Cuộc chiến đấu

chống hôn nhân đồng phái tại Pháp

 

Cuộc chiến đấu chống hôn nhân đồng phái tại Pháp.

Roma (Avvenire 16.18-04-2013; Vat. 23-04-2013) - Phỏng vấn ông Antoine Renard, Chủ tịch Liên minh các hiệp hội gia đình công giáo Pháp.

Trong các ngày qua tình hình tại Pháp sôi động với các cuộc biểu tình chống dự luật hôn nhân đồng phái, liên tục diễn ra trong nhiều thành phố khắp nước. Ngày Chúa Nhật 21 tháng 4 năm 2013 đã có 230,000 người biểu tình trong thủ đô Paris. Sau khi thách thức thái độ châm biến của giới truyền thông phò dự luật hôn nhân đồng phái của chính quyền đảng xã hội, các lực lượng biểu tình thuộc nhiều hiệp hội và giai tầng xã hội khác nhau nhất quyết "ăn thua đủ" với tổng thống François Hollande. Theo kết qủa của một cuộc thăm dò dư luận mới đây đàng sau phong trào "Biểu tình cho tất cả" có 55% tổng số dân Pháp không chấp nhận luật cho phép hôn nhân đồng phái và quyền nhận con nuôi.

Từ mấy tháng qua uy tín của tổng thống Hollande và của đảng xã hội đã "xuống dốc không phanh" vì các vụ tai tiếng gian tham hối lộ và bất lực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh cũng như nạn thất nghiệp trong nước khiến cho người dân Pháp vô cùng bất mãn. Dân chúng cho rằng chính quyền mất thời giờ cho hôn nhân đồng phải và quyền nhận nuôi con của họ là những chuyện "trời ơi đất hỡi", mà không muốn nghiêm chỉnh lo cho các vấn đề cấp bách hơn nhiều đối với hạnh phúc của đa số dân như công ăn việc làm và tình trạng kinh tế suy thoái, đang khiến cho cuộc sống của dân chúng vô cùng khốn đốn.

Trong các cuộc biểu tình tuần qua ban đầu tại Nantes, là quê sinh của thủ tướng Jean Marc Ayrault, và sau đó tại Versailles và Paris, các người biểu tình đã hô to các khẩu hiệu sống sượng như: "Hollande phát xít, độc tài xã hội". Tại Paris và nhiều thành phố khác đã xảy ra các vụ tấn kích tập thể ngoạn mục của các nhóm thanh niên chống hôn nhân đồng phái gọi là "Hommen". Chúng chứng minh cho thấy đây là các nhóm có tổ chức chặt chẽ và có các hành động cương quyết bất ngờ. Họ đeo các mặt nạ trắng có vẽ các giọt lệ, khóc cho tình trạng luân lý xã hội suy đồi, hay biểu tượng bị bịt miệng, mình trần với các hàng chữ mầu đen và các biểu tượng của phong trào chủ hòa và các khẩu hiệu bênh vực "quyền của các trẻ em". Các nhóm Hommen mặc quần Jean nhiều mầu từ đỏ tới xanh, và thường hành động theo nhóm từ 20 tới 80 người. Họ chiếm các quảng trường hay các trực đại lộ, dùng khói mầu và xích chân tay vào các đài kỷ niệm, hát quốc ca Pháp và hô các khẩu hiệu chống hôn nhân đồng phái, bảo vệ gia đình truyến thống, và quyền của các trẻ em được giáo dục bởi cha mẹ. Hành động táo bạo nhất là ngày 15 tháng 4 năm 2013 một nhóm khoảng 30 người đã xích tay nhau chặn đường Rivoli gần quảng trường Vendôme nơi có bộ Tư Pháp, và ngăn chặn lưu thông trong giờ cao điểm nhất.

