Sinh hoạt Thượng Hội Ðồng Giám Mục XIII

ngày 12 và 13 tháng 10 năm 2012

 

Sinh hoạt Thượng Hội Ðồng Giám Mục XIII ngày 12 và 13 tháng 10 năm 2012.

Vatican (CNS 13-10-2012) - Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13 đã nhóm phiên khoáng đại thứ 9 và 10 trong buổi sáng và buổi chiều 13 tháng 10 năm 2012, để tiếp tục nghe các nghị phụ phát biểu ý kiến.

Trong phiên họp ban sáng đã có 24 nghị phụ lên tiếng phát biểu:

- Ðức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo la tinh ở Jerusalem. Ngài khẳng định rằng công trình tái truyền giảng Tin Mừng phải tái khởi hành từ Jerusalem, từ Thánh Ðịa, là ký ức tập thể sinh động về cuộc đời của Chúa Giêsu; theo chiều hướng đó các cuộc hành hương tại Thánh Ðịa là cơ hội để củng cố đức tin.

Một số Giám Mục khác nhắc đến những xúc phạm và tấn kích mà các nơi thánh thường phải chịu, và nói về Giáo hội tại Thánh Ðịa như một Giáo hội Canvê. Các vị cũng kêu gọi đối thoại dựa trên sự tôn trọng liên tôn; đề cao đức tin có sức phá đổ các bức tường và kiến tạo những nhịp cầu. Sau cùng các nghị phụ kêu gọi thế giới đừng quên Trung Ðông, và các tín hữu Kitô đừng sợ hãi: đức tin không phải là thuộc về một phe phái ý thức hệ đưa tới bạo lực, nhưng giúp ta cảm thấy mình là anh chị em đối với nhau.

Trong phiên họp sáng thứ bẩy, 13 tháng 10 năm 2012, một số nghị phụ, như Ðức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đề cao tầm quan trọng của đạo lý xã hội Công Giáo, một yếu tố thiết yếu để rao giảng Tin Mừng, để việc loan báo Chúa Kitô là một nhân tố chủ yếu giúp phát triển, thực hiện công lý và hòa bình. Vấn đề ở đây không phải là biến Giáo Hội thành một tổ chức xã hội, nhưng thăng tiến một nền văn hóa li+en tới và huynh đệ.

Trong số các đề tài khác được đề cập đến, có việc thanh tẩy và hướng dẫn lòng đạo đức bình dân, vì nó biểu lộ một đức tin chân thành và chứng tỏ niềm khao khát Thiên Chúa ở trong tâm hồn con người. Tiếp đến là đề tài những thách đố của thế giới truyền thông, các phương tiện này đang có xu hướng xâm chiếm toàn thể đời sống con người và biến đổi nó. Vì thế Giáo hội cần biết thông truyền sự gần gũi, quan hệ, tình bạn với con người, trong đặc tính riêng biệt của họ, những người được Thiên Chúa yêu thương.

Sáng thứ sáu 12-10-2012

Trong phiên khoáng đại thứ 7 vào sáng thứ sáu, 12 tháng 10 năm 2012, Công nghị đã nghe 23 nghị phụ phát biểu:

- Ðức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám Mục Phát Diệm, một trong hai Ðại biểu của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Ðức Cha nhắc lại lời Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2: "Tương lai công cuộc truyền giảng Tin Mừng phần lớn tùy thuộc Giáo Hội tại gia" (FC 52).

"Thực vậy, tại Việt Nam, gia đình Công Giáo giữ một vai trò quan trọng trong việc thông truyền và nuôi dưỡng đức tin. Cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên dạy kinh và giáo lý cho con cái, nhất là trong thời kỳ bị bách hại. Nhiều gia đình, nhờ đọc kinh chung ban tối, trong đó họ suy niệm Tin Mừng, dần dần được "Phúc âm hóa".

Nhiều người ngoài Kitô giáo, do tình liên đới, khi tham dự các lễ cưới và lễ an táng theo nghi thức Công Giáo, họ được nghe nói lền đầu tiên về ý nghĩa và các đặc tính của hôn nhân Công Giáo, ý nghĩa cuộc sống, sự sống lại và niềm hy vọng mai hậu. Thực tế là có nhiều người trở lại để học giáo lý sau khi đã được tham dự các lễ nghi phụng vụ như thế".

- Ðức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa việc truyền giáo cho dân ngoại và tái truyền giảng Tin Mừng cho những người đã chịu phép rửa, đồng thời tăng cường việc trợ giúp Giáo Hội tại các xứ truyền giáo.

Ngài nói: "Thượng Hội Ðồng Giám Mục mà chúng ta đang tiến hành, là một thời điểm tuyệt hảo giúp chúng ta suy tư về quan hệ và giá trị của việc dấn thân truyền giáo và đồng thời nghĩ lại xem đâu là những con đường quan trọng nhất để can đảm tái đề nghị Tin Mừng.

