Hội nghị Genève II

và tình hình Siria

 

Hội nghị Genève II và tình hình Siria.

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria.

Roma (RG 29.31-01-2014; RG 4.8-02-2014; Vat. 24-02-2014) - Ngày 22 tháng 1 năm 2014 Hội nghị Geneve II về Siria đã khai diễn tại Montreux và tiếp tục tại Genève và đã kết thúc ngày 31 tháng 1 năm 2014. Sau mười ngày nhóm họp Hội nghị đã không đem lại kết qủa cụ thể nào, vì các lập trường hoàn toàn khác biệt và đối đầu giữa phái đoàn chính quyền Damasco và phái đoàn các lực lượng đối lập. Chính quyền Siria vẫn tiếp tục coi các lực lượng đối lập là các nhóm khủng bố phá hoại, còn các lực lượng đối lập nhất quyết đòi ông Bashar Al-Assad phải ra đi. Kết qủa cụ thể duy nhất là việc di tản các thường dân khỏi thành phố Homs, bị quân chính phủ bao vây từ nhiều tháng qua, phải sống trong cảnh đói khát của một thành phố bị bom đạn tàn phá sụp đổ tan hoang, hầu như không còn căn nhà nào lành lặn. Các chuyến xe bus chở thường dân đa số là phụ nữ người già và trẻ em đã bắt đầu rời Homs ngày mùng 6 tháng 2 năm 2014 với 83 phụ nữ trẻ em và người già và hiện đang tiếp tục nhờ có cuộc ngưng bắn. Ba tấn đồ cứu trợ cũng sẵn sàng để được phân phát cho dân chúng tại Homs.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, dành cho phái viên Cecilia Ceppia của đài Vaticăng ngày mùng 8 tháng 2 năm 2014.

Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh, sau cùng thì đồ cứu trợ đã tới được với dân chúng bị bao vây tại Homs, và các thường dân được di chuyển khỏi thành phố, có đúng thế không?

Ðáp: Vâng, cần ghi nhận cử chỉ thiện chí này của các phe lâm chiến. Cần nhớ rằng việc thương lượng này đã kéo dài nhiều tháng mà không thành công, ngay cả trong khuôn khổ hiệp đầu của cuộc thương thuyết tại Genève. Nhưng sau cùng hai bên đã đi tới kết luận tích cực này. Ðây là bước tích cực đầu tiên, cả khi có tối thiểu, mở đường cho giải pháp dài của cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp thiết và thảm trạng liên quan tới toàn dân nước Siria. Theo các thống kê của Liên Hiệp Quốc có 2.5 triệu người Siri đang cấp thiết chờ đợi đồ cứu trợ, chưa thể tởi được với họ, ít nhiều cũng như đối với 25,000 dân tại thành phố Homs. Vì vậy đường còn dài lắm.

Hỏi: Chính quyền Damasco đã cho biết là ngày mùng 8 tháng 2 bắt đầu phát các phẩm vật cứu trợ nhân đạo. Thật ra 3 tấn thực phẩm thuốc men và các dụng cụ cần thiết khác đã tới Homs rồi, chỉ chờ được phận phát cho dân thôi mà..

Ðáp: Theo các tin tức tôi nhận được cũng cần tiếp tục di tản các thường dân khỏi Homs, trong đó tôi hy vọng là có một số kitô hữu, nhưng cách đây mấy giờ người ta cho biết là các kitô hữu đã không thể ra khỏi khu phố của họ. Và tôi nghĩ là người ta đã bắt đầu phân phát phẩm vật cứu trợ.

Hỏi: Việc ngưng bằn từng nơi để cho phẩm vật cứu trợ nhân đạo được chở tới cho dân chúng như tại Homs, có thể áp dụng được cho các nơi khác không thưa Ðức Sứ Thần: chẳng hạn như Aleppo, hôm nay lại bị pháo kích khiến cho các thường dân chết dưới hàng tấn bom của quân đội mỗi ngày?

Ðáp: Vâng, nó có thể là một thí dụ hay một thử nghiệm đầu tiên. Nếu nó thành công trong ba ngày, thì có thể lập lại tại Aleppo, là nơi cần kíp phải ngưng bắn, đôi khi một phần cũng được.

Hỏi: Thứ hai mùng 10 tháng 2 cuộc đàm phán tại Genève lại tiếp tục như Liên Hiệp Quốc đã cho biết, với sự hiện diện của chính quyền Damasco nữa. Nhưng sẽ khó mà tìm ra một giàn xếp, và nút thắt chính vẫn là sự chuyển tiếp chính trị, có phải thế không thưa Ðức Sứ Thần?

Ðáp: Việc tiếp tục các cuộc đàm phán cũng là một sự kiện tích cực. Cả khi không thể chờ đợi các phép lạ. Ước mong rằng tình trạng cứu trợ nhân đạo cũng đồng thời hiện diện trong các cuộc thương thuyết tìm một giải pháp chính trị. Cả hai việc phải đi đôi với nhau. Con đường còn rất dài, nhưng không được nản chỉ, cả hai phía cần tiếp tục đối thoại. Các tham dự viên cuộc hòa đàm không được quên các mong đợi của dại đa số dân Siria; họ đang chờ đợi một nước Siria mới, dân chủ hơn, biết tôn trọng nhân quyền và và các quyền tự do nền tảng hơn; và tất cả những điều này phải đạt được không phải với các phương tiện bạo động, mà với các giải pháp chính trị.

Trước đó ngày 29 tháng giêng Ðức Tổng Giám Mục Mario Zenari cũng đã dành cho phóng viên Massimiliano Menichetti của đài Vaticăng về tình hình Siria và việc cứu trơ nhân đạo.

Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh, Ðức Sứ Thần có tin tức gì về cha D'Oglio và 12 nữ tu bị bắt cóc tại Maalula không?

Ðáp: Chúng tôi không có tin gì về cha D'Oglio cả. Thỉnh thoảng có các lời đồn đại này kia, nhưng không thể lượng định xem chúng có thật hay không. Rất tiếc la cha đã bị bắt cóc 6 tháng nay rồi. Trong vài tuần nữa sẽ là 12 tháng hai linh mục khác đã bị mất tích trong vùng gần thành phố Aleppo, một vị là linh mục công giáo Armeni, vị kia là linh mục chính thống Hy lạp. Và ba tháng nữa là một năm hai Giám Mục chính thống bị bắt cóc. Rất tiếc là chúng tôi không có tin tức nào về các vị cả.

Liên quan tới 12 nữ tu chính thống bị bắt cóc tại Maalula, trái lại thỉnh thoảng có vài tin tức lọt ra. Xem ra chúng trấn an, người ta được biết ít nhiều là các nữ tu được đối xử tử tế tại nơi các chị bị giam giữ, trong một căn nhà tại tỉnh Abrud. Ðây là một trường hợp hơi khác một chút. Thỉnh thoảng các nữ tu có thể điện thoại cho vài người hay vài nữ tu khác.

Hỏi: Như thế nước Siria bị rơi vào trong cơn xoáy thê thảm của các vụ bắt cóc. Chúng xảy ra rất nhiều, có đúng thế không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Rất tiếc là đúng như vậy. Cũng cần phải trải rộng cái nhìn ra nữa: và sự kiện trở thành thực sự gớm ghiếc, bởi vì người ta nói tới hàng trăm người bị bắt cóc, bao gồm cả các gia đình nữa, và nếu người ta gộp cả mọi loại người bị bắt cóc và mất tích lại với nhau thì con số sẽ rất cao.

Hỏi: Vậy ai là những người bị bắt cóc thưa Ðức Cha?

Ðáp: Có loại tội phạm: nhiều người đã bị bắt cóc để tống tiền trong các làng mạc và thành thị, và rất tiếc chúng xảy ra hàng ngày. Thế rồi có loại bắt cóc chính trị: những người có vị trí quan trọng nào đó bị nhóm này hay nhóm kia bắt cóc, và có thể mai mốt họ được dùng để đổi chác cho nhau. Rồi cũng có những người bị bắt cóc và biến mất, mà người ta cũng chẳng biết các lý do.

Tôi muốn nói rằng việc bắt cóc các nhân vật của Giáo Hội cũng không có một lý do nào cả. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa của lòng thương xót đánh động trái tim của tất cả những người chủ mưu, bởi vì chúng ta biết rằng gia đình các nạn nhân đau khổ biết chừng nào, vì không có tin tức gì liên quan tới thân nhân của họ cả. Tới nay họ đã mất tích bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần, và bao nhiêu tháng rồi... Các vụ bắt cóc là một tai họa do cuộc chiến này gây ra. Chúng tôi cầu mong trợ giúp tất cả những người bị bắt cóc và gia đình họ bằng lời cầu nguyện.

Hỏi: Trong tình trạng như vầy thì Giáo Hội đang làm gì thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh?

Ðáp: Giáo Hôi đang thực thi một sứ mệnh gian khổ, trước hết là gần gũi với người dân, gần gũi với tất cả mọi người, tín hữu kitô cũng như tín hữu các tôn giáo khác. Bởi vì tất cả mọi người đều đau khổ vì các tai ương của chiến tranh, của nghèo đói, của gía lạnh, và các vụ bắt cóc. Ðiều đầu tiên mà Giáo Hội làm đó là hiện diện và gần gũi họ, chia sẻ các nỗi khổ đau của họ. Ngoài việc trợ giúp vật chất - trợ giúp một chút với những gì chúng tôi có thể cống hiến cho họ - nhưng nhất là trợ giúp tinh thần bằng sự hiện diện, chia sẻ thảm cảnh khủng khiếp, mà mọi người dân Siria đang phải sống hiện nay.

Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh, trước khi Hội nghị hòa bình cho Siria được triệu tập tại Montreux, Ðức Sứ Thần đã nhấn mạnh rằng: "Tất cả các phái đoàn phải đến tham dự hội nghị như đến gần đầu gường của một bà mẹ", ám chỉ bà mẹ Siria. Ðức Sứ Thần đánh gía Hội nghị này và các nỗ lực làm trung gian giữa các người chống đối tổng thống Al-Assad như thế nào?

Ðáp: Ngay từ đầu người ta đã biết rằng Hội nghị này phải thắng vượt những chướng ngại không thể thắng vượt được. Tuy nhiên, cần phải làm mọi cố gắng. Sau ba năm các phe phái xa cách nhau và đánh nhau, mà giờ đây họ chịu ngồi vào chung một bàn hòa đàm, thì đã là một cái gì rồi. Mỗi bước nhỏ đều có giá trị nào đó. Như là tín hữu kitô nhưng cũng như là những người có niềm tin, chúng tôi phải tháp tùng các các cố gắng đó với lời cầu nguyện, bởi vì hơn bao giờ hết người ta nhận ra rằng cần phải có sự trợ giúp của Thiên Chúa để đạt được ơn hòa bình, được giao phó cho tinh thần trách nhiệm của con người. Không bao giờ được đánh mất sự tin tưởng, cả khi sẽ có các lúc rất rất là khó khăn. Cần phải tiến bước, nhất là đối với những gì liên quan tới khía cạnh nhân đạo. Không phải chỉ có người dân tội nghiệp của vùng Homs. Có khoảng 3,000 tới 3,500 người dân bị bao vây từ hơn một năm rưỡi nay trong đó có khoảng 60-65 tín hữu kitô với một linh mục, một tu huynh dòng Tên già người Hòa Lan đã lựa chọn ở lại với các anh chị em tội nghiệp bị bao vây này. Tuy nhiên, ngoài họ ra cũng có khoảng 2.5 triệu người phải sống tình cảnh tương tự, và bị cắt đứt khỏi các trợ giúp nhân đạo rất cấp thiết. Như thế, nếu hai bên có thể đồng ý với nhau để cho các trợ giúp nhân đạo được đem tới cho các anh chị em bị bao vây, từ phía này hay phía kia, thì cũng sẽ là một kết qủa đẹp lắm rồi!

(RG 29.31-1-2014; RG 4.8-2-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page