Phỏng vấn ÐTGM Henryk Muszynski

về Tuyên ngôn kêu gọi hòa giải

giữa hai dân tộc Nga và Ba Lan

 

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Henryk Muszynski về Tuyên ngôn kêu gọi hòa giải giữa hai dân tộc Nga và Ba Lan.

Varsava (SD 14-7-2012) - Từ ngày 16 cho đến 19 tháng 8 năm 2012 Ðức Kirill, Thượng Phụ chính thống Mastcơva chính thức viếng thăm Ba Lan. Ðây là lần đầu tiên một vị lãnh đạo Giáo Hội chính thống Nga viếng thăm Ba Lan. Và ngày 17 tháng 8 năm 2012 Ðức Kirill và Ðức Cha Jozef Michalik, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan, sẽ cùng ký vào tuyên ngôn chung kêu gọi hai dân tộc Nga và Ba Lan hòa giải với nhau.

Lễ nghi sẽ diễn ra tại lâu đài hoàng gia trong thủ đô Varsava. Lời kêu gọi này đã được một ủy ban hỗn hợp của hai bên soạn thảo trong hơn hai năm trời. Nó không phải là một lời xin lỗi, nhưng là lời mời gọi hai dân tộc đọc lịch sử xung khắc giữa hai bên trong viễn tượng Kitô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn phần đầu bài phỏng vấn Ðức Cha Henryk Muszynski, nguyên Tổng Giám Mục Gniezno, về buổi lễ ký và nội dung lời kêu gọi này.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, ngày 17 tháng 8 tại lâu đài hoàng gia Varsava sẽ có lễ ký tuyên ngôn chung giữa Ðức Thượng Phụ Kirill giáo chủ Giáo Hội chính thống Nga và Ðức Cha Jozef Michalik, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan. Tuyên ngôn là lời kêu gọi hòa giải hướng tới hai dân tôc Nga và Ba Lan. Sự đối thoại giữa Giáo Hội công giáo Ba Lan và tòa Thượng Phụ chính thống Mastcvơa nằm trong đường hướng đối thoại như đã xảy ra hồi thập niên 1960 với Giáo Hội Ðức, đã dẫn tới chỗ tha thứ cho nhau, có phải vậy không?

Ðáp: Vâng, mục đích của cuộc đối thoại giống nhau, cả khi có xảy ra trong các thực tại khác nhau, từ lúc ban đầu của cuộc đối thoại Ba Lan Ðức sau đệ nhị thế chiến. Lá thư Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan gửi Hội Ðồng Giám Mục Ðức năm 1965 đã là một tuyên ngôn một chiều từ phía Ba Lan, và chỉ sau đó Hội Ðồng Giám Mục Ðức mới phản ứng.

Lời kêu gọi chung hiện nay giữa hai dân tộc Nga và Ba Lan là một tài liệu được cả hai Hội Ðồng Giám Mục cùng đưa ra. Nghĩa là trong trường hợp Ba Lan và Ðức cuộc đối thoại nhằm bắc một cây cầu giữa hai dân tộc thù nghịch nhau trong một giai đoạn mà các vết thương của chiến tranh chưa khép kín. Còn cuộc đối thoại hiện nay xảy ra trong một thời điểm tuyệt đối khác của lịch sử. Nó là một cái nhìn từ quan điểm Kitô về một lịch sử đời chung, tuy phức tạp, của hai dân tộc, và là một cái nhìn về một dự án tương lai.

Tuy nhiên, các mục đích nền tảng của cả hai cuộc đồi thoại giống nhau: nó là cuộc đối thoại để hiểu biết nhau hơn. Nền tảng của cuộc đối thoại ở đây rất là vững chắc: chúng tôi đều có cùng một Phúc Âm, cùng các bí tích, và như là Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống chúng tôi phải đối phó với các thách đố giống nhau của thế giới bao quanh. Cả hai Giáo Hội đều ý thức rằng nhiệm vụ của mình là làm chứng cho Tin Mừng. Trong nghĩa này, chúng tôi gần nhau. Chúng tôi không phải là kẻ thù của nhau hay những người chống đối nhau, nhưng chúng tôi là anh em trong một đức tin Kitô duy nhất, chúng tôi cùng nhau trả lời cho tương lai của các Giáo Hội và các dân tộc của chúng tôi.

