, Tunisia, Etiopia và Mali. Trong ba ngày cuối tháng 4 vừa qua đã có 1,000 người di cư được cứu trong vùng biển Lampedusa. Nhóm 400 người di cư nói trên đã được hai chiếc tàu hải quân Italia San Giorgio và San Giusto cứu kịp, khi các thuyền chở họ đã bị nước ngập một nửa. Hai nữ bác sĩ Maria Grazia Mazza và Giada Bellanca đã thay phiên nhau trợ giúp họ. Tuy kiệt lực vì chuyến đi tìm tự do và cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng nói chung tình trạng sức khỏe của họ tương đối ổn định. Chỉ có một phụ nữ Somali bị ho lao được chở thắng tới nhà thương để điều trị.

Bác sĩ Maria Grazia Mazza đã sống trên đảo Lampedusa hai tháng trời và đã 15 lần đi theo các tầu tuần duyên hải của hải quân Italia để trợ giúp vớt người tỵ nạn. Bà cho biết các người di cư nhìn bà với đôi mắt của người đi tìm sự cứu thoát và lo sợ bị mất tất cả. Hầu như lần nào bà cũng rơi nước mắt, khi thấy hàng trăm người di cư ngồi chồng chất lên nhau trong con thuyền nhỏ mong manh, và khi thành công trong việc đưa hết họ lên tầu, bà cảm thấy thật hạnh phúc. Bà còn nhớ lần đầu tiên đi vớt người di cư bà đã khóc, khi trông thấy 38 trẻ em, trong đó có một trẻ sơ sinh mới được 10 ngày. Cảnh các bà mẹ rối rít cám ơn bà, khi bà săn sóc con cái họ, trước khi họ rời tầu lên đất liền. Bà cộng tác với các nhân viên cấp cứu cũng như thủy thủ đoàn tìm cách làm cho các người di cư bình tĩnh, ngồi yên để đừng xảy ra điều gì đáng tiếc trước khi tầu cặp bến. Bác sĩ Maria Grazia làm việc trong khu vực cấp cứu, vì thế bà đã nhìn thấy nhiều cảnh rất cảm động.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bác sĩ Giada Ballanca, 30 tuổi, đã sống trên tầu San Giorgio và San Giusto 45 ngày trong chuyến vớt người di cư và mới trở vào đất liền ngày 29 tháng 4 năm 2014.

Hỏi: Thưa bác sĩ, bác sĩ có nhận xét gì về những người di cư mới được hai tầu của hải quân Italia vớt ngoài khơi Lampedusa mấy mgày cuối tháng 4 vừa qua?

Ðáp: Các anh chị em di cư này là "khách" của nhóm cứu trợ chúng tôi hoạt động trong vùng biển Lampedusa nam Italia. Cho đến khi họ đặt chân lên các chiếc thuyền mong manh khủng khiếp để đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, họ là những người bình thường, có thể là những người nghèo hay phải sống trong các hoàn cảnh xã hội khủng khiếp. Họ có một gia đình, đi mua sắm, đem con tới trường học, làm việc, có dự án tương lai xây một căn nhà, mở một trương mục trong nhà băng... Họ là những người bình thường như tôi, như chúng ta và có thể trở nên giống như tôi.

Hỏi: Trong các thời gian qua qúy vị đã trông thấy nhiều người Siri trong số các người di cư, và cũng có nhiều gia đình, có đúng thế không?

Ðáp: Vâng, người Siri di chuyển thành các nhóm gia đình, có đông người. Và các phụ nữ có một tâm hồn mạnh mẽ đến gây kinh ngạc. Trong nhóm có ông bà nội ngoại, chú bác, cô dì, anh chị em họ, tất cả làm thành một nhóm với nhau. Thật ra chúng tôi thích quy tụ họ lại trong các khu vực dành cho gia đình để giúp họ chung sống với nhau mà không bị chia lìa. Trong đa số các trường hợp tôi nhận thấy tất cả các người di cư Siri là các chuyên viên, bác sĩ, kỹ sư. Tôi cũng đã có dịp nói chuyện với các bạn đồng nghiệp ở bên Siria, và đôi khi hỏi ý kiến và xin lời khuyên của họ giúp cho một người di cư bị đau răng. Và bạn cứ tưởng tượng coi: tôi có thể ở vào tình trạng của họ lắm chứ! Khi rảo qua một vòng, thì có thể nhận ra cũng có các người di cư đến từ các nước Gambia, Mali, Guinea Bissau, Côte d'Ivoire, Congo, Ai Cập, và từ khắp nơi, cả từ Pakistan nữa. Thế rồi cũng có những người Palestin và các nhóm nhỏ đến từ A rập Sauđi. Và khi tôi hỏi họ bằng tiếng Anh "qúy vị từ đâu tới?", họ trả lời từ Pakistan. Tôi nhìn họ kinh ngạc như thể nói rằng: "Làm sao mà qúy vị có thể đến đây được?". Họ mỉm cười để làm cho tôi hiểu rằng: "Chúng tôi đã thành công", và họ hỏi tôi: "Chúng tôi đang ở đâu vậy?" Tôi trả lời: "Các bạn đang ở trên một con tầu nhưng các bạn đang ở Italia". Và cả bốn người đều khóc. Tôi nói với họ: "Các bạn đang ở Italia và trong an ninh. Xin chào mừng các bạn" "Inshallah" và mọi chuyện xuôi chảy.

