Sinh hoạt

Thượng Hội đồng Giám Mục XIII

 

Sinh hoạt Thượng Hội đồng Giám Mục XIII.

Vatican (CNS 9-10-2012; Vat. 10-10-2012) - Sáng thứ tư 10 tháng 10 năm 2012, vì Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 bận tiếp kiến chung 40 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô, nên Thượng Hội đồng Giám Mục kỳ thứ 13 không nhóm phiên khoáng đại. Thay vào đó các nghị phụ đã nhóm họp lần đầu tiên trong các nhóm nhỏ theo ngôn ngữ chính.

Trong phiên họp từ lúc 9 giờ đến 12 giờ rưỡi, các nghị phụ cùng với các dự thính viên đã bầu vị trưởng nhóm và tường trình viên của mỗi nhóm, rồi thảo luận về bản tường trình đầu tiên của Ðức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục Washington Hoa kỳ, trong tư cách là Tổng tường trình viên, đã trình bày trong hai phiên khoáng đại hôm thứ hai 8 tháng 10 năm 2012.

Ban chiều 10 tháng 10 năm 2012, các vị trưởng nhóm và tường trình viên đã nhóm họp lúc 4 giờ rưỡi, trước khi cùng mọi người tham dự phiên họp khoáng đại thứ 5 trước sự hiện diện của Ðức Thánh Cha, từ lúc 4 giờ rưỡi đến 6 giờ chiều và được tiếp nối bằng cuộc thảo luận tự do.

Nội dung một số bài phát biểu

Trong số nội dung các bài phát biểu được công bố cho đến nay, người ta đặc biệt chú ý đến nhận định của một vị Tổng Giám Mục người Philippines, Ðức Cha Socrates Villegas của giáo phận Lingayen-Dagupan, nói với Thượng Hội đồng Giám Mục hôm 9 tháng 10 năm 2012 rằng chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho người nghèo nếu người truyền giảng chia sẻ sự nghèo khó của họ. "Tin Mừng có thể được giảng cho những bao tử trống rỗng, nhưng chỉ khi nào bao tử của người giảng thuyết cũng trống như bao tử các giáo dân của mình".

Ðức Tổng Giám Mục Socrates Villegas cũng là một trong nhiều nghị phụ nhấn mạnh tầm quan trọng của đức khiêm tốn và liên đới với người nghèo, giữa lúc Giáo Hội Công Giáo đang nỗ lực củng cố đức tin của các tín hữu và khích lệ những người Công Giáo xa lìa Giáo Hội hãy trở về.

Bài tham luận của Ðức Cha Villegas đã được các nghị phụ vỗ tay tán thưởng. Ngài nói: "Việc tái truyền giảng Tin Mừng kêu gọi chúng ta phải có một sự khiêm tốn mới mẻ. Tin Mừng không thể thu hút trong sự kiêu hãnh.. Theo Chúa Kitô có nghĩa là noi gương Chúa với một "cảm thức sâu xa về lòng kính trọng đối với nhân loại.. Việc rao giảng Tin Mừng đã bị thương tổn và tiếp tục bị cản trở vì sự kiêu hãnh của những sứ giả Tin Mừng".

- Một nghị phụ khác người Philippines là Ðức Cha Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Manila, nhấn mạnh sự noi gương khiêm tốn Chúa Giêsu, được biểu lộ rõ ràng nhất qua ý chỉ của Chúa trở thành người, để chịu đau khổ và chịu chết cho nhân loại. Lòng khiêm tốn của Chúa Giêsu đã làm cho người chứng tỏ tình yêu chân thành và mối quan tâm đói với mọi người, đặc biệt là "những người bị thế gian lơ là và coi rẻ". Giáo hội cũng phải làm như vậy.

"Khiêm tốn có nghĩa là nhìn nhận khi Giáo Hội không có tất cả mọi câu trả lời, và vì thế cũng muốn im lặng.. Một Giáo Hội im lặng sẽ làm cho những người không có tiếng nói tin rằng họ không lẻ loi".

