Bài giảng của

Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh

nhân dịp kết thúc điều tra án phong Chân phước

cho Ðức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận

 

Bài giảng của Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh trong Thánh lễ tạ ơn ngày 6 tháng 7 năm 2013 tại Roma, nhân dịp kết thúc điều tra án phong Chân phước cho Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Roma (GP Nha Trang 6-07-2013) - Dựa trên Lời Chúa và gương sống trong cuộc lữ hành đức tin của Mẹ Maria, trong Thánh lễ tạ ơn nầy, chúng ta muốn nhìn lại một vài nét trong cuộc đời của người Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê yêu quý của chúng ta.

Lời chào đầu thánh lễ tạ ơn (6/7/2013)

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

Thật hạnh phúc cho chúng ta được hiện diện tại Ngôi thánh đường cổ kính Santa Maria della scala ở Rôma, nơi trước kia Ðức Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô đệ II, khi công bố sắc phong Hồng y cho Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vào ngày 21 tháng 01 năm 2001, đã ân ban cho ngài hiệu tòa ở ngôi thánh đường nầy; và nay, tại nơi đây, nơi có phần mộ và di hài của ngài, người Tôi tớ Thiên Chúa, người cha kính yêu của biết bao tín hữu, người thầy của nhiều thế hệ môn sinh, vị mục tử nhiệt thành và thánh thiện, người thân trong gia đình dòng tộc của nhiều người có mặt hôm nay; sau khi tham dự Nghi lễ kết thúc điều tra hồ sơ xin phong Chân phước và Hiển thánh cho ngài, chúng ta họp nhau để cử hành Thánh lễ tạ ơn.

Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, tôi tin rằng chúng ta như đang cảm nhận được sự hiện diện thân thương của ngài ở giữa chúng ta trong việc cử hành phụng vụ nầy.

Chúng ta hướng về Ðức Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, đồng thời cũng là Mẹ của Hội thánh, để nhờ Mẹ dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi tâm tình tạ ơn của chúng ta; cách riêng ngày hôm nay, chúng ta muốn hiệp thông với lòng sùng kính đặc biệt của Ðức Hồng Y Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê đối với Ðức Mẹ Maria, Mẹ La Vang. Ðây cũng là lòng sùng kính của cả Giáo hội Việt Nam, của các tín hữu công giáo Việt Nam và ngay cả của nhiều lương dân, trong nước hay ở rải rác khắp nơi trên thế giới; vì từ thời xa xưa trong dòng lịch sử của Giáo hội Việt Nam, đã lưu truyền lại sự tích nầy, là "Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo, giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề".

Trong Thánh lễ tạ ơn nầy, tôi mang theo không những tâm tình của Giáo phận Nha Trang, mà còn của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

 

Bài giảng trong Thánh lễ tạ ơn (6/7/2013)

Ðường thánh giá mở ra đường hy vọng.

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

Bài Phúc âm chúng ta vừa nghe gợi lên câu chuyện năm xưa, tại một bữa tiệc cưới ở Cana, trước tình cảnh bối rối và khó khăn của biết bao người, Mẹ Maria đã tế nhị hướng ánh mắt đầy tin tưởng nhìn Chúa Giêsu và nói thay cho mọi người: "Họ hết rượu rồi" ; và với tấm lòng bao dung, quảng đại của người mẹ, thấm nhuần niềm tin tưởng phó thác và tràn đầy hy vọng, Mẹ cũng đưa mắt nhìn đến những người hiện diện, như vừa để an ủi, trấn an; đồng thời khơi dậy cho họ niềm hy vọng trước một hoàn cảnh khó xử: "Chúa bảo gì, cứ làm theo !". Và kết quả là Chúa đã làm dấu lạ, bày tỏ vinh quang của Người khiến mọi người ngỡ ngàng; còn các môn đệ thì đã tin vào Người.