Ngày 16 tháng 4 năm 2013 Phong trào "Biểu tình cho mọi người" kêu gọi dân chúng tiếp tục phản đối, liên tục vào mỗi buổi chiều cho tới tối mịt, nhưng trong ôn hòa, bất bạo động. Năm dân biểu thuộc đảng tân Golíst đối lập đã không thể vào bàn giấy nằm cạnh trụ sở quốc hội, vì hàng rào đầy đặc cảnh sát bị dân chúng bao vây bên ngoài. Môt trong các dân biểu là ông Damien Meslot đã tố cáo việc huy động lực lượng an ninh qúa đông đảo không tương xứng với thái độ hòa hoãn của các đoàn người biểu tình. Tuy kêu gọi dân chúng bình tĩnh, nhưng phong trào đã không tha thứ cho chính quyền vụ bắt giữ 200 người biểu tình trong các ngày qua, đôi khi chỉ vì họ mang huy hiệu của phong trào. Ngoài ra, phong trào đã mạnh mẽ tố cáo vài nhân viên cảnh sát không mang huy hiệu trà trộn vào đám đông, cố ý gây ra các hành động bạo lực để có cớ bắt các người biểu tình. Tổ chức bảo vệ các trẻ em Pháp báo động rằng "nền dân chủ tại Pháp đang lâm nguy" vì các hành động đàn áp của chính quyền đảng xã hội. Chiều ngày 17 tháng 4 năm 2013 Quốc hội đã bắt đầu thảo luận dự luật hôn nhân đồng phái. Phe đối lập có ý đưa ra 700 khoản tu chính, nhưng chính quyền áp đặt việc thảo luận nội trong 25 giờ đồng hồ. Lý do vì tổng thống Hollande muốn quốc hội bỏ phiều thông qua dự luật vào ngày 23 tháng 4 năm 2013. Và đa số dân biểu xã hội theo lập trường này. Tuy nhiên, bầu khí xã hội tại Pháp càng lúc càng căng thẳng, đến độ nguyên thủ tướng Jean Pierre Raffarin đã báo động trên đài phát thanh là nước Pháp đang có nguy cơ sống lại bầu khí xã hội nổi loạn hồi tháng 5 năm 1968. Ông nói: "Chúng ta hãy nhìn rõ một sự đe đọa hỗn loạn trong nước. Nếu sự giận đữ của các nghiệp đoàn đạt tột đỉnh cộng với sự giận dữ của phía xã hội, thì chúng ta sẽ ở trong một tình trạng mong manh rất lớn". Sự kiện nghiêm trọng đó là dự luật hôn nhân đồng phái trái nghịch với Luật dân sự và hai thỏa hiệp quốc tế mà chính nước Pháp đã ký nhận. Dân biểu Hervé Mariton hứa là phe tân Golist sẽ tổ chức trưng cầu dân ý.

Do sáng kiến của thủ tướng Ayrault một phái đoàn của Phong trào Biểu tình cho mọi người đã được Bộ trưởng nội vụ Manuel Valls tiếp kiến. Nhưng chính quyền đảng xã hội không muốn thay đổi lập trường.

Hồi mùa hè năm 2012 Giáo Hội công giáo Pháp đã phát động "Ngày toàn nước cầu nguyện", và đã mạnh mẽ gây ý thức cho toàn dân trước các hậu qủa trầm trọng đe dọa gia đình và xã hội do dự luật này gây ra. Việc khước từ sự khác biệt như kiểu nhân bản nhận diện, và đặc biệt là sự khước từ phái tính khác nhau sẽ gây ra các hệ lụy trầm trọng trong cuộc sống gia đình, trong nền giáo dục và trong cuộc sống xã hội. Ngoài ra, sự kiện chính quyền đã tìm mọi cách để tránh né các cuộc thảo luận công cộng, cả trong tiến trình của quốc hội nữa, là bằng chứng cho thấy ý đồ đen tối của chính quyền đảng xã hội muốn tàn phá gia đình, là tế bào nền tảng của mọi xã hội lành mạnh.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị bài phỏng vấn ông Antoine Renard, Chủ tịch Liên minh các hiệp hội gia đình công giáo Pháp, kiêm phát ngôn viên phong trào "Biểu tình cho mọi người", về cuộc đấu tranh chống hôn nhân đồng phái tại Pháp hiện nay.

Hỏi: Thưa ông, ông và phong trào "Biểu tình cho mọi người" có còn chờ đợi gì nơi chính qyuền và tổng thống Hollande nữa không?

