Vài nhận định của

Ðức hồng y André Vingt-Trois

về sự kiện tuyên thánh cho hai giáo hoàng

 

"Ðây là cách tái hiện-tại-hoá Công đồng Vatican II":

Vài nhận định của Ðức hồng y André Vingt-Trois về sự kiện tuyên thánh cho hai giáo hoàng.

Roma (WHÐ 15-05-2014) - Hôm thứ Bảy 26 tháng 04 năm 2014, trước ngày lễ tuyên thánh hai Ðức giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, Ðức hồng y André Vingt-Trois, Tổng giám mục Paris, đã chủ sự Thánh lễ với khách hành hương Pháp tại nhà thờ Thánh Inhaxiô ở Roma. Nhân dịp này ngài đã chia sẻ một số suy nghĩ về hai vị thánh mới, liên quan đến Công đồng Vatican II.

- Tuyên thánh không phải để đáp lại mong đợi của các tín hữu, nhưng người tín hữu có thể rút ra từ sự kiện này và từ chiều kích phổ quát của sự kiện một ý nghĩa cởi mở hơn, lớn lao hơn về Giáo hội, và lưu tâm chính xác hơn đến giai đoạn lịch sử của Giáo hội mà việc tuyên thánh cho hai vị giáo hoàng gợi ra. Nghĩa là, với Thánh Gioan XXIII là việc khai mạc Công đồng Vatican II, và với Thánh Gioan Phaolô II là tất cả nỗ lực của ngài trong suốt triều đại giáo hoàng nhằm áp dụng Công đồng này. Nói cách khác, đây là một cách tái hiện tại-hoá Công đồng Vatican II. Ðối với nhiều người, lúc ấy họ chưa sinh ra hoặc không biết gì về Công đồng và đây là cơ hội tốt để tái khám phá tinh thần truyền giáo năng động của Hội Thánh.

- Có người nói đến việc tuyên thánh cho Ðức giáo hoàng Phaolô VI...

- Chắc chắn có nhiều lý do chính đáng để tuyên thánh cho Ðức giáo hoàng Phaolô VI, nhưng tôi không chắc thói quen tuyên thánh cho tất cả các giáo hoàng là một điều hay. Thánh Gioan Phaolô II đã rất kiên trì khi mở nhiều án phong thánh cho tất cả các thành phần Dân Chúa: các ngài được chọn không phải vì bậc sống của mình.

- Ðiều đó có nghĩa là trong thế giới hiện nay, để làm giáo hoàng cần phải "thánh thiện hơn"?

- Vâng, chắc chắn như vậy. Như thế là hơi bất công với những vị giáo hoàng trước đây, nhưng đúng là việc bãi bỏ thể chế Nhà nước thuộc quyền Giáo hoàng vào năm 1870 - đưa đến việc Ðức giáo hoàng không còn quyền quản trị thông thường-, khiến người ta nhấn mạnh hơn đến việc Ðức giáo hoàng quản trị Giáo hội về phương diện thiêng liêng, và vì vậy thật là bình thường khi sự thánh thiện, năng lực mục vụ của các ngài càng nổi bật hơn.

- Ðức hồng y có kỷ niệm nào đặc biệt với Thánh Gioan Phaolô II không?

- Tôi có nhiều kỷ niệm với Ðức Gioan Phaolô II. Tôi nhớ Ðại hội Giới trẻ Thế giới ở Paris vào năm 1997, và những chuyến viếng thăm ad limina khi ngài làm giáo hoàng, những cuộc gặp gỡ với ngài lúc ấy là những khoảnh khắc lắng nghe và đối thoại. Và tôi không quên rằng ngài đã bổ nhiệm tôi làm Tổng giám mục Paris!

- Có sự thay đổi nào, với Ðức Bênêđictô XVI rồi đến Ðức Phanxicô, trong cung cách mà Ðức Gioan Phaolô II đã áp dụng Công đồng?

- Nhịp điệu đã thay đổi. Trước hết, Ðức Bênêđictô XVI không thi hành sứ vụ lâu như Ðức Gioan Phaolô II. Khi nói đến nỗ lực của Ðức Gioan Phaolô II trong việc áp dụng Công đồng, trước hết tôi nghĩ đến các Thượng Hội đồng Giám mục liên tiếp mà ngài đã triệu tập để hiện-tại-hoá các văn kiện của Công đồng. Khi điều ấy diễn ra, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thấy, nhưng đó là một kế hoạch có chủ ý, nghĩa là, ngài đã có ý tưởng đưa Công đồng vào Giáo hội bằng một công việc liên tục của các giám mục. Tôi nghĩ rằng ngài đã tiếp tục phổ biến và thực hiện những gì mà Công đồng đã nói.

Tôi nghĩ rằng những người kế nhiệm ngài không còn phải làm công việc tương tự. Các ngài có một công việc khác phải làm, không còn đơn giản là phổ biến các văn kiện của Công đồng, nhưng là tìm ra cách thức các văn kiện này soi sáng, thúc đẩy và định hướng cho đời sống của Giáo hội mình đang sống như thế nào.

(Theo La-Croix)

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page