Chuyến công du mục vụ

của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI

tại Benin

 

Chuyến công du mục vụ của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tại Benin.

Phỏng vấn Ðức Cha Antoine Ganye, Tổng Giám Mục Cotonou, và Linh Mục Damiano Angelucci, bề trên các tu sĩ Capucino Quidah, về chuyến công du mục vụ của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tại Benin.

Benin (SD 5-11-2011) - Trong các ngày 18 đến 20 tháng 11 năm 2011 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ viếng thăm mục vụ nước Benin, để công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu Kỳ II và kỷ niệm 150 năm truyền giáo tại Benin.

Benin rộng 112,620 cây số vuông có hơn 7 triệu dân, gồm khoảng 40 chủng tộc. Chủng tộc lớn nhất là người Fon chiếm 40%, tiếp đến là người Youba chiếm 12%, người Adja chiếm 11%, người Somba chiếm 5%, người Ani chiếm 3%, các chủng tộc khác chiếm 29%. Về phương diện tôn giáo 65% dân Benin theo đạo thờ vật linh, 17% theo Công giáo, 15% theo Hồi giáo và 3% theo Tin lành.

Benin xưa kia thuộc vương quốc Dahomey. Vào thế kỷ XVII vương quốc Dahomey trở nên phồn thịnh nhờ các liên hệ qua việc buôn bán nô lệ với người tây phương, đặc biệt với người Bồ Ðào Nha và Hòa Lan, đã tới đây hồi thế kỷ XV.

Vào thế kỷ XVIII vương quốc Dahomey bị nứt rạn, và năm 1892 rơi vào quyền kiểm soát của người Pháp. Năm 1958 Cộng hòa Dahomey được tự trị, rồi được độc lập năm 1960. Tiếp đến là thời gian xáo trộn với nhiều cuộc đảo chánh và thay đổi chính quyền cho tới khi mọi quyền hành nằm trong tay ông Matthieu Kérékou. Ông Kérékou thiết lập chế độ kiểu mác xít và đổi tên nước là Cộng hòa dân chủ Benin. Vào thập niên 1980 ông bỏ chế độ mác xít và quyết định thành lập nền dân chủ. Bị thất cử năm 1991 ông trở lại nắm quyền hồi năm 1996. Từ năm 2006 tổng thống dân cử là ông Yayi Boni. Tổng thống Boni đã tái đắc cử trong cuộc đầu phiếu ngày 13 tháng 3 năm 2011.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Antoine Ganye, Tổng Giám Mục Cotonou, kiêm chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Benin, và Linh Mục Damiano Angelucci bề trên cộng đoàn các tu sĩ Capucino Quidah, về chuyến công du mục vụ của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tại Benin.

Hỏi: Thưa Ðức Cha chủ tịch, Ðức Cha nghĩ gì về chuyến viếng thăm sắp tới của Ðức Thánh Cha tại Benin nhân kỷ niệm 150 năm truyền giáo tại đây?

Ðáp: Chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha là một phước lành của Chúa và lòng thương xót của Người đối với toàn dân nước Benin cũng như toàn đại lục Phi châu. Mọi người đều rất sung sướng được tiếp đón Ðức Thánh Cha tại Benin. Giáo Hội Benin là một Giáo Hội trẻ nhưng sinh động. Vì thế chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha là một biến cố quan trong. Ðức Thánh Cha sẽ đến để củng cố chúng tôi trong đức tin, để chúng tôi can đảm sống đời kitô.

Hỏi: Ðức Thánh Cha cũng sẽ trao Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Giáo Hội tại Phi châu có đúng thế không?

Ðáp: Vâng, đúng thế, và tôi nghĩ rằng tài liệu này rất quan trọng, bởi vì nó đề cập tới sự hòa giải, công lý và hòa bình. Chúng tôi cần ba giá trị này trong lục địa Phi châu, bởi vì chiến tranh hiện diện ở khắp nơi và chưa có hòa bình như Thiên Chúa muốn. Chúng tôi cần Tông huấn để hiểu biết rằng sự hòa giải, công lý và hòa bình có thể và phải hiện diện trong cuộc sống kitô của chúng tôi để biến chúng tôi trở thành các chứng nhân của Chúa Kitô.

Hỏi: Ðức Cha có nghĩ rằng chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha và tài liệu này sẽ thành công trong việc trao ban cho dân nước Benin và toàn đại lục Phi châu một thúc đẩy mới hay không?

Ðáp: Tôi nghĩ là có, với ơn Chúa giúp, vì không thể làm gì nếu không có ơn Chúa trợ giúp. Chúng tôi phải chờ đợi và cầu nguyện để nhận lấy tài liệu này trong lòng tin, lòng cậy và lòng mến, và xin Chúa ban cho chúng tôi một con tim thực sự nhân bản. Tài liệu này có thể giúp chúng tôi thực hiện hòa bình, công lý và hòa giải.

Hỏi: Theo Ðức Cha, phải làm gì nữa để gia tăng đức tin nơi Chúa?

Ðáp: Chúng tôi phải làm việc để nhập thể tình yêu của Thiên Chúa. Ðây là điều thật đối với toàn Phi châu: chúng tôi cần cầu nguyện và hoạt động để tình yêu của Thiên Chúa là một thực tại của lời nói, hành động và cuộc sống.

