Lễ Phục Sinh

tại Thánh Ðịa và bên Philippines

 

Lễ Phục Sinh tại Thánh Ðịa và bên Philippines.

Phỏng vấn Ðức Thượng Phụ Latinh Fouad Twal và Linh Mục Sebastiano D'Ambra, thừa sai PIME.

Roma (RG 27-04-2014; Vat. 6-05-2014) - "Sự Phục Sinh của Ðức Giêsu là việc can thiệp của Thiên Chúa Cha, ở nơi đâu niềm hy vọng của con người bị tan vỡ". Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 70,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư Tuần Thánh 16 tháng 4 năm 2014. Các lời này cũng vang vọng mạnh mẽ tại Thánh Ðịa, tại các nơi ghi dấu sự hiện diện và bước chân của Chúa Giêsu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hòa bình. Sáng thứ Bẩy Tuần Thánh 19 tháng 4 năm 2014 tại Giêrusalem đã xảy ra các vụ đụng độ giữa người Palestine và người Do thái trên sân Ðền thờ hồi giáo. Ðã có 16 người bị bắt giữ. Mặc dù có các căng thẳng nhưng lễ Phục Sinh đã được Ðức Thượng Phụ Latinh Fouad Twal cử hành với sự tham dự của đông đảo các tín hữu và du khách hành hương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Thượng Phụ về ý nghĩa của lễ Phục Sinh cử hành trong vương cung thánh đường Sống Lại bao trùm Mộ thánh và Ðồi Canvê.

Hỏi: Thưa Ðức Thượng Phụ, năm nay lễ Phục Sinh của Giáo Hội công giáo trùng ngày với lễ của Giáo Hội chính thống. Nó có ý nghĩa gì trong viễn tượng chuyến công du Thánh Ðịa của Ðức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 5 tới đây?

Ðáp: Như mọi lễ Phục Sinh, đây là lễ Phục Sinh đẹp nhất trên thế giới và tôi hy vọng rằng nó sẽ giúp chúng tôi có một bước nhảy về phẩm để có hòa bình hơn, tình yêu hơn và sự trung thành với Chúa hơn. Ðó là một lễ Vượt Qua, một sự Phục Sinh, một sự vượt qua, từ tình trạng này sang tình trạng khác: chúng tôi hy vọng sau đó sẽ có bác ái hơn, công bằng hơn và nhiều cộng tác hơn giữa tất cả mọi phía. Thế rồi năm nay có thêm một yếu tố nữa, chúng tôi tất cả cùng cử hành lễ Vượt Qua: các anh em Do thái cử hành lễ của họ, các anh em Chính thống và các tín hữu Công Giáo. Ðây là ước mong của Chúa, di chúc của Người và cũng là ước mong của biết bao nhiêu kitô hữu. Tôi hy vọng là với biến cố Ðức Thánh Cha đến Thánh Ðịa, ý muốn đó, ước mong tạo ra hiệp thông hơn, hiệp nhất hơn, cộng tác hơn luôn luôn lớn hơn trong con tim của các tín hữu.

Hỏi: Lời mời gọi của lễ Phục Sinh là lời mời gọi hy vong vô biên nơi Thiên Chúa, là Ðấng rộng mở ra con đường giữa nỗi khổ đau của chúng ta. Ðâu là nỗi khổ đau của Thánh Ðịa, thưa Ðức Thượng Phụ?

