Dấn thân của Tòa Thánh

nhằm vãn hồi hòa bình cho Siria

 

Dấn thân của Tòa Thánh nhằm vãn hồi hòa bình cho Siria.

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức của Liên Hiệp tại Genève.

Geneve (RG 12-01-2014; Vat. 22-01-2014) - Trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình thế giới năm 2014 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ rằng "thế giới này có ơn gọi làm thành một cộng đoàn huynh đệ", nhưng thực tại này bị chối bỏ bởi việc "toàn cầu hóa của sự thờ ơ". Vì thế cộng đoàn thế giới xem ra rất hờ hững với nỗi khổ đau của các dân tộc đang lâm cảnh chiến tranh, điển hình như trường hợp của Siria.

Sự thờ ơ đó đã được chứng minh qua sự thất bại của khóa họp của các nước ân nhân của Siria nhóm tại Kuweit ngày 15 tháng 1 năm 2014. Ông Ban Ki-Moon Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã tỏ vẻ thất vọng, khi thông báo số tiền các nước này đã đóng góp chỉ được 2 tỷ 400 ngàn mỹ kim, tức một phần ba ít hơn ngân khoản hy vọng có được. Ðức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, đã tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế lắng nghe tiếng than khóc và gào thét tuyệt vọng của nhân dân Siria đang bị đồn ngã trong cơn lốc bạo lực hiện nay.

Người ta hy vọng nơi hội nghị Genève II nhóm họp vào ngày 22 tháng 1 năm 2014 bên Thụy Sĩ, với sự tham dự của phái đoàn 30 quốc gia gồm các phe lâm chiến và đại diện của hai khối phò chống chế độ của tổng thống Bashar al-Assad. Như đã biết, chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad được Nga, Trung Quốc và Iran ủng hộ, trong khi Hoa Kỳ và các nước Âu châu ủng hộ các lực lượng đối lập. Một trong những lý do khiến cho cuộc nội chiến tại Siria đã kéo dài từ hơn 3 năm qua đó là Siria đã trở thành thị trường tiêu thụ và thử nghiệm vũ khí của tất cả các nước yểm trợ khí giới cho các phe lâm chiến. Từ nhiều thập niên qua Nga đã bán đủ mọi thứ vũ khí cho chính quyền Siria đến hơn 2 tỷ mỹ kim mỗi năm.

Và Siria cũng đã mua vũ khí của nhiều nước Tây Âu và nhiều nước A Rập. Với cuộc nội chiến bùng nổ sau Mùa Xuân A Rập, Siria lại càng trở thành "chợ trời vũ khí", giống như nhiều nước Phi châu đã là "chợ trời vũ khí" của thế giới trong bao thập niên qua.

Có một sự thật sống sượng mà các phương tiện truyền thông quốc tế ít khi dám thẳng thắn đề cập tới, hay phân tích hoặc mạnh dạn tố cáo: đó là "chiến tranh là một kiểu làm ăn của các quốc gia có kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí." Ðứng đầu là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, rồi đến các nước Âu châu, trong đó Anh, Ðức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha chiếm vị thế ưu tiên.

Cho tới các thập niên gần đây lại có thêm các nước có nền kinh tế đang lên như Ấn Ðộ, Brasil và Nam Phi. Thế rồi cũng có cả các nước A Rập và nhiều nước Phi châu như Ai Cập, A Rập Sauđi, Camerun vv... Sự thật này khiến cho ngày nay chiến tranh là một thứ lợi nhuận, một loại chợ trời mà ai cũng có thể tham gia mua bán vũ khí tùy theo khả năng và tham vọng của mình. Và vì nó là một lợi nhuận đem lại các số tiền lời khổng lồ hàng trăm tỷ mỹ kim mỗi năm, nên việc "tạo ra thị trường tiêu thụ vũ khí" cũng là một dịch vụ khác nữa trong kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí trên thế giới. Ngày nay người ta không còn có thể chỉ quy tội cho các cường quốc hay nước tây âu hoặc đông âu chế tạo buôn bán khí giới nữa, mà trách nhiệm cũng tùy thuộc nơi hàng lãnh đạo các nước nghèo đang trên đường phát triển. Sự kiện giới lãnh đạo các nước nghèo dành rất nhiều ngân khoản cho việc mua và trang bị vũ khí cho quân đội là sự thật qúa hiển nhiên không thể che dấu và biện minh được nữa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại các tổ chức của Liên Hiệp Quốc ở Genève, về tư tưởng của Ðức Thánh Cha và hội nghị Genève II cho hòa bình Siria

Hỏi: Thưa Ðức Cha Tomasi, Ðức Cha nghĩ gì về khẳng định của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình thế giới 2014?

Ðáp: Ngày nay chế độ đa nguyên, các kiểu sống, các hệ thống chính trị là các thực tại hữu hình. Các phương tiện truyền thông xã hội cũng đem vào trong các gia đình tại những vùng xa xôi hẻo lánh nhất sự hiển nhiên của các lối sống khác nhau; và việc gia tăng tính đa nguyên cũng đã đem đến cho các xã hội hiệp nhất trên bình diện văn hóa sự hiện diện của các người khác, không phải chỉ là các công nhân, mà cũng là các bản vị đem theo với họ các tôn giáo và truyền thống rất đặc thù và khác biệt. Tái khẳng định rằng chúng ta là một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, và chúng ta là anh chị em với nhau, không chỉ là một bổn phận loan báo sứ điệp của Tin Mừng, mà cũng là một sự cần thiết để có thể sống chung hòa bình với nhau. Tình huynh đệ được sống trở thành điều kiện của hòa bình và phát triển, vì thế nó cũng là điều kiện bao gồm tất cả mọi người trong các lợi ích và bổn phận tạo thành các xã hội lành mạnh và có tinh thần xây dựng.