Ðáp: Tôi không còn chờ đợi gì nữa từ chính quyền, nhưng trái lại từ tổng thống thì tôi chờ đợi, vì ông có trách nhiệm luân lý và chính trị phải bảo đảm cho các cơ cấu, và từ các cơ cấu ấy giờ đây chúng tôi chờ đợi một bằng chứng của sự sáng suốt đối với dự luật hôn nhân đống phái và quyền nhận con nuôi.

Hỏi: Liên minh các hiệp hội gia đình công giáo Pháp đang sống giai đoan căng thẳng hiện nay ra sao?

Ðáp: Người ta có cảm tưởng là đã thành công trong việc tạo ra được một biến cố đã chờ đợi từ lâu: đó là một phần ngày càng gia tăng trong dân chúng đã nói lên tiếng nói của họ, không phải để bênh vực các lợi lộc cá nhân, nhưng là để bênh vực các nguyên tắc, bênh vực xã hội và bênh vực tương lai của gia đình. Có sự hài lòng và niềm hy vọng lớn, nhưng cũng có sự giận dữ và một sự tước đoạt thực sự khi thấy chính quyền không muốn lắng nghe tiếng nói của chúng tôi.

Hỏi: Vậy bầu khí bên trong phong trào "Biểu tình cho mọi người" hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ðáp: Trong khu tổng hành dinh của phong trào thì tâm tình nổi bật là sư thanh thản và cương quyết. Chúng tôi muốn tiếp tục tranh đấu trong sự hợp pháp hoàn toàn, vì ý thức rằng sức mạnh của phong trào là chính ở nơi thái độ bất bạo động và không hiếu chiến, tôn trọng và có khả năng lắng nghe.

Hỏi: Thưa ông Renard, có người nhắc tới các nguy cơ của khuynh hướng qúa khích có thể xảy ra, riêng ông thì ông nghĩ sao?

Ðáp: Tôi tin rằng nguy cơ là từ phía chính quyền, và đây là điều rất gây âu lo và bận tâm. Chứ nguy cơ không có từ phía phong trào "Biểu tình cho mọi người", cả khi dĩ nhiên nếu không được lắng nghe, thì chúng tôi sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa. Thế rồi đúng thật là có nhiều người trẻ đã dấn thân một cách tự phát trong phong trào lớn này, và họ là các thành phần dấn thân nhất. Họ có nguy cơ nghe theo các người lãnh đạo đang lên nhưng ít được linh hứng, nhưng trong phong trào "Biểu tình cho mọi người" không có những người như thế. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi bình tĩnh.

Hỏi: Thế thì bên ngoài phong trào có nguy cơ bị lệch hướng hay không?

Ðáp: Vâng, có, và đây là một nguy cơ thực, nhưng tôi xác tín rằng có vài nhóm sẽ không được dân chúng ủng hộ. Vả lại chính quyền có lỗi trong việc khiêu khích loại phản ứng như thế, với thái độ qúa khích của mình. Có các cá nhân riêng rẽ có thể "bị cháy cánh", nhưng tôi không tin là họ được người ta đi theo. Thế rồi từ phía chính quyền thật là vô trách nhiệm chiếu đèn trên các hiện tượng ngoài lề, cả khi đó là trò chơi cũ rích của quyền bính.

Hỏi: Ông có tin rằng đã có việc sử dụng không cân xứng các phương tiện cảnh sát và lực lượng an ninh để chống lại phong trào biểu tình cho mọi người hay không?

Ðáp: Vâng, đó là điều rõ ràng là như thế. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng cả giới truyền thông cũng đã trở thành đồng lõa một cách kinh khủng của một chiến dịch nói xấu, xuyên tạc hoàn toàn bất công đối với chúng tôi.

Hỏi: Ông có cho rằng các tín hữu công giáo là một thành phần đáng kể, và hơn thế nữa họ chiếm đa số trong phong trào này hay không?

Ðáp: Vâng, tôi tin là như thế. Và đó là bằng chứng cho thấy rằng, mặc dù việc thực hành đạo có sút giảm, nhưng tại Pháp vẫn còn có một nền văn hóa Kitô sâu xa đang tỉnh dậy.

(Avvenire 16.18-4-2013)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page