Ðức Thánh Cha Phanxicô

cử hành Thánh lễ Tiệc ly

tại một trung tâm

chăm sóc người già và khuyết tật

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ Tiệc ly tại một trung tâm chăm sóc người già và khuyết tật.

Roma (WHÐ 18-04-2014) - Năm nay (2014), một lần nữa, Ðức Thánh Cha Phanxicô quyết định không cử hành Thánh lễ Tiệc ly trong khung cảnh uy nghi của Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, nhưng đã chọn một nơi khiêm tốn, kề bên những khổ đau của con người. Năm ngoái (2013), khi vừa được bầu làm giáo hoàng, ngài đã gây bất ngờ khi cử hành Thánh lễ Tiệc ly tại Trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên Casal del Marmo ở ngoại ô phía bắc Roma và rửa chân cho các tù nhân trẻ tại đây, cả nam và nữ.


Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ với nghi thức rửa chân cho những người già và khuyết tật thuộc hội chân phước Gnocchi ở Roma.


Ngày thứ Năm Tuần Thánh (2014) lần thứ hai trong tư cách giáo hoàng, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chọn cử hành Thánh lễ Tiệc ly tại một trung tâm chăm sóc người già và khuyết tật ở Rôma: Trung tâm "Mẹ Maria Chúa Quan Phòng", do tổ chức Don Carlo Gnocchi điều hành. Ðây là nơi đón tiếp những người cao tuổi và nghèo, thuộc về một trong nhiều vùng ngoại vi của xã hội hiện đại, một xã hội coi trọng năng suất và hình thức bên ngoài, đồng thời loại bỏ người già và người khuyết tật, vì những người này thường bị coi là gánh nặng cho người thân của họ và cho những người nộp thuế. Nhiều lần Ðức Thánh Cha đã đề cao sự giàu có của người cao niên, vốn bị đánh giá thấp trong nền văn hóa loại bỏ của xã hội hiện nay.

Trong bài giảng Thánh lễ, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng "di sản mà Chúa Giêsu lại cho chúng ta là: hãy là người tôi tớ phục vụ nhau. Bây giờ tôi sẽ thực hiện cử chỉ này, nhưng tất cả chúng ta hãy nghĩ đến người khác: làm sao để phục vụ họ tốt hơn, đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện". Ðức Thánh Cha nói thêm: "Chúng ta vừa nghe trong bài đọc điều Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly, cử chỉ ly biệt này là một lời di chúc. Thiên Chúa trở thành người tôi tớ. Lời di chúc đó là: "Anh em phải trở nên tôi tớ phục vụ lẫn nhau, phục vụ trong yêu thương". Sau đó Ðức Thánh Cha nói rằng "cử chỉ này càng mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc vì chỉ có người nô lệ, người tôi tớ mới làm công việc rửa chân, và Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, khi lập bí tích Thánh Thể, đã dùng cử chỉ rửa chân này để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải là người tôi tớ phục vụ lẫn nhau".

Sau đó Ðức Thánh Cha đã rửa chân cho 12 bệnh nhân thuộc nhiều độ tuổi và sắc tộc khác nhau. Họ từ 16 đến 86 tuổi, có chín người Italia và ba người nước ngoài, trong đó có một người Hồi giáo. Với các khuyết tật của mình, họ là hiện thân của các hình thức yếu đuối mới hay cũ mà cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi nhận ra đó là chính Chúa Kitô chịu đau khổ.

Không có ca đoàn nổi tiếng của nhà nguyện Sistine hát lễ, mà ca đoàn gồm chính các thành viên của trung tâm và các thiện nguyện viên đến đây sinh hoạt mỗi Chúa nhật.

(Theo Vatican Radio)

 

Minh Ðức

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page