Trực giác của Ðức Thánh Cha Phanxicô dành ưu tiên cho tình huynh đệ - trong sứ điệp của Ngày Hòa Bình Thế Giới - tiếp nhận dấu chỉ ấy: tình huynh đệ là thuốc chữa cho tình trạng phân hóa xã hội, cho các ích kỷ, các cuộc chiến đang tiếp diễn, chỉ tạo ra bất công và khổ đau cho con người.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, làm thế nào để nói về tình huynh đệ trong một khung cảnh như khung cảnh của Liên Hiệp Quốc?

Ðáp: Với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức liên chính quyền quốc tế tiếng nói của Tòa Thánh nhấn mạnh giá trị của tình liên đới, là giá trị phát xuất từ sự kiện mỗi một bản vị con người đều có phẩm giá ngang nhau và đáng được tôn trọng và trợ giúp. Vì thế trong việc đề ra chương trình và ký kết các thỏa hiệp mới, chẳng hạn như thỏa hiệp về thương mại bình đẳng, hay thỏa hiệp che chở các người tàn tật như các người mù lòa, là hai thỏa hiệp đã đạt được trong năm vừa qua, phái đoàn của Tòa Thánh tại Genève đã hoạt động để ủng hộ các kết luận sinh hoạt sinh lợi cho hàng triệu người.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Tomasi, trong hội nghị triệu tập tại Genève ngày 22 tháng Giêng, đâu là các viễn tượng sẽ được đưa ra trong các cuộc thảo luận này?

Ðáp: Việc tìm kiếm hòa bình trong vùng Trung Ðông là một dấn thân dài hạn của cộng đoàn quốc tế. Chiến tranh đang tiếp diễn và các xung khắc bùng nổ bên Irak cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới bắt buộc gia tăng các nỗ lực để chấm dứt bạo lực và khổ đau cho hàng triệu người. Tình hình đã trở thành phức tạp bởi các lợi lộc chiến thuật chồng chéo của các cường quốc như Nga và Hoa Kỳ, cũng như các chồng chéo cạnh tranh để nắm quyền điều khiển chính trị tôn giáo giữa hai nước Iran và A Rập Sauđi, hay giữa hệ phái Hồi giáo Sciít và hệ phái Hồi giáo Sunnít, cũng như bởi các chồng chéo của đòi buộc sống còn đối với các tín hữu kitô trong vùng vốn đã phức tạp. Bước cấp thiết thứ nhất cần phải làm đó là ngưng cảnh bạo lực và tàn phá đang tiếp diễn. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cho nghe tiếng nói rõ ràng của ngài đối với một giải pháp hoà bình công bằng cho vùng Trung Ðông, nơi ngài sẽ viếng thăm trong vài tháng nữa. Theo gương ngài, Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh đã triệu tập một cuộc họp giữa các chuyên viên và các nhân vật tôn giáo để suy tư và tìm ra đề nghị hoạt động cụ thể cho hội nghị do Liên Hiệp Quốc và tất cả các lực lượng chính trị liên hệ triệu tập tại Genève vào ngày 22 tháng Giêng.

Hỏi: Tòa Thánh có đề ra các sáng kiến chuyên biệt nào bên cạnh hội nghị tại Genève không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Hội Ðồng Ðại Kết các giáo Hội Kitô có tổ chức một cuộc họp của các vị lãnh đạo tôn giáo kitô và hồi giáo trong hai ngày 16-17 tháng Giêng, để ủng hộ các nhà chính trị và làm chứng cho sự cấp thiết của hòa bình, để chầm dứt cảnh di cư của hàng triệu người gồm nhiều phụ nữ và trẻ em và cảnh tàn sát biết bao nhiêu thường dân vô tội. Sứ bộ của tòa Thánh can thiệp vào vấn đề của Siria và tiếp tục làm điều này bằng cách đề nghị việc tôn trọng quyền bình đẳng của mọi công dân, với tất cả các quyền con người trước nhà nước. Không phải việc tùy thuộc một chủng tộc hay tôn giáo có quyền đưa ra các bổn phận và các quyền lợi, mà trước hết là việc tôn trọng bản vị con người. Chính trên con đường này của quyền công dân bình đẳng đối với tất cả mọi người về lâu về dài có thể giúp tìm ra hòa bình và cộng tác cho vùng Trung Ðông.

Hỏi: Thưa Ðức Cha trong năm 2014 này đâu là các điều cấp thiết mà Liên Hiệp Quốc phải đương đầu?

Ðáp: Cả năm 2014 này nữa cũng là một năm dấn thân đối với công việc bình thường của Ủy ban Nhân Quyền và Hội nghị giải trừ vũ khí của Liện Hiệp Quốc, cũng như đối với các đòi buộc cứu trợ nhân đạo tạo ra bởi các xung khắc đang xảy ra bên Phi châu, và vùng Trung Ðông, chẳng hạn như các làn sóng tị nạn mới tại Cộng hòa Trung Phi và tại Nam Sudan. Sự hiện diện của Tòa Thánh là một chút tiếng nói của lương tâm. Nhưng ưu tiên là việc kiếm tìm hòa bình, vì không có hòa bình, thì không thể có phát triển kinh tế và một cuộc sống binh thường và xây dựng được. Ngoài ra, còn có các lo lắng khác nữa mà chúng tôi phải dấn thân: đó là sự tự do tôn giáo ngày nay, dấn thân cho giới trẻ, bảo vệ các trẻ em, chống nạn buôn người và lo lắng đối với các cuộc di cư. Tham dự vào tiến trình này như là kích thích của tình liên đới đích thực, đó là thực hiện tình huynh đệ, mà Ðức Thánh Cha Phanxicô loan báo.

(RG 12-1-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page