Các Giám mục Hoa Kỳ
có thể đóng các cơ sở y tế thay vì
cúi đầu tuân theo lệnh ngừa thai
Các Giám mục Hoa Kỳ có thể đóng các cơ sở y tế thay vì cúi đầu tuân theo lệnh ngừa thai.
Hoa Kỳ (VietCatholic News 01/03/2012) - Trong một bức thư gởi cho các tín hữu Tổng Giáo phận Chicago, hồi cuối tháng 02 năm 2012, Ðức Hồng y Francis George nói rằng có lẽ Tổng thống Barack Obama giả định rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ đơn thuần phản đối cho có lệ đối với sắc lệnh mới về việc các tổ chức tôn giáo phải cung cấp thuốc ngừa thai miễn phí, ngay cả khi việc ngừa thai, các thuốc có khả năng phá thai, và triệt sản, vi phạm các giáo lý nòng cốt của đức tin của họ. Tổng thống có thể có lý do để mong rằng các Giám mục Công giáo sẽ không đấu tranh một cách mạnh mẽ như thế.
Ðược biết, trong lần bầu cử Tổng thống trước đây vào năm 2008, Ông Obama đã được sự hỗ trợ đáng kể từ người Công giáo, là nhóm tôn giáo lớn nhất trong nước.
Giờ đây, các Giám mục Công Giáo đã đoàn kết chống lại chính quyền Obama, sau việc áp đặt sắc lệnh của Bộ Y Tế Hoa Kỳ, cùng với các nhà lãnh đạo của giáo phái và tôn giáo khác. Mục sư Richard Land, người lãnh đạo tổ chức Southern Baptist lớn nhất ở Mỹ, tuyên bố đoàn kết với người Công giáo và cam kết đi tù chứ không tuân theo sắc lệnh của Bộ Y Tế.
Lời tuyên bố phản đối mạnh mẽ nhất được đưa ra từ Chicago, quê của tổng thống Obama. Ðức Hồng y Francis George đã gửi một sứ điệp cho giáo dân trong tổng giáo phận khẳng định rằng Hội thánh Công giáo thà đóng cửa các tổ chức khác nhau của mình trong cộng đồng, chứ không vi phạm giáo lý nòng cốt của Thông Ðiệp "Sự Sống Con Người" (Humanae Vitae), nghĩa là không cung cấp các biện pháp ngừa thai, triệt sản, và các thuốc có khả năng phá thai cho nhân viên của mình, dù miễn phí hay dưới hình thức nào khác.
Trong một bức thư dài, Ðức Hồng y George đã nhận xét rằng các Giám mục Công giáo đang đấu tranh cho một sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước, và rằng sắc lệnh này đại diện cho một sự kiêu căng vô tiền khoáng hậu trong nỗ lực của tổng thống Obama là cho chính phủ có quyền xác định ranh giới giữa đức tin và việc làm. Ðức Hồng y George viết như sau: "Tự do tôn giáo còn hơn tự do thờ phượng" và lưu ý rằng ngay cả Liên Bang Xô Viết cũng cho phép mọi người đi nhà thờ, "nếu bạn có thể tìm thấy một nhà thờ nào đó"; Ðức Hồng y George lập luận rằng sắc lệnh của Bộ Y tế bắt chước kinh nghiệm của Liên Xô khi tuyên bố rằng chỉ có những nơi thờ phượng mới được tự do thực thi tôn giáo như được Hiến pháp bảo vệ, chứ "các trường học, các nhà ấn loát tôn giáo, các tổ chức y tế, các tổ chức từ thiện, các thừa tác phục vụ công lý và các việc thương xót, là những điều phát sinh tự nhiên từ một đức tin sống động," thì không được. Từ đây, Ðức Hồng y George kết luận nếu chính quyền Obama khăng khăng áp đặt sắc lệnh của họ trên các tổ chức Công giáo, thì "chỉ hai Mùa Chay nữa" danh sách các bệnh viện Công giáo và các tổ chức chăm sóc y tế của họ sẽ trống trơn.