Như vậy, bằng đời sống của mình trong cuộc lữ hành đức tin, Mẹ Maria đã trở nên nhân chứng nhản tiền việc "Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định"'.

Trải qua dòng lịch sử trong Hội thánh, Mẹ Maria đồng hành với những ai tin tưởng vào Thiên Chúa và noi theo con đường đức tin của Mẹ, để cho thế gian nhận biết: "Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi: những ai Người đã kêu gọi, thì Người làm cho nên công chính; những ai Người làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang"'.

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

Dựa trên Lời Chúa và gương sống trong cuộc lữ hành đức tin của Mẹ Maria, trong Thánh lễ tạ ơn nầy, chúng ta muốn nhìn lại một vài nét trong cuộc đời của người Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê yêu quý của chúng ta. Thật vậy, ngài ý thức mình được Thiên Chúa tuyển chọn từ một dòng tộc đã đón nhận đức tin công giáo từ rất lâu đời, trong đó có cả những bậc tổ tiên tử đạo vì đức tin, ngài đã học biết yêu mến Ðức Mẹ La Vang ngay từ lúc còn tấm bé, đã ghi khắc trong tâm khảm lời nói của Ðức Mẹ: "Chúa bảo gì, cứ làm theo".

Vì thế, chính trong khoảng thời gian bị thử thách và gần như tuyệt vọng trong cuộc đời, hình ảnh của Ðức Mẹ Maria La Vang trở nên thật gần gủi, như người mẹ hiền an ủi; và Lời Chúa tỏa ánh sáng trong đêm tối của cuộc đời: Ðường thánh giá mở ra đường hy vọng.

Nếu như năm xưa trên bước đường rao giảng về Tình yêu Thiên Chúa, Ðức Giêsu đã đón nhận năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ của một em bé (x. Ga 6,9) để làm phép lạ nuôi sống cả ngàn người, thì nay mình có thể dâng cho Chúa những cái nho nhỏ của cuộc đời mình: "Chúa bảo gì, cứ làm theo"'.

1. Làm theo Lời Chúa, ngài dâng cho Chúa chiếc bánh thứ nhất: sống giây phút hiện tại. Làm cho giây phút hiện tại chan hòa tình thương của Chúa. Gương của Thánh Phaolô Tông đồ bừng sáng trong tâm hồn ngài. Thế là quyển Ðường hy vọng đã ra đời. Ngài dành cho mỗi người mình gặp tình yêu thương, lời nói dịu dàng và ngay cả nụ cười trong sáng.

2. Làm theo Lời Chúa, ngài dâng cho Chúa chiếc bánh thứ hai: phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Lời tâm sự của ngài khiến chúng ta không cầm được nước mắt: "Lạy Chúa, con mới 48 tuổi, tuổi trưởng thành và đang khoẻ mạnh. Ðã có kinh nghiệm sau 8 năm làm Giám mục Giáo phận Nha Trang, một Giáo phận mà con cảm thấy thật sự hạnh phúc. Vậy tại sao giờ đây Chúa lại cắt đứt mọi hoạt động mục vụ của con, Chúa lại đưa con đến một nơi cách xa Giáo phận của con những 1.700 Km ?"'. Trong đêm tối của đau khổ dày vò, một ánh sáng loé ra:

" Tại sao con quẩn trí, hoang mang như thế làm gì ? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa"'.

3. Làm theo Lời Chúa, ngài dâng cho Chúa chiếc bánh thứ ba: cầu nguyện. Ngài cho biết có những lúc quá đau, quá mệt, không đọc được một kinh. Chính lúc đó, ngài thều thào: "Chúa Giêsu ơi, có con đây"'; và ngài như nghe tiếng đáp trả: "Thuận ơi, có Chúa Giêsu đây".