Hỏi: Nhưng mà quá khứ khó khăn giữa hai dân tộc Ba lan và Nga luôn luôn chia rẽ, và cần có một sự tái lượng định. Thế thì trong lời kêu gọi của hai Giáo Hội, có những từ giống như những từ của các Giám Mục Ba Lan và Ðức "Chúng tôi tha thứ và chúng tôi xin tha thứ" hay không, thưa Ðức Cha?

Ðáp: Không, chúng tôi không lập lại các từ của tài liệu trước. Lý do vì các liên lạc giữa hai dân tộc Nga và Ba lan chưa chín mùi tới độ đó. Trong giai đoạn hiện nay vấn đề đầu tiên là trở lại sự tín nhiệm lẫn nhau. Chúng tôi có một kinh nghiệm chung nào đó, chẳng hạn như các loại chế độ độc tài khác nhau khiến chúng tôi gần gũi nhau, nhưng đồng thời cũng chia rẽ chúng tôi. Như là người Ba Lan, chúng tôi nói tới các khổ đau do hai chế độc độc tài Ðức quốc xã và Cộng sản liên xô gây ra cho chúng tôi một cách rõ ràng. Nhưng người Nga không quen nhận thức rằng chế độ độc tài đức quốc xã và chế độ độc tài cộng sản vô thần cũng như nhau.

Việc thảo luận tài liệu kéo dài hơn hai năm đã cho thấy tất cả những vấn đề lịch sử rất phức tạp trong giai đoạn hiện nay, nên không thể tìm ra một ngôn ngữ chung với người Nga. Vì thế phần lịch sử có tính cách rất tổng quát. Rõ ràng là cần phải có các sử gia của cả hai bên để tìm hiểu các vấn đề lịch sử vì công việc rất nhiều. Do sự kiện cho đến nay đã chưa thực hiện được điều đó, và trong các nghiên cứu của mình các sử gia chưa đi tới một sự đồng thuận, nên các Giám Mục chúng tôi bất lực trước tình trạng này. Liên quan tới các biến cố được hai bên giải thích một cách khác nhau, điều duy nhất chúng tôi có thể làm là thử chỉ cho thấy đức tin giúp tiến lại gần nhau hơn, giúp tiến tới sự hiệp nhất. Chúng tôi xác tín rằng một sự hiệp nhất mạnh mẽ như là nền tảng của một tương lai hòa bình, chỉ có thể lấy ra từ nền tảng sự thật hoàn toàn về qúa khứ chung của hai bên.

Hỏi: Như thế đã có các nghiến cứu chung giữa các sử gia của hai bên chưa thưa Ðức Cha?

Ðáp: Ðã có các nghiên cứu chung rồi. Chẳng hạn như cuốn sách tựa đề "Các chấm trắng và các chấm đen" do hai tác giả Adam Rotfeld và Antoine Torkunov biên soạn. Ðây là một cuộc điều tra qúy báu bao trùm các năm từ 1918 đến 2008. Ðây là một bước tiến rất quan trọng hướng tới tương lai và là một niềm hy vọng trao ban tươi vui.

Tôi đọc cuốn sách với một sự chú ý đặc biệt và tôi học hỏi đươc nhiều điều. Tuy nhiên, trong khi soạn thảo lời kêu gọi chung, chúng tôi đã tập trung trên tương lai, trên những gì đứng trước người dân hai nước hơn là trên lịch sử. Vì thế chúng tôi đã đặt tựa đề cho phần này của tài liệu là "Tương lai trong viễn tượng của qúa khứ". Ðiểm khởi hành ở đây đã trở thành lời kêu gọi hoạt động cho sự thiện và sự phát triển của cuộc đối thoại phải dẫn đưa tới một sự hiểu biết nhau hơn, và tìm lại được niềm tin tưởng đã đánh mất. Không có tin tưởng, thì khó có thể nói chuyện với nhau về bất cứ sự hiệp nhất nào giữa hai dân tộc. Cũng thế không thể có sự hiệp nhất nếu không có việc lượng định lịch sử một cách khách quan. Kkông có sự hiệp nhất nào mà không có tha thứ. Tôi có ý thức rằng chúng tôi đang bắt đầu một tiến trình tỉ mỉ giữa hai dân tộc Nga và Ba Lan đang khát vọng sự hòa hợp.

Ðây là một vấn đề phức tạp cần phải có nhiều năm, trong đó Giáo Hội có thể nắm giữ một vai trò không thể thay thế được. Không thể chờ đợi điều này từ các nhà chính trị, vì trong lãnh vực này chính trị không có các dụng cụ cần thiết.