- Ðức Hồng Y Zenon Grocholewski, người Ba Lan, Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, nói trước Thượng Hội đồng Giám Mục rằng một chướng ngại lớn nhất mà một Linh Mục hoặc một nhà thần học gặp phải, trong việc trở thành một nhà rao giảng Tin Mừng đích thực chắc chắn là thái độ kiêu ngạo, cùng với "đồng minh" của tật xấu này là sự ích kỷ. Sự ham hố và miệt mài cố gắng trở thành cao trọng, thành người đặc sắc và quan trọng khiến cho nhiều giáo sĩ trở thành những "người chăm sóc bản thân mình thay vì lo lắng quan tâm cho đoàn chiên", như thánh Augustino đã nói.

Ðức Hồng Y Grocholewski cũng nói rằng "Mỗi phần tử của Giáo Hội phải nghiêm túc xét mình và dưới chân Thánh Giá, học trở nên khiêm tốn và yêu thương thực sự". Ðức Hồng Y không quên kêu gọi các nghị phụ rất nghiêm túc cứu xét tình trạng của nền giáo dục Công Giáo. Ngày nay có nhiều trường học và đại học Công Giáo hơn bao giờ hết, nhưng sự tăng trưởng dường như bị một cuộc khủng hoảng gia tăng về đức tin đi kèm.. Một chìa khóa để giải quyết vấn đề này, theo Ðức Hồng Y, là đảm bảo sao cho các Linh Mục và thần học gia hiểu rằng những năm học hành và những thành tựu vẻ vang về việc học không thu hút ai đi theo Chúa Kitô nếu những người rao giảng Tin Mừng không thực sự biết Chúa và dạy điều mà Giáo Hội tuyên dạy".

- Ðức Cha José Rauda Gutierrez, Giám Mục giáo phận San Vicente bên El Salvador, nói với Công nghị các Giám Mục rằng các Giám Mục và Linh Mục thường là chướng ngại cho việc rao giảng Tin Mừng. "Sự đánh mất nhiệt huyết mục vụ, sự giảm sút các hoạt động truyền giáo, các buổi cử hành phụng vụ thiếu cảm nghiệm sâu xa về mặt thiêng liêng, và sự thiếu vui mừng và hy vọng của các giáo sĩ mạnh mẽ đến độ ảnh hưởng tới chính đời sống của các cộng đoàn chúng ta".

Theo Ðức Cha Rauda, việc tái truyền giảng Tin Mừng phải giống như phương dược mang lại vui tươi và sức sống thay vì sự sợ hãi".

- Ðức Cha John Corriveau, Giám Mục giáo phận Nelson thuộc bang British Colombia, Canada và nguyên là Bề trên Tổng quyền dòng Capuchino, trong bài phát biểu, đã nói rằng xây dựng cộng đoàn và thăng tiến cảm thức hiệp thông, nhất là đứng trước trào lưu cá nhân chủ nghĩa đang gia tăng, chính là một thành phần quan trọng trong việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Linh đạo hiệp thông được hình thành theo khuôn mẫu quan hệ yêu thương giữa các ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu sáng tạo được biểu lộ cho nhân loại qua sự nhập thể của Chúa Kitô.

Ðức Cha Corriveau nói: "Ơn gọi hiệp thông không phải chỉ là một khẩu hiệu. Ðó chính là sự hoán cải tâm hồn".

- Ðức Tổng Giám Mục Gerhard Mueller, người Ðức, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, nói với Thượng Hội đồng Giám Mục rằng việc rao giảng Tin Mừng đích thực trước tiên đòi Giáo Hội phải vượt thắng một số cuộc tranh luận trong nội bộ Giáo Hội giữa những người gọi là bảo thủ và những người gọi là cấp tiến; thay vào đó các phần tử Giáo Hội phải chú tâm đến việc chia sẻ Tin Mừng và thi hành điều đó trong sự hiệp nhất với Giáo Hội và hòa hợp với giáo huấn của Giáo Hội". Ðức Tổng Giám Mục Mueller muốn ám chỉ đến thực trạng Giáo Hội Công Giáo tại Ðức hiện nay. (CNS 9-10-2012)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page