Công tác mục vụ của Giáo Hội Công Giáo

đối với người di cư, dân nghèo, người già

và các trẻ em còn trong lòng mẹ

 

Công tác mục vụ của Giáo Hội Công Giáo đối với người di cư, dân nghèo, người già và các trẻ em còn trong lòng mẹ.

Phỏng vấn Ðức Cha Joseph Kurtz, Tân chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ (Avvenire 18-11-2013; Vat. 26-11-2013) - Trong khóa họp mùa thu 2013 các Giám Mục Hoa Kỳ đã bầu Ðức Cha Joseph Kurtz, 67 tuổi, Tổng Giám Mục Louisville, làm Tân Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, thay thế Ðức Hồng Y Timothy Dolan. Ðức Cha Kurtz đã là Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hôn nhân, và là thành viên Ủy ban trung ương sinh học công giáo toàn quốc.

Ðức Cha Kurtz sinh năm 1946, thụ phong linh mục năm 1972, làm cha phó, rồi cha sở nhiều giáo xứ giáo phận Allentown trong 27 năm trời. Cha cũng đã là giám đốc Caritas giáo phận này trong 10 năm. Năm 1999 Ðức Gioan Phaolô II đã chỉ định cha Kurtz làm Giám Mục giáo phận Knoxville, bang Tennessee, và sau đó làm Tổng Giám Mục Louisville bang Kentucky, là giáo phận có 200.000 tín hữu. Ðức Cha nổi tiếng với các giáo huấn về gia đình và năm 2011 ngài đã thu thập vào một loạt "12 nhân đức hôn nhân", mỗi tháng một nhân đức. Ðức Cha cũng hoạt động trong lãnh vực truyền thông xã hội và hiện diện trên Twitter.

Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ hiện có 78.2 triệu tín hữu, tương đương với 25% tổng số dân, với 19 Hồng Y, 450 Giám Mục, 40,271 Linh Mục trông coi 17,644 giáo xứ thuộc 195 tổng giáo phận và giáo phận.

Trong đại hội mùa thu nhóm tại Baltimore những ngày vừa qua các Giám Mục Hoa Kỳ đã yêu cầu chính quyền của tổng thống Obama tôn trọng các quyền của các tín hữu, đặc biệt là phẩm giá con người và quyền tự do tôn giáo. Các vị nhất quyết bảo vệ sự sống của các trẻ em còn trong lòng mẹ chống lại mọi hình thức làm tổn thương quyền sống của các em, của người già, người di cư, và nhất là bênh vực và trợ giúp người nghèo. Trong tài liệu chung kết công bố sau bốn ngày nhóm họp tại Baltimore các Giám Mục Hoa Kỳ nêu bật lập trường chống lại mọi xen mình của chính quyền vào công việc của Giáo Hội.

Ðiểm nóng được nhắc tới là luật cải cách y tế do chính quyền của tổng thống Obama đưa ra, bắt buộc các cơ sở của Giáo Hội, bao gồm các đại học trường học, nhà thương, phải trả chi phí y tế cho các nhân viên của mình gồm cả việc phá thai, ngừa thai và làm tuyệt đường sinh sản. Nhiều giáo phận và tổ chức của Giáo Hội đã kiện chính quyền vi phạm tự do tôn giáo, không tôn trọng tự do của Giáo Hội, và không cho các tổ chức tôn giáo khả năng chống lại vì lý do lương tâm. Cho tới nay chính quyền cho phép các cơ quan công giáo quyền không bảo đảm bảo hiểm một cách trực tiếp cho các công nhân của mình, nhưng phải trả một bảo hiểm làm điều đó.