Hỏi: Vậy thì ai là những người được kêu gọi ở đây thưa Ðức Cha?

Ðáp: Trước hết đó là các tín hữu của các Giáo Hội. Chúng tôi nhắc cho họ biết rằng nguồn gốc của mọi tiến trình hiệp nhất phải là sự hoán cải nội tâm, trở về với con đường sự thật. Không có sự hoán cải này, thì không thể có sự hiệp nhất. Ðiểm khởi hành của tiến trình này là đức tin chung, là xác tín rằng như là các Giáo Hội chúng tôi đã hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng đã trao ban cho chúng tôi sứ mệnh hiệp nhất thế giới. Do đó trong lãnh vực này chúng tôi phục vụ chính Thiên Chúa, chúng tôi chu toàn việc phục vụ Giáo Hội. Vì vậy chúng tôi kêu gọi phải có các nỗ lưc mới giúp hai dân tộc xích lại gần nhau, và làm cho chúng tôi trở thành các chứng nhân xác tín hơn về Tin Mừng đối với thế giới chung quanh.

Hỏi: Như vậy thì cần phải có các phương tiện và các hành động cụ thể nào để biến các điều đó trở thành các sự kiện thưa Ðức Cha?

Ðáp: Chúng tôi nhấn mạnh rằng không phải chỉ có sự kiện gần nhau bao thế kỷ hiệp nhất các dân tộc của chúng tôi, nhưng cũng còn có gia tài Kitô phong phú chung của Ðông phương và Tây phương nữa. Vì vậy trước hết chúng tôi diễn tả các gốc rễ Kitô của sự hiệp nhất. Chúng cho thấy một cách công khai rằng công việc vất vả của sự hiệp nhất là một bắt buộc đối với mọi người trong Giáo Hội. Thứ hai, phương tiện là việc quảng bá sự tin tưởng chung, nếu không thì không thể có sự hiệp nhát, Thứ ba, đó là kêu gọi hoán cải, trở về với Thiên Chúa, thoát khỏi tất cả mọi thành kiến hay gánh nặng khiến cho sự hiệp nhất và gặp gỡ nhau trở thành phức tạp.

Nhưng trước hết chúng tôi kêu gọi tha thứ. Chúng tôi xin các tín hữu điều đó và trước hết, và xin Thiên Chúa, để Người giúp chúng tôi tha thứ các tội lỗi cho nhau. Chúng tôi không nhắc tới các tội lỗi nào của cả hai phía, bởi vì chúng tôi chưa đến được giai đoạn này.

Hỏi: Thế thì khi nào sẽ đến lúc xin lỗi vì các tội cụ thể đã phạm trong một thời đại nào đó?

Ðáp: Có cái gì tương tự như thế đã xảy ra từ sự hiệp nhất giữa Ba Lan và Ðức. Sau 5 năm lá thư nổi tếng của các Giám Mục Ba Lan gửi các Giám Mục Ðức, chứa đựng các lời đáng chú ý này "Chúng tôi tha thứ và chúng tôi xin tha thứ", trong tư cách là phó ủy ban tiếp xúc Ba Lan Ðức, tôi đã đề nghị định nghĩa một cách cụ thể điều chúng tôi tha thứ, thì lúc đó mới thấy rằng nó phức tạp không thể tưởng tượng được. Nhưng chúng tôi đã thành công trong việc này. Người Ðức đã xin lỗi vì "những xúc phạm vô biên đã gây ra cho người Ba Lan" và chúng tôi xin lỗi "về những xúc phạm đã gây ra cho người Ðức, đặc biệt trong khi trục xuất họ".

Hỏi: Theo như con hiểu thì giữa người Ba Lan và người Nga tình hình chưa chín mùi để có thể nói ai xin tha lỗi một cách cụ thể và tại sao?

Ðáp: Tài liệu chứa đựng tất cả những gì có thể có được trong giai đoạn hiện nay của các liên lạc giữa Ba Lan và Nga. Người ta có thể tìm thấy trong đó các lời này: "Chúng tôi kêu gọi các tín hữu xin Thiên Chúa tha cho các xúc phạm, bất công và mọi sự dữ đã gây ra cho nhau". Chúng tôi xác tín rằng đó là bước đầu tiên trên tiến trình khó khăn và phức tạp của sự hiệp nhất và tha thứ, chắc chắn sẽ kéo dài nhiều năm.

(SD 14-7-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page