Hỏi: Nhiều người di cư hỏi họ ở đâu, vì họ không nhận thức được. Nhưng khi hiểu ra rằng họ ở Italia, thì họ đã phản ứng ra sao thưa bác sĩ?

Ðáp: Phản ứng là niềm hạnh phúc. Khi họ tới và trông thấy cờ Italia, họ vỗ tay và bất đầu la hét, bằng lòng và ra dấu hiệu "OK" vì hạnh phúc. Bởi vì họ biết họ ở Italia, và biết rằng chúng tôi hiện diện tại đó vì an ninh của họ và để trợ giúp họ. Họ hiểu điều đó lắm.

Hỏi: Nhưng mà người ta cũng biết rằng không phải tất cả mọi người di cư tới là để ở lại Italia, có đúng thế không thưa bác sĩ?

Ðáp: Vâng, đúng vậy. Nhưng họ biết rằng Italia là cánh cửa của Âu châu. Chẳng hạn nhiều người di cư hỏi làm sao để sang Thuy Ðiển hay Ðức, bởi vì có vài người thân trong gia đình của họ đang sống bên Thụy Ðiển hay Ðức. Vì thế thật là hợp lý, khi câu hỏi đầu tiên là "Mẹ tôi đang sống bên Anh quốc, tôi phải làm sao bây giờ?" Tôi phải nói rằng họ biết khá nhiều tin tức liên quan tới việc tới Ialia, một cách độc lập với sự kiện họ có hay không có giấy tờ. Tuy nhiên, chúng tôi làm cho họ hiểu rằng chúng tôi ở đó là để trợ giúp họ và họ được an tâm. Họ ngồi xuống và chúng tôi cho họ thực phẩm. Mỗi ngày ăn 5 lần gồm ba bữa chính và hai bữa phụ, với đầy đủ nước uống, các khoáng chất, thuốc men, sự săn sóc, mọi sự, và 24 giờ trên 24 giờ.

Hỏi: Bác sĩ có cảm thấy gắn bó với các người di cư tỵ nạn này hay không?

Ðáp: Có chứ. Chỉ trong một thời gian ngắn chúng tôi cảm thấy mối dây ràng buộc với nhau, vì sự cô đọng của các cảm xúc, các thông tin, nước mắt, mồ hôi... Cần phải ngửi thấy mùi của người di cư. Tôi không nói đến mùi vật lý, nhưng là mùi nhân loại, tình cảm của con người hiện hữu tại đó. Khi tôi nhớ tới ông kỹ sư người Siri, ông chủ tiệm bánh, ông chủ quán nước, và có một người nói với tôi: "Tôi là một thợ uốn tóc giỏi, nếu bác sĩ muốn tôi có thể uốn tóc cho bác sĩ". Và bạn nhớ họ. Không là điều quan trong, khi họ tên là Mohammaed hay Isaia, bởi vì chúng tôi có các nhóm đông người Eritrea Copte, tức các kitô hữu, chứ không phải chỉ có người hồi không thôi. Có rất nhiều kitô hữu. Vì thế cần phải hiểu biết các khác biệt. Chẳng hạn như trong Mùa Chay một tín hữu copte không muốn ăn, vì họ giữ chay, do đó phải nấu các thực phẩm lỏng, và những người khác hiểu lý do tại sao.

Có sự tôn trọng rất lớn, và phải rất chú ý tới điều này. Vì vậy có sợi dây gắn bó chúng tôi lại với nhau, gắn bó với thánh giá của thánh Damiano, gắn bó với tràng hạt của tín hữu hồi giáo, mà một cụ già đã tặng tôi và tôi sẽ giữ mãi làm kỷ niệm, vì nó là một sự trao đổi lòng trân qúy, trao đổi lòng tin... một sự trao đổi sự trân qúy là điều nền tảng đối với tôi trong giai đoạn này. Nó đã giúp tôi nhiều lắm. Các người di cư đã trợ giúp tôi nhiều lắm!

(RG 1-5-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page