Hỏi: Tới thủ đô Cotonou Ðức Thánh Cha sẽ tới thăm nhà thờ chính tòa ngay. Tình hình chuẩn bị tiếp đón Ðức Thánh Cha như thế nào và Ðức Cha sẽ nói gì với Ðức Thánh Cha?

Ðáp: Ðây là điều bí mật của con tim. Tôi sẽ giới thiệu với Ðức Thánh Cha Giáo Hội Benin, tôi sẽ nói lên tất cả niềm vui của các kitô hữu Benin cũng như của những anh chị em không kitô, vì sự hiện diện của Ðức Thánh Cha; rồi tôi sẽ xin Ðức Thánh Cha chúc lành cho quê hương đất nước Benin và toàn đại lục Phi châu.

Liên quan tới việc chuẩn bị, chúng tôi sống bầu khí cầu nguyện để hiệp thông với Chúa Kitô một cách đích thật cùng với Mẹ Maria và tất cả các Thánh, để cho chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha hướng dẫn chúng tôi yêu mến tha nhân thực sự. Chúng tôi đã chuẩn bị mình bằng các cuộc gặp gỡ. Toàn dân yêu thích chuyến viếng thăm này của Ðức Thánh Cha và tất cả chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ngài.

 

Sau đây là một số nhận định của Linh Mục Damiano Angelucci, bề trên cộng đoàn các tu sĩ Capucino Quidah, về chuyến công du mục vụ của Ðức Thánh Cha

Hỏi: Thưa cha Damiano, dòng Capucino có tất cả bao nhiêu tu viện tại Benin?

Ðáp: Chúng tôi có 3 tu viện tất cả: hai tu viện ở miền nam và một tu viện ở miền bắc. Chúng tôi đã hiện diện tại Benin từ năm 1987 nghĩa là từ 24 năm nay. Chính Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Cotonou đã mời các tu sĩ Capucino sang thành lập cộng đoàn và cộng tác với Giáo Hội địa phương trong công tác rao truyền Tin Mừng, trợ giúp các trẻ em bị bỏ rơi hay gặp khó khăn.

Hỏi: Thưa cha, Benin là một trong các nước nghèo nhất Phi châu: đâu là sự giầu có của nó?

Ðáp: Các tài nguyên thiên nhiên của Benin là nước và mặt trời. Benin là một nước rất nghèo, đúng thế, nhưng nó có một lợi điểm lớn cũng là nguồn lợi kinh tế chính: đó là nền hòa bình. Dân nước Benin không biết tới chiến tranh từ rất lâu rồi. Vì thế, tuy thiếu tài nguyên thiên nhiên ngoại trừ một ít bông gòn và bắp ngô, nước Benin tận dụng hòa bình là yếu tố cần thiết cho sự phát triển và nắm giữ vai trò giúp ổn định.

Hỏi: Chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha từ ngày 18 đến 20 tháng 11 này có ý nghĩa gì đối với dân chúng và Giáo Hội Benin?

Ðáp: Chắc chắn đó là một vinh dự lớn cho chúng tôi. Giáo dân, hàng giáo sĩ và các linh mục Benin cảm thấy rất hãnh diện về chyến viếng thăm này của Ðức Thánh Cha trong dịp công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Phi châu kỳ II. Chúng tôi rất hài lòng và sung sướng, đồng thời cũng cảm thấy có trách nhiệm lớn đối với Giáo Hội địa phương. Chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha cũng là một khích lệ, và sẽ trao ban cho chúng tôi một thúc đẩy mới và một sức mạnh mới.

Hỏi: Thưa cha, năm nay Giáo Hội Benin mừng 150 năm truyền giảng Tin Mừng. Nhưng mà nói thật ra thì các tu sĩ dòng Capucino mới là các nhà truyền giáo dầu tiên cách đây 200 năm hay hơn nữa cơ mà!

Ðáp: Vâng, đúng thế, trước khi các thừa sai Hiệp hội truyền giáo Phi châu tới Benin hồi năm 1861, thì vào năm 1600 các tu sĩ Capucino Bồ Ðào Nha đã là những người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho người dân Benin. Chúng tôi rất cảm động sống năm kỷ niệm này, vì nhớ tới 14 tu sĩ của dòng đã đến đây hồi năm 1600 để đem gương mặt Chúa Kitô tới Benin, nhưng chỉ một tuần sau hầu như cả toán đều chết hết...

Hỏi: Ðức Thánh Cha đến Benin để công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II. Tông huấn đề cập tới công lý, sự hiệp nhất và các vấn đề cụ thể như gia đình vv... Cha nghĩ sao?

Ðáp: Vấn đề nòng cốt của hòa giải, công lý và hòa bình nảy sinh từ một cơ cấu xã hội dựa trên một gia đình ổn định. Xem ra tất cả mọi vấn đề xã hội, tinh thần và mọi vấn đề của con người đều xoay quanh một vấn đề then chốt là sự ổn định hoàn toàn của gia đình. Hiện nay có rất ít gia đình hiệp nhất, có rất ít gia đình ổn định. Mọi tan rã, mọi căng thẳng, và khó khăn của các tín hữu cũng như của những người không tôn giáo nảy sinh từ sự bất ổn này, từ các xung đột trong con tim và trong gia đình. Như thế, theo tôi Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục phải được sống trong bối cảnh này của mục vụ gia đình.

Hỏi: Thưa cha, tại