Ðáp: Các khổ đau của chúng tôi nhiều biết bao nhiêu. Ðã hơn một lần tôi gọi Giáo Hội tại đây là "Giáo Hội của núi Sọ" vì tình hình chính trị hiện nay, vì sự chiếm đóng quân sự của người Do thái đã kéo dài từ 66 năm qua. Mặc dù có các can thiệp, các cuộc gặp gỡ, các lời hứa hẹn, các nghị quyết, chúng tôi vẫn còn ở trong tình trạng chính trị này. Nó khó khăn đến độ ảnh hưởng trên cả tình hình kinh tế của dân chúng: có biết bao nhiêu người bị bó buộc phải di cư, phải bỏ Thánh Ðịa. Trong số các người này có biết bao nhiêu người trẻ đã học hành. Tôi định nghĩa nó là "một mất máu nhân lực" vô tận. Chúng tôi có biết bao nhiêu vấn đề. Chúng tôi không thể quên tình hình bên Giordania với một triệu người tị nạn Siri với các gia đình, thanh thiếu niên, các bà mẹ, các phụ nữ các trẻ em và người già cả. Cùng với các tổ chức nhân đạo khác Giáo Hội làm tất cả những gì có thể để trợ giúp họ, nhưng tình hình rất là thê thảm. Nhưng mà Giáo Hội của chúng tôi cũng là Giáo Hội của sự Phục Sinh, của niềm hy vọng, của niềm vui sống, loan báo tin Mừng, làm việc, tiếp đón, cộng tác và luôn luôn hy vọng.

Hỏi: Trong Mùa Chay năm nay Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng Chúa Kitô đã trở nên nghèo nàn để khiến cho chúng ta được giầu có với sự nghèo nàn của Người. Ðâu là sứ điệp Phục Sinh của Thánh Ðịa cho tất cả mọi kitô hữu, thưa Ðức Thượng Phụ?

Ðáp: Chúng tôi muốn có một nền hòa bình cho tất cả mọi người; chúng tôi sống nghèo nàn, hy vọng, tươi vui và tự do. Chúng tôi nghèo nàn trong tất cả mọi nghĩa! Chúng tôi đã luôn luôn kêu gọi hòa bình cho Thánh Ðịa, chúng tôi muốn có hòa bình. Tuy nhiên, không có một hòa bình cho một dân tộc mà lại không có hòa bình cho dân tộc khác. Tôi cầu chúc hòa bình cho tất cả mọi người dân sống tại Thánh Ðịa: do thái, hồi giáo hay kitô. Chúng tôi hy vọng rằng với sự Phục Sinh và lễ Vượt Qua này Chúa ban cho chúng tôi điều chúng tôi cầu chúc: hòa bình, thanh thản, và yên hàn cho tất cả mọi người, và sự tin tưởng lẫn nhau, là điều đang thiếu trong lúc này.

* * *

Từ Thánh Ðịa chúng ta bước sang Philippines, là quốc gia công giáo hàng đầu của châu Á. Lễ Phục Sinh năm nay có một ý nghĩa đặc biệt sau sự tàn phá của trận bão Hayan hồi tháng 11 năm 2013 khiến cho hơn 6,000 người chết, 30,000 bị thương và hàng chục ngàn người tản mác, với các thiệt hại không thể tính toán được, nhất là trong vùng Visayas. Tại miền nam vùng này là đảo Mindanao, nơi mới đây đã có cuộc ký kết thỏa hiệp hòa bình giữa lực lượng phiến quân Mặt trận giải phóng hồi giáo và chính quyền Phi, để chấm dứt 40 năm chiến tranh du kích nhằm tách rời Mindanao khỏi Philippines. Trên đảo này có Linh Mục Sebastiano D'Ambra, thừa sai Ý thuộc Hiệp Hội truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, là người đã làm việc tại đây từ 35 năm qua, và là người sáng lập ra Phong trao đối thoại liên tôn "Silsilah".

Hỏi: Thưa cha D'Ambra, lễ Phục Sinh năm nay tại Philippines đã như thế nào?

Ðáp: Hôm nay tại Philippines lễ Phục Sinh là một lễ tươi vui, cả khi rất tiếc là đã có tai ương kinh khủng trong các tháng qua. Người dân vẫn còn đau khổ. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, đặc biệt tại Zamboanga dân chúng đi rước kiệu ngoài đường phố cũng đã nghĩ tới chiến tranh đã xảy ra trong vùng đất này. Vì thế các khổ đau của Chúa Giêsu được hiệp nhất với các khổ đau của dân chúng.

