Chỉ hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau

mới có hòa bình hòa hợp

 

Chỉ hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau mới có hòa bình hòa hợp.

Vatican (Vat. 18/11/2011) - Trong các tháng qua tình hình thế giới liên tục căng thẳng với các cuộc xuống đường biểu tình đòi tự do dân chủ của người dân các nước A rập Bắc Phi và vùng Trung Ðông. Người dân nổi dậy phản đối và lật đổ chính sách cai trị độc tài bất công của nhà nước. Ðây đã là trường hợp của Tunisia, Ai Cập và Libia, và đang là trường hợp của Siria và Yemen. Tại vài nước tây âu như Hy Lạp, Anh quốc, Hoa Kỳ và Italia dân chúng cũng xuống đường hay cắm lều biểu tình phản đối tình trạng sống khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế gây ra.

Trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn tại một vài nước Phi châu như Somalia, Sudan, Kenya, và các xung khắc bạo lực khủng bố khiến cho nhiều người thiệt mạng như bên Nigeria. Thêm vào đó là cảnh lời qua tiếng lại giữa vài nước có vũ khí hạt nhân với Iran đang nhất quyết chế tạo vũ khí nguyên tử. Tất cả khiến cho tình hình thế giới như một lò thuốc nổ. Riêng tại Việt Nam nhà nước cộng sản vẫn ngang nhiên tiếp tục ăn cướp đất đai của các Giáo Hội, các dòng tu và của dân chúng. Ðiển hình là đêm 16 tháng 11 năm 2011 tà quyền Hà Hội đã huy động 600 công an cảnh sát tới ăn cướp và thi công trên đất của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, khiến cho sáng ngày 18 tháng 11 năm 2011 các linh mục tu sĩ và giáo dân Thái Hà phải biểu tình phản đối.

Chính các bất công, các cung cách hành xử tàn ác và vô luân của giới lãnh đạo độc tài, không tôn trọng các hiến pháp quốc gia và tuyên ngôn nhân quyền quốc tế khiến cho hòa bình và hòa hơp xã hội bị đe đoa trầm trọng khắp nơi trên thế giới. Và đây là lý do giải thích tại sao trong tháng 12 năm 2011 Ðức Thánh Cha mời gọi chúng ta cầu xin cho các dân tộc trên trái đất lớn lên trong hòa hợp hòa bình qua sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Trong sứ điệp gửi Ngày Hòa Bình Thế Giới 2007 tựa đề "Bản vị con người, trái tim của hòa bình" Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tái khẳng định phẩm giá cao trọng của con người, được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Con người không phải là một đồ vật, nhưng là một bản vị có khả năng tự hiểu biết, tự chiếm hữu, tự hiến dâng một cách tự do và bước vào trong sự hiệp thông với các người khác. Chính vì thế con người có nhiệm vụ trưởng thành trong khả năng yêu thương và làm cho thế giới tiến bộ bằng cách canh tân nó trong công lý và hòa bình.

Hòa bình là một ơn và là một bổn phận. Các cá nhân và các dân tộc có khả năng liên lỉ dấn thân sống bên nhau và dệt nên các tương quan công bằng và liên đới. Hòa bình là một bổn phận đòi buộc mỗi người phải trả lời phù hơp với chương trình của Thiên Chúa được khắc ghi trong con tim và lương tâm sâu thẳm của từng người. Chính vì thế mọi người đều có bổn phận tôn trọng phẩm gía của người khác, phản ánh hình ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa. Vì thế, người được hưởng một quyền bính chính trị, kỹ thuật, kinh tế lớn hơn không thể lạm dụng nó để vi phạm các quyền của các người kém may mắn hơn. Hòa bình được xây dựng trên việc tôn trọng các quyền của tất cả mọi người.

Vì ý thức được điều đó Giáo Hội dấn thân bảo vệ các quyền căn bản của mọi người. Giáo Hội đặc biệt đòi hỏi tôn trọng quyền sống và quyền tự do tôn giáo của từng người, là các quyền bẩm sinh tùy thuộc Thiên Chúa. Vì thế cần phải tố cáo tất cả các vi phạm quyền sống trong xã hội: ngoài các nạn nhân của các xung đột vũ trang, của nạn khủng bố và nhiều hình thức bạo lực khác, còn có các người bị chết thinh lặng vì nạn đói, nạn phá thai, nạn thử nghiệm trên các phôi thai người và trợ tử. Tất cả đều mưu sát hòa bình. Phá thai và thử nghiệm trên phôi thai người là trực tiếp khước từ việc tiếp đón tha nhân, là thái độ không thể thiếu giúp thiết lập các tương quan hòa bình lâu bền.

Liên quan tới tự do tôn giáo có một triệu chứng gây lo âu cho thấy thiếu hòa bình trên thế giới: đó là các khó khăn mà kitô hữu cũng như tín hữu các tôn giáo khác gặp phải trong việc tự do tuyên xưng các xác tín tôn giáo của họ. Riêng đối với các tín hữu kitô phải đau đớn ghi nhận rằng trong vài quốc gia họ không chỉ bị ngăn cản, mà còn bị bách hại nữa, và mới đây người ta đã có thể ghi nhận các bạo lực ghê tởm chống lại các kitô hữu. Có các chính quyền áp đặt một tôn giáo duy nhất cho tất cả mọi người, trong khi có các chính quyền khác thờ ơ không bách hại một cách tàn bạo, nhưng dưỡng nuôi việc chế nhạo các tôn giáo nột cách có hệ thống trên bình diện văn hóa. Trong tất cả mọi trường hợp một quyền căn bản của con người đã không được tôn trọng và điều này gây ra các âm hưởng nghiêm trọng đối với sự chung sống hòa bình.

Ngoài ra, nguồn gốc của nhiều căng thẳng đe dọa hòa bình là các bất công chồng chất vẫn tồn tại trên thế giới, trong đó có các bất bình đẳng liên quan tới việc có lương thực, nước uống, nhà ở và y tế, cũng như các bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trong việc thực thi các quyền căn bản của con người. Cho đến nay điều kiện sống của nữ giới đã không được chú ý đủ. Họ bị kỳ thị, khai thác bóc lột, khinh rẻ và đối xử như đồ vật. Tất cả đều là các yếu tố xúc phạm nặng nề tới phẩm giá con người, gây bất ổn cho trật tự xã hội và làm tổn thương hòa bình và hòa hợp.

Với các tâm tình trên đây, trong tháng 12 năm 2011, hiệp ý với Ðức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới, chúng ta hãy cầu xin cho các dân tộc trên trái đất biết lớn lên trong hòa hợp hòa bình qua sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau; cách riêng cầu cho nhà nước cộng sản Việt Nam biết bỏ đường tà vạy, hành xử như một nhà nước pháp quyền, nghiêm chỉnh thực thi Hiến pháp quốc gia, chấm dứt đàn áp cướp bóc và tôn trọng các quyền con người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page