Ðiều này có nghĩa gì đối với nước Hoa Kỳ, và sắc lệnh cải tổ y tế của Obama? Nói một cách đơn giản, nó sẽ tạo ra một thảm họa cho việc cung cấp chăm sóc y tế trong nước, và leo thang nhanh chóng phí tổn công cộng về việc chăm sóc sức khỏe.
Ðược biết Giáo hội Công giáo có lẽ có một hệ thống cung cấp việc chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất trong nước. Nó điều hành 12.6% các bệnh viện ở Mỹ, chiếm 15.6% tất cả các bệnh nhân nhập viện và 14.5% tất cả các chi phí bệnh viện, chi phí tổng cộng cho các bệnh viện Công Giáo trong năm 2010 là 98.6 tỷ đôla. Các Bệnh viện Công giáo chăm sóc nhiều hơn so với số lượng mà Medicare (16.6%) và Medicaid (13.65) thải ra, có nghĩa là hơn một trong sáu người cao niên và bệnh nhân khuyết tật, và hơn một trong tám bệnh nhân có thu nhập thấp, được chăm sóc từ các bệnh viện này. Gần một phần ba (32%) các bệnh viện này được đặt ở các khu vực nông thôn, nơi mà bệnh nhân thường có rất ít lựa chọn khác cho việc chăm sóc sức khỏe.
So với những bệnh viện cạnh tranh, các bệnh viện Công giáo đóng vai trò hàng đầu trong việc cung cấp những dịch vụ ít lợi nhuận để phục vụ các bệnh nhân. Họ đứng hàng đầu trong lãnh vực dò tìm ung thư vú, các chương trình dinh dưỡng, chấn thương, lão khoa dịch vụ, và công tác xã hội. Trong hầu hết các lãnh vực này, những cơ quan vô lợi nhuận khác không thể so sánh được, nhưng những bệnh viện điều hành bởi chính quyền tiểu bang và địa phương không thể nào theo kịp. Trong trường hợp bệnh nhân gặp khó khăn trong việc trả tiền cho việc chăm sóc, các bệnh viện Công giáo sẽ bao thầu nhiều chi phí hơn. Thí dụ, Cơ Quan Phục Vụ Y Tế Công Giáo ở Florida cung cấp dịch vụ chăm sóc miễn phí cho các gia đình dưới 200% mức nghèo của liên bang, nhận việc bồi hoàn của Medicaid như thanh toán đầy đủ, và đặt giá tối đa là 20% số lợi tức gia đình cho các gia đình nằm trong khoảng 200% và 400% mức độ nghèo theo liên bang.
Hãy tưởng tượng nếu các bệnh viện này đóng cửa thì ảnh hưởng sẽ ra sao, không kể đến việc trên 400 trung tâm y tế khác và 1,500 các nhà chuyên môn mà Hội thánh Công giáo điều hành như là một phần của sứ vụ của họ, cũng sẽ biến mất. Các gia đình nghèo và tầng lớp lao động đang nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm Công giáo sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho việc chăm sóc sức khỏe của họ so với hệ thống hiện hành. Các bệnh nhân ở nông thôn sẽ phải đi xa hơn để được chăm sóc y tế, và các dịch vụ như công tác xã hội và tìm dò ung thư vú sẽ rơi vào tay của các tổ chức ít hiệu quả hơn của Chính phủ. Ðiều đó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các bệnh nhân nghèo và thuộc tầng lớp lao động, nhưng sẽ tạo ra nhiều thời gian chờ đợi dài hơn cho tất cả mọi người khác trong hệ thống. Cuối cùng, trênnửa triệu người làm việc cho các bệnh viện Công giáo giờ đây sẽ bị mất việc gần như ngay lập tức, điều đó sẽ có một ảnh hưởng lớn trên nền kinh tế cũng như nghành chăm sóc sức khỏe.
(VietCatholic New)