4. Làm theo Lời Chúa, ngài dâng cho Chúa chiếc bánh thứ tư: phép Thánh thể. Thật kỳ diệu khi ngài có sáng kiến cử hành Bí tích Thánh thể mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay. Bàn tay trở nên chén thánh, trở nên bàn thờ. Không gian ngài đang sống, chính là nhà thờ chánh tòa của ngài. Mình thánh Chúa Kitô là "thuốc" của ngài. Thật hạnh phúc khi được nghe tâm sự của ngài: "Mỗi lần như thế, tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên thánh giá với Chúa Giêsu, được uống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi và Chúa Giêsu, nhờ máu của Chúa hoà lẫn với máu của tôi".

5. Làm theo Lời Chúa, ngài dâng cho Chúa chiếc bánh thứ năm: yêu thương theo chúc thư của Chúa. Trải qua muôn vàn thống khổ, ngài chợt nhận ra mình tích lũy trong bản thân một kho tàng vô cùng phong phú và quý giá. Ðó là tình yêu thương. Ngài sống tình yêu thương như chúc thư của Chúa: Yêu mến mọi người như Chúa Giêsu đã yêu thương ngài, trong tha thứ, trong nhân từ, trong hiệp nhất như Chúa đã cầu nguyện: "Xin Cha cho họ nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha"' (Ga 17,21). Chính ngài đã nói về mình với sự đơn sơ thật đặc biệt: "Trong vực thẳm những đau khổ của tôi, # tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi"'. Ngài noi gương cậu bé trong Phúc âm, dâng cho Chúa tất cả những gì mình có. Thật ra, năm chiếc bánh và hai con cá không đáng gì cả, nhưng là tất cả tài sản của đứa bé. Chúa đã nhận lấy và biến thành khí cụ của tình thương.

6. Làm theo Lời Chúa, ngài dâng cho Chúa con cá thứ nhất: yêu mến Mẹ Maria La Vang. Ngài bắt đầu cuộc khổ nạn vào ngày lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời. Trong người chỉ có duy nhất tràng hạt Mân côi. Từ lúc còn nhỏ, thân mẫu ngài đã dạy phải luôn đem tràng hạt trong mình: Ðức Mẹ La Vang sẽ giữ gìn cho mình được bình an. Chính truyền thống đạo đức trong gia đình, dòng tộc, đã truyền vào tim ngài lòng sùng kính đối với Ðức Mẹ La Vang.

7. Làm theo Lời Chúa, ngài dâng cho Chúa con cá thứ hai: chọn Chúa. Như các Tông đồ năm xưa, ngài đã chọn Chúa, đi theo Chúa, gặp Chúa, sống bên Chúa; rồi tiếp tục ra đi đem Tin mừng của Chúa đến cho mọi người.

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

Ðể kết thúc những chia sẻ trong Thánh lễ tạ ơn nầy, tôi muốn mời gọi mọi người hướng lòng về cùng Ðức Mẹ La Vang để nhận ra những nét tuyệt vời trong cuộc lữ hành đức tin của Mẹ; những nét đó đã in đậm dấu ấn trên cuộc đời của Ðức Hồng Y Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Ðức Mẹ La Vang luôn thưa với Chúa: "Này con đây" (Ecce); rồi Mẹ đáp lại tiếng Chúa bằng lời: "Xin vâng" (Fiat); trong mọi hoàn cảnh, Mẹ xướng lên lời ca tôn vinh, cảm tạ hồng ân Chúa (Magnificat) và bởi vì Mẹ đã chọn Chúa, nên đỉnh cao trong cuộc đời đức tin của Mẹ là đứng vững bên thập giá của Chúa (Stabat Mater juxta crucem).

Cuộc đời của Ðức Hồng Y Tôi tớ Chúa như họa lại những nét đẹp của Ðức Mẹ La Vang, qua những tiếng: Ecce, Fiat, Magnificat để sau cùng Stabat juxta crucem.

Nguyện xin Ðức Mẹ La Vang chúc lành cho tất cả chúng con.

Amen.

 

Tác giả bài viết: Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page