Các Giám mục Ấn Ðộ bác bỏ

cáo buộc Giáo hội kiếm tiền từ phép lạ

 

Các Giám mục Ấn Ðộ bác bỏ cáo buộc Giáo hội kiếm tiền từ phép lạ.

Mumbai, Ấn Ðộ (AsiaNews 13/03/2012) - Cũng nên nhắc sự việc này, đó là vào ngày 05 tháng 03 năm 2012, một phụ nữ Ấn giáo đến cầu nguyện trước thánh giá ở Irla, gần nhà thờ Ðức Bà Velankanni, Mumbai, và bà nhận thấy có nước rỉ ra từ chân thánh giá. Bà liền đi kể lại tin này cho các người hàng xóm; và trong nhiều ngày, hàng chục người dân của mọi tôn giáo đã đến tỏ lòng tôn kính với hiện tượng nói trên: họ cầu nguyện, thắp nến và lấy nước đem về nhà.

Từ đây, phát biểu với đài truyền hình địa phương, chủ tịch của Hiệp hội những người duy lý Ấn Ðộ, ông Edamaruku, đã cáo buộc Giáo hội khai thác sự thờ phượng tượng ảnh, và "tạo ra phép lạ" để kiếm tiền, cuối cùng, ông cũng cáo buộc Ðức Thánh cha Benedicto XVI là phản khoa học.

Phản ứng trước những lời nói này, Hiệp hội những người Công giáo quan tâm (Aocc) tại Ấn Ðộ đã lên án ông Edamaruku về các tuyên bố xúc phạm chống lại Giáo hội và Ðức Thánh cha, đồng thời yêu cầu ông đưa ra lời xin lỗi chính thức.

Trả lời cho các tuyên bố của ông Sanal Edamaruku, Ðức cha Agnelo Gracias, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Mumbai, nói rằng: "Thật là đúng khi hỏi liệu vụ việc ở Irla có thật là phép lạ không, nhưng không được phép cáo buộc Giáo hội ngụy tạo các vụ việc tương tự để kiếm tiền như lời cáo buộc". Giáo hội luôn luôn thận trọng trong việc gán nguyên nhân siêu nhiên cho các hiện tượng thông thường. Bất cứ khi nào có thể, Giáo hội luôn cố gắng tìm các giải thích 'khoa học' cho các sự kiện tương tự. Giáo hội không chú ý nhiều đến các chuyện như vậy, mặc dù Giáo hội chấp nhận khả năng rằng Thiên Chúa có thể can thiệp vào đời sống con người bằng những cách 'bất thường': đó là những gì chúng tôi gọi là 'phép lạ'."

Cụ thể với từng điểm cho các cáo buộc của ông Sanal Edamaruku, Ðức cha Agnelo Gracias nói: "Giáo hội không ủng hộ việc tôn thờ ảnh tượng, chúng tôi kính ảnh tượng. Chúng tôi kính trọng và tôn vinh Thánh Kinh của bất cứ tôn giáo nào, không phải bởi vì các cuốn sách này là thần thánh, nhưng bởi vì chúng có một ý nghĩa đặc biệt cho tín đồ các tôn giáo đó. Chúng tôi tôn vinh cây thánh giá vì nó được sử dụng như là một lời nhắc nhở về tình yêu của Chúa Giêsu, Ðấng đã chết cho chúng tôi. Cây thánh giá tại Irla không thuộc về Giáo hội, và chính một phụ nữ Ấn giáo, chứ không phải phụ nữ Công giáo, nhìn thấy các giọt nước rỉ ra".

Ðức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Mumbai nói thêm rằng: "Ðức Thánh cha không có gì chống lại khoa học cả. Có những nhà khoa học Công giáo lỗi lạc và các tổ chức khoa học Công giáo, như Hàn lâm viện Khoa học Tòa Thánh. Tôi tin rằng ông Sanal Edamaruku đã đưa ra các tuyên bố không có cơ sở, vì ông không biết".

Trong lời nhận định với hãng tin Asianews, linh mục Augustine Palett, thành viên của Giáo Hoàng Học viện Truyền Giáo Hải Ngoại và cha sở giáo xứ Ðức Bà Velankanni, cho biết: "Một cái gì đó đã xảy ra ở đây vượt quá sự hiểu biết của chúng tôi, và sự kiện ấy đã tập hợp các người Ấn giáo, Hồi giáo và Kitô giáo, hiệp nhất trong lời cầu nguyện. Các tuyên bố của ông Sanal Edamaruku là không chính đáng, vô căn cứ và sai lạc. Giáo hội không hề kiếm tiền từ lòng sùng mộ của người dân. Các tổ chức của Giáo hội không ngừng phục vụ người nghèo và người bị gạt bên lề, không có bất kỳ sự phân biệt đẳng cấp hay tín ngưỡng, để xây dựng đất nước này".

 

R.V.A.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page