Trong thông cáo các Giám Mục cho biết bởi vì chính quyền từ chối bổn phận tôn trọng các quyền của tín hữu, vì thế các Giám Mục nhất quyết từ chối gánh nặng này và sẽ gia tăng các nỗ lực đối với Quốc hội, đặc biệt với các sáng kiến pháp lý như đã làm để bảo vệ tự do tôn giáo, cho phép làm chứng cho Tin Mừng trong việc phục vụ công ích. Các Giám Mục cũng đưa ra chương trình nhằm giảm các bất công và các xa cách giữa thiểu số người giầu và người nghèo, khiến cho nạn nghèo túng ngày càng trầm trọng hơn. Ngoài ra, các vị còn tha thiết yêu cầu Quốc Hội mau chóng thông qua luật cải tổ di cư. Ðức Hồng Y Timothy Dolan, Chủ tịch mãn nhiệm của Hội Ðồng Giám Muc Hoa Kỳ, nói: "Ðây là một thời gian ngoại thường thuận lợi trong cuộc sống của Giáo Hội. Chúng ta đang chứng kiến các thành công trong việc truyền giảng Tin Mừng, và một triều đại Giáo Hoàng hữu hiệu một cách không tưởng tượng được trong việc đánh động trái tim con người. Chúng ta phải tận dụng thời điểm này để giới thiệu một sứ điệp mạnh mẽ và hiệp nhất trên tất cả mọi đề tài của mục vụ bảo vệ sự sống".

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Tân Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Hỏi: Thưa Ðức Tổng Giám Mục Kurtz, theo Ðức Cha đâu là dấn thân chính của Giáo Hội Hoa Kỳ trong các năm tới đây?

Ðáp: Lời Ðức Thánh Cha nhắn nhủ thật rõ ràng: trước hết chúng tôi phải là các mục tử. Vì thế chúng tôi phải tự hỏi phải làm thế nào để có thể sưởi ấm con tim và chữa lành các vết thương. Theo tôi, câu trả lời là phải gần gũi dân chúng chừng nào có thể bằng cách lắng nghe họ. Vì thế tôi tin rằng mục vụ gia đình sẽ là điều nền tảng trong các năm tới. Phần quan trọng nhất và đào tạo nhất trong cuộc sống của tôi đã là các năm sống đời chủ chăn trong một giáo xứ, gần gũi các gia đình. Chỉ kinh nghiệm đó mới chuẩn bị cho các chức vụ cao hơn trong Giáo Hội.

Hỏi: Chính Ðức Cha đã săn sóc một người trong gia đình trong nhiều năm trời, có đúng thế không?

Ðáp: Vâng, đúng thế. Ðó là anh George, anh sinh ra với hội chứng down và sau khi mẹ chúng tôi qua đời anh ấy đã sống với tôi mười hai năm cho tới khi anh lìa thế. Tôi đã học được từ anh rất nhiều điều.

Hỏi: Ðức Cha thấy Giáo Hội ngày nay phải đương đầu với các thách đố nào?

Ðáp: Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa của sự thờ ơ. Làm sao chúng ta có thể từ một nền văn hóa quy về chính mình, ích kỷ, bước sang một nền văn hóa nhìn ra ngoài và hướng về các người cần được giúp đỡ? Thách đố đối với các Giám Mục chúng tôi đó là làm gương với sự tiếp đón, qua việc phục vụ những người không có tiếng nói và dễ bị tổn thương như các người di cư, người nghèo, trẻ em chưa sinh ra, người già, và bảo vệ phẩm giá con người trong mọi hoàn cảnh. Bên trong Giáo Hội cần phải có sự hiệp nhất của sứ điệp. Và Ðức Thánh Cha đã nhắc nhở cho chúng tôi biết rằng các tín hữu đòi hỏi chúng tôi hiệp nhất trong sứ mệnh phục vụ.

Hỏi: Ðức Cha đã gặp Ðức Thánh Cha Phanxicô mới đây. Ðức Cha có cảm tưởng gì?

Ðáp: Tôi có cảm tưởng ngài là một người biết lắng nghe và muốn học hỏi nơi tất cả mọi người, muốn biết Giáo Hội di chuyển thế nào trong thế giới, Giáo Hội đang làm gì cho những người cần được giúp đỡ. Ngài đã nói tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha với tôi, như thể là để cho tôi hiểu rằng sứ điệp của ngài toàn diện.

Hỏi: Ðức Cha có nói ngoại ngữ nào không?

Ðáp: Tôi hiểu một chút tiếng Ý và tôi biết Tiếng Tây Ban Nha trên bình diện phụng vụ. Tôi có thể giảng bằng tiếng Tậy Ban Nha, nếu ngắn. Và giảng ngắn như thế thì thường không khiến giáo dân khó chịu.

Hỏi: Ðức Cha có ý đưa ra những bước đi để cải tiến các tương quan giữa các Giám Mục Hoa Kỳ với chính quyền của tổng thống Obama hay không, sau các căng thẳng do việc chính quyền bắt buộc các tổ chức của Giáo Hội phải trả chi phí y tế cho các nhân viên của mình, kể cả thuốc ngừa thai?

Ðáp: Ðức tin làm giầu cho cuộc sống công cộng, Vì thế chúng tôi mạnh mẽ ước muốn có một tương quan lành mạnh với chính quyền, với Quốc hội và với các thẩm phán. Chúng tôi luôn luôn tìm các phương thế để đào sâu sự cộng tác này và rộng mở cho đối thoại, để cùng nhau làm việc trong bối cảnh của một sự tự do tôn giáo vững mạnh. Các cố gắng của chúng tôi lên tiếng nhân danh những người cần được trợ giúp đặt để chúng tôi trong tư thế mưu cầu ích lợi cho quốc gia và cùng hành động với chính quyền, trong một thế giới thừa nhận đức tin góp phần làm cho đất nước lớn lên như thế nào. Có nhiều cơ may cộng tác trên bình diện quốc gia, như thế chúng sẽ được phối hợp một cách trực tiếp bởi các Hội Ðồng Giám Mục của các tiểu bang.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, từ nhiều năm nay các Giám Mục Hoa Kỳ đã gây áp lực trên Quốc hội để Quốc hội chấp nhận một cuộc cải tổ về di cư, cho phép giải quyết vấn đề của hàng triệu người di cư lén lút hiện sống tại Hoa Kỳ. Nhưng luật này đã khống cất cánh được. Ðức Cha có thấy trước các sáng kiến khác liên quan tới vấn đề này hay không?

Ðáp: Ðiều này tùy thuộc nơi những gì xảy ra trên bình diện chính trị. Di cư là một khía cạnh chìa khóa của việc bảo vệ phẩm giá con người. Chúng tôi đang ở điểm, trong đó người ta nhận thức rằng việc cải tổ có thể xảy ra. Chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ là các trục thu hút của việc này.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Kurtz, có nhiều nhà kinh tế đồng ý thừa nhận rằng nghèo túng tại Hoa Kỳ là do sự xa cách cơ may ngày càng gia tăng giữa người giầu có và lớp công nhân. Ðức Cha có tin rằng Hội Ðồng Giám Mục sẽ đỡ đầu cho các sáng kiến giúp can thiệp vào tận gốc rễ các lý do gây ra nạn nghèo túng hay không?

Ðáp: Về điểm này thì chúng tôi hoàn toàn liên đới với Ðức Thánh Cha. Chúng ta phải là một Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo. Giáo Hội Hoa Kỳ đã là đầu máy của vô số các sáng kiến thay đổi xã hội. Chúng tôi muốn làm việc để nâng người dân lên khỏi cảnh nghèo túng cùng với gia đình họ. Tôi đã học hỏi rất nhiều khi làm việc cho Caritas giáo phận. Tôi đã cải tiến khả năng lắng nghe của mình. Tôi nghĩ rằng nó sẽ ích lợi cho tôi trong vai trò mới.

(Avvenire 18-11-2013)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page