"Chúng ta biết rằng Công Ðồng chung Vatican 2 đã giữ một vai trò quyết định trong việc phát triển các Giáo Hội gọi là bản xứ, các Giáo Hội này không những được coi như những nơi để thi hành công cuộc truyền giáo, nhưng nhất là như những người giữ vai chính thực sự trong việc truyền giáo. 50 năm sau Công Ðồng, chúng ta cũng thấy các Giáo Hội bản xứ, với hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ riêng đang hội nhập vào đời sống của thế giới Kitô giáo kỳ cựu, mặc dù công cuộc truyền giảng Tin Mừng cho dân ngoại nơi các Giáo Hội ấy vẫn cần phải được phát triển mạnh mẽ.

Ðức Hồng Y Filoni kêu gọi rằng "Thượng Hội Ðồng Giám Mục này phải làm cho chúng ta nhận thấy sự cần thiết phải có một công trình phối hợp hoạt động truyền giảng Tin Mừng, được hiểu như một cuộc rao giảng thứ nhất và mới mẻ, vì đây là một sứ vụ hoàn cầu, xét vì hiện tượng di cư của các dân tộc làm cho đối tượng của việc truyền giáo cho dân ngoại ở khắp mọi nơi, tạo nên những xã hội ngày càng đa nguyên. Ngoài ra, không thiếu những tín hữu đến từ các xứ truyền giáo, nay đang định cư tại các xã hội tây phương, mang lại sức sinh động và sự phong phú cho các giáo xứ và cộng động. Nơi các tín hữu ấy, người ta cảm nhận được đức tin tươi mát của họ, khác với những hình thức mệt mỏi và nguội lạnh của nhiều Kitô hữu kỳ cựu khác".

- Một Giám Mục Canada, Ðức Cha Brian Dunn, Giám Mục giáo phận Antigonish thuộc bang Nova Scotia, là giáo phận bị rúng động mạnh mẽ vị nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trong thời gian qua, đã nói với Thượng Hội Ðồng Giám Mục rằng công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cũng phải đối phó với sự nghi kỵ, mất tín nhiệm và thất vọng mà những gương mù gương xấu đã đệ lại.

Giáo phận này đã phải bán hàng trăm tài sản để lấy tiền trả án phí và bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng tính dục. Thậm chí hồi năm 2011, vị tiền nhiệm của Ðức Cha Brian Dunn là Raymond Lahey đã nhận tội và bị tù vì nhập khẩu các hình ảnh dâm ô trẻ em. Vị này đã bị Tòa Thánh buộc hồi tục hồi tháng 5 năm 2012.

Ðức Cha Dunn nói: "Trước cuộc khủng hoảng do nạn lạm dụng tính dục gây ra, các tín hữu Công Giáo cảm thấy rất hoang mang, và đi tới độ nghi ngờ các giáo huấn và giá trị thiết yếu đối với các môn đệ Chúa Kitô... Giáo Hội Công Giáo không thể làm ngơ trước nhu cầu cần tìm ra một phương thế để rao giảng Tin Mừng cho những người ta bị thương tổn trầm trọng vì những giáo sĩ lạm dụng tính dục". Theo Ðức Cha, một trong những phương thế khả dĩ, đó là nhìn câu chuyện sử các môn đệ bị thất vọng trước cái chết của Chúa Giêsu, nhưng họ đã được gặp Chúa Kitô Phục Sinh trên con đường về làng Emmaus. Chúa Kitô đồng hành với họ, lắng nghe họ. Vì thế, các giáo phận phải thiết lập những cơ cấu thực sự để lắng nghe các nạn nhân và thẩm định mức độ bị thương tổn, sự thịnh nộ và thất vọng của họ trước những xì căng đan như thế.. Ðồng thời Giáo Hội cần điều tra về nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục, thiết lập các biện pháp để bảo vệ trẻ em và những người lớn dễ bị thương tổn.

Ðức Cha Dunn nói: "Những người bị tổn thương trầm trọng kêu gọi thay đổi một số cơ cấu trong Giáo Hội, nhưng không phải chỉ có những cơ cấu của Hội Thánh phải thay đổi, cần có một sự thay đổi sâu rộng về não trạng, thái độ và tâm hồn của chúng ta trong những phương pháp làm việc với giáo dân".

Ðức Cha kêu gọi bổ nhiệm các toán mục vụ gồm giáo sĩ và giáo dân để quan trị các giáo xứ, đề ra một sự nhìn nhận chính thức các thừa tác vụ giáo dân, và cho phụ nữ được can dự vào việc thảo luận và quyết định ở mọi cấp độ trong đời sống Giáo Hội. Khi đời sống Giáo Hội có tinh thần đồng trách nhiệm như thế thì Tin Mừng sẽ được tái lắng nghe, đức tin của chúng ta sẽ được thông truyền thực sự, chúng ta sẽ được đổi mới trong đức tin và chứng tá của chúng ta sẽ chân thực hơn". (CNS 12-10-2012)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page