Hỏi: Thưa cha, đây cũng là lễ Phục Sinh đầu tiên sau các tàn phá của trận bão Hayan, đã khiến cho Philippines ngã qụy. Ðức Thánh Cha đã cầu nguyện cho các nạn nhân và gửi đóng góp cứu trợ cho dân chúng bị nạn. Tình hình các vùng bị bão ra sao rồi?

Ðáp: Dân chúng từ từ sinh hoạt trở lại. Rất tiếc đó là các tai ương trầm trọng vươt qúa mọi dự đoán, và vì thế có rất nhiều việc phải làm.

Hỏi: Tại Manila ngày thứ Sáu Tuần Thánh đã có cuộc đi đàng Thánh Giá khẩn cầu an ninh và chở che cho khỏi các tai ương thiên nhiên, có đúng thế không thưa cha?

Ðáp: Vâng, đúng vậy, và đó là đề tài đã được đưa ra không phải chỉ trong thủ đô Manila mà trên toàn nước Philippines, bởi vì người ta còn ngửi được trong không khí mùi của các tai ương này. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh có truyền thống cử hành Bẩy Lời của Chúa: nhiều người đã minh nhiên nỗi khổ đau của dân chúng và nỗi khổ đau của Chúa Giêsu.

Hỏi: Tại Mindanao tín hữu cũng cử hành như vậy hay sao thưa cha?

Ðáp: Chắc chắn rồi. Tại Mindanao, và đặc biệt tại Zamboanga, nơi tôi đang sống, đã có cuộc chiến với biết bao nhiêu người chết, và hàng trăm ngàn người phải di tản. Hôm nay tôi cũng đi trợ giúp các anh chị em này. Ở đây thực tại khác nhau hơn, bởi vì dân chúng theo Hồi giáo và Kitô giáo. Người Hồi không biết lễ Phục Sinh là gì, họ biết là lễ vì các kitô hữu cử hành nó. Vì vậy kitô hữu chúng tôi phải chiếu sáng lên niềm hy vọng của Chúa Kitô Phục Sinh, là Chúa Kitô của tình yêu, là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người.

Hỏi: Liên quan tới Mindanao hồi tháng 3 vừa qua chính quyền Philipines đã ký thỏa hiệp hòa bình với Mặt trận giải phóng Moro hồi giáo. Thỏa hiệp đã đem lại những gì thưa cha?

Ðáp: Nó đã đem lại một dấu chỉ hy vọng, nhưng con đường còn dài, bởi vì có các khó khăn trong việc tôn trọng nó giữa các nhóm hồi khác nhau. Nhưng chính phủ đang làm tất cả những gì có thể để thỏa hiệp này được các phe khác nhau tuân hành.

Hỏi: Cha đặc trách về đối thoại liên tôn. Dấn thân này ra sao bên Philippines?

Ðáp: Ðây là dấn thân tôi đã làm từ 30 năm nay. Thật thế, trong hai tuần nữa chúng tôi sẽ mừng kỷ niệm 30 năm thành lập phong trào "Silsilah", để một lần nữa nói rằng đối thoại phải được xây dựng trên tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.

Hỏi: Vào lễ Phục Sinh Ðức Thánh Cha Phanxicô đã xin mọi người tiếp nhận ơn lòng thương xót của Thiên Chúa. Ðâu là lời cha cầu chúc cho dân nước Philippines?

Ðáp: Lời cầu chúc đó là người ta thực sự thắng vượt được các xung đột và biết nhìn nhận nhau như anh chị em. Thật vậy, như thế chúng tôi sẽ bắt đầu một giai đoạn xây dựng một nhà nguyện mới. Thánh giá của nhà nguyện sẽ đươc làm bằng hai mảnh gỗ lượm được trong vùng đã có chiến tranh. Tôi sẽ viết trên đó câu này: "Lậy Chúa xin tha thứ".

(RG 27-4-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page