250 chuyên gia tham dự

Toạ đàm Forum Caritas năm 2012

để bàn về tình trạng nghèo đói tại Thụy Sĩ

 

250 chuyên gia tham dự Toạ đàm Forum Caritas năm 2012 để bàn về tình trạng nghèo đói tại Thụy Sĩ.

Berne, Thụy Sĩ (Apic 28/01/2012) - Theo tường thuật của hãng tin Công giáo Thuỵ Sĩ Apic, thì hôm ngày 27 tháng Giêng vừa qua, 250 chuyên viên đến từ nhiều lãnh vực khác nhau về chính trị kinh tế và xã hội, đã gặp nhau tại Trung tâm Kultur-Casino, tại thủ đô Berne, Thuỵ Sĩ, trong ngày "toạ đàm" có tên gọi truyền thống là "Forum Caritas 2012", bàn về tình trạng nghèo đói của trẻ em tại Thuỵ Sĩ.

Thật không ngờ, tại quốc gia giàu có như Thuỵ Sĩ, hiện có 260,000 trẻ em sống nghèo khổ trong những hoàn cảnh khác nhau như: những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, những gia đình đông con, những hoàn cảnh không được đến trường học hành. Trong diễn văn khai mạc ngày Toạ đàm, ông Fulvio Caccia, Chủ tịch Caritas Thuỵ Sĩ, đã nhắc đến "việc không quân bình trong khi cống hiến những cơ hội" cho các trẻ em; đồng thời cũng thêm rằng không nên nhìn thực trạng này như là "phần gia tài định mệnh" xã hội không thể vượt qua. Thiên tài âm nhạc Jean Sêbastien Bach đã từng là một trẻ mồ côi khi mới lên 08 tuổi! Không nên có tâm thức "nghèo một ngày, là nghèo suốt cả đời!" Bà Heidi Simoni, Giám đốc học viện Marie Meierhofer dành cho tuổi thơ, đã chia sẽ một định nghĩa về sự nghèo túng như sau: "Cần hiểu về cái nghèo theo một quan niệm đa diện. Nghèo là không có khả thể thực hiện những dự tính của mình, là không thể thực hiện năng khiếu của mình. Ðứa trẻ thấy tương lai của mình bị chắn ngang. Ðể vượt qua tình trạng này, đứa trẻ cần có ước mơ mạnh mẽ là muốn vượt qua sự nghèo cùng. Ðứa trẻ múc lấy sức mạnh từ giấc mơ này."

Bà Isabelle Chassot, Chủ tịch Hội Ðồng Toàn Quốc các Giám đốc đặc trách việc Giáo Dục Công, đã lên tiếng chia sẻ về những tiến bộ quan trọng trong các trường học, để cung cấp những cơ may đồng đều cho mọi trẻ em, như vườn trẻ cho tất cả các trẻ nhỏ 04 tuổi, những trợ cấp từ ngoài gia đình, những dung hoà các mục tiêu giáo dục trên cấp độ toàn quốc. Tuy nhiên, theo bà Isabelle Chassot, nhà trường đã làm nhiều việc, nhưng không thể nào làm tất cả mọi việc!

Còn bà Jacqueline Fehr, Chủ tịch Hội Bảo Vệ Tuổi Thơ tại Thuỵ Sĩ, thì nhắc lại các quyền của trẻ nhỏ, như: quyền được giáo dục, được học hành, quyền bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ sự toàn vẹn thân thể, quyền an sinh xã hội, quyền có mức sống tương xứng. Những quyền này bị giới hạn nhiều bởi sự nghèo cùng, và bởi những đường lối chính trị "đổ dồn trách nhiệm cho kẻ khác"! Việc chuyển đổi giữa các giai tầng xã hội bị giới hạn, và do đó cũng bị giới hạn việc vượt thoát cảnh sống nghèo cùng. Bà thẳng thắn đặt vấn đề: Liên Bang Thuỵ Sĩ chúng ta phải làm gì để thật sự nhìn nhận sự "cung ứng bằng nhau các cơ may"? Không tạo ra sự cung ứng này, cũng như không cho phép sự cung ứng này được thực hiện, đó là rơi vào sự kỳ thị. Thái độ thụ động không làm gì cả, cũng là một vi phạm Quy Ước về Quyền các trẻ nhỏ.

Ông Martin Kaiser, phó giám đốc Văn Phòng Liên Bang Thuỵ Sĩ về các Bảo Hiểm xã hội, nhận định rằng Nhà Nước Thuỵ Sĩ, từ cấp Liên Bang đến cấp huyện xã, đều có những biện pháp nhằm cung ứng những cơ may cho mọi người. Nhưng các dịch vụ xã hội chỉ đóng vai trò hỗ trợ và đồng hành mà thôi, không thể nào thay thế vai trò của những cha mẹ.

Về phần mình, tổ chức Caritas Thuỵ Sĩ có chương trình dấn thân cụ thể nhắm đến mục tiêu, từ nay đến năm 2020, sẽ làm giảm mức nghèo xuống 50%. Cụ thể, hiện tổ chức tương trợ đang mở 23 Trung Tâm Siêu Thị rẻ tiền trên toàn quốc, dành cho bất cứ ai có thu nhập thấp được mua hàng giảm giá. Hội "Thẻ Văn Hoá" cung cấp cho những người yếu kém xã hội, những thẻ giảm giá, để có thể tham dự những sinh hoạt văn hoá, thể thao, giáo dục. Những sáng kiến này của Caritas Thuỵ Sĩ nhắm mang đến sự quân bình hoá giữa những quyền của trẻ em và những bổn phận của cha mẹ, cùng với sự đồng trách nhiệm của xã hội.

 

R.V.A.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page