Các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô

là gương mù gương xấu cần vượt thắng

 

Các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô là gương mù gương xấu cần vượt thắng.

Vatican (Vat. 22-01-2014) - Các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô là gương mù gương xấu cần vượt thắng. Chúng làm suy yếu sự đáng tin cậy và hiệu lực dấn thân rao giảng Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ làm trống rỗng quyền năng của Thập Giá Chúa.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 22 tháng 1 năm 2014.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã nói về Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô đã bắt đầu từ thứ bẩy 18 tháng 1 năm 2014 và sẽ kết thúc vào thứ bẩy 25 tháng 1 năm 2014, ngày lễ Thánh Phaolô hoán cải. Ðức Thánh Cha nói:

Sáng kiến tinh thần qúy báu này lôi cuốn các cộng đoàn kitô từ hơn một trăm năm nay. Ðây là thời gian dành để cho lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người đã được rửa tội theo ý muốn của Chúa Kitô: "ước chi tất cả chỉ là một" (Ga 17,21). Hằng năm một nhóm đại kết của một vùng trên thế giới, dưới sự hướng dẫn của Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô và của Hội Ðồng Tòa Thánh thăng tiến sự hiệp nhất của các tín hữu kitô, gợi ý đề tài và chuẩn bị các tài liệu cho Tuần cầu nguyện. Năm nay các tài liệu đến từ các Giáo Hội và cộng đoàn Canada, và quy chiếu về câu hỏi thánh Phaolô đưa ra cho kitô hữu Côrintô: "Phải chăng Chúa Kitô bị chia rẽ?" (1 Cr 1,13).

Chắc chắn Chúa Kitô đã không bị chia rẽ. Nhưng chúng ta phải chân thành đau đớn thừa nhận rằng các cộng đoàn của chúng ta tiếp tục sống các chia rẽ là gương mù gương xấu. Sự chia rẽ giữa các kitô hữu chúng ta là một gương mù gương xấu. Không có một từ khác: một gương mù gương xấu! Thánh Phaolô viết: "Mỗi người trong anh em nói: "Tôi thuộc về Apollo", "Tôi thuộc về Cefa", "Tôi thuộc về Chúa Kitô" (1,12). Cả những người tuyên xưng Chúa Kitô như thủ lãnh của họ không được thánh Phaolô vỗ tay tán đồng, bởi vì họ đã dùng danh Chúa Kitô để chia rẽ nhau bên trong cộng đoàn kitô. Nhưng Danh Chúa Kitô tạo sự hiệp thông và hiệp nhất, chứ không chia rẽ! Bí tích Rửa Tội và Thập Giá là các yếu tố nòng cốt của việc là môn đệ kitô mà chúng ta có chung. Trái lại các chia rẽ làm suy yếu sự đáng tin cậy và hiệu lực dấn thân rao truyền Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ làm trống rỗng quyền năng của Thập Giá (x. 1,17).

Thánh Phaolô quở trách các tín hữu Côrintô vì các tranh luận của họ, nhưng người cũng cám tạ Chúa "vì ơn thánh của Thiên Chúa đã được ban cho anh em nơi Ðức Kitô Giêsu, bởi vì nơi Người anh em đã được trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người" (1 Cr 1,4-5). Các lời này không phải chỉ là một hình thức đơn sơ, mà là dấu chỉ mà thánh nhân trông thấy trước hết - và người thực sự vui mừng vì điều này - đó là các ơn Thiên Chúa ban cho cộng đoàn. Ðức Thánh Cha rút tỉa ra từ thái độ này của thánh Phaolô kết luận sau đây:

Thái độ này của Tông Ðồ Phaolô là một khích lệ đối với chúng ta và mọi cộng đoàn kitô vui mừng thừa nhận các ơn thánh của Thiên Chúa hiện diện trong các cộng đoàn khác. Mặc dù nỗi khổ đau của các chia rẽ rất tiếc còn tồn tại, chúng ta hãy tiếp nhận các lời của thánh Phaolô như là một lời mời gọi vui mừng một cách chân thành về những ơn thánh, mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các anh chị em kitô khác. Chúng ta có cùng bí tích Rửa Tội, cùng Chúa Thánh Thần, Ðấng đã ban các ơn thánh cho chúng ta, chúng ta hãy nhận biết và vui mừng.

Thật là xinh đẹp nhận biết ơn thánh, mà Thiên Chúa chúc phúc cho chúng ta và còn hơn thế nữa, tìm thấy nơi các kitô hữu khác một cái gì đó, mà chúng ta cần đến, một cái gì mà chúng ta có thể nhận lấy như một ơn từ các anh chị em khác của chúng ta. Nhóm Canada đã soạn các tài liệu của Tuần cầu nguyện này đã không mời gọi các cộng đoàn nghĩ tới điều mà chúng ta có thể trao ban cho các anh chị em kitô khác, nhưng đã khích lệ các cộng đoàn gặp gỡ nhau để hiểu điều tất cả có thể nhận được từ các cộng đoàn khác. Ðiều này đòi hỏi một cái gì hơn nữa. Nó đòi hỏi nhiều lời cầu nguyện, nó đòi hỏi sự khiêm nhường, nó đòi hỏi suy tư và hoán cải liên tục. Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này, bằng cách cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các tín hữu kitô, để cho gương mù gương xấu giảm đi và không còn giữa chúng ta nữa. Xin cám ơn.

Kết thúc bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, giáo huấn của thánh Phaolô nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa, qua Bí tích Rửa Tội, và chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu vác thập giá và theo Người. Nhưng vượt ngoài các cộng đoàn của chúng ta có các người con khác của Thiên Chúa, các môn đệ khác, mà cũng như chúng ta, họ được mời gọi nên thánh.

Ðức Thánh Cha đã chào mọi tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô đặc biệt một nhóm sinh viên Học viện đại học Bossey. Ngài cầu chúc các học hỏi nghiên cứu của họ giúp thăng tiến cuộc đối thoại đại kết. Ngài cũng chào một nhóm các linh mục tuyên úy quân đội Anh quốc và phái đoàn của Liên hiệp Do thái Chicago. Ðức Thánh Cha cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Argentina, Mehicô, Brasil, cách riêng nhóm các linh mục giáo phận Catanduva, cũng như một đoàn hành hương đến từ Ai Cập và các nước A rập. Ngài xin Chúa ban sự hiệp nhất cho các kitô hữu để họ sống sự khác biệt như là nét phong phú và trông thấy nơi người khác một người anh em cần tiếp đón và yêu thương.

Chào các tham dự viên cuộc họp của các chuyên viên phối hợp công tác Tông đồ Biển và Ðức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách hoạt động này, Ðức Thánh Cha khích lệ họ là tiếng nói của các công nhân phải sống xa các người thân và đương đầu với các tình trạng nguy hiểm và khó khăn. Ngài cũng chào các thành viên lực lượng cảnh sát vùng Macherio và Sovico do Ðức Hồng Y Dionigi Tettamanzi hướng dẫn.

Chào đông đảo các bạn trẻ hiện diện tại quảng trường, Ðức Thánh Cha cầu mong thánh Phaolô là mẫu gương môn đệ theo Chúa rao giảng Tin Mừng cho họ. Ngài xin các anh chị em đau yếu dâng khổ đau của họ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, và nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới lấy hứng từ thánh Tông Ðồ dân ngoại, thừa nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài trong cuộc sống gia đình.

Cũng như mọi khi Ðức Thánh Cha đã bắt tay chào thăm vuốt ve an ủi hàng trăm bệnh nhân ngồi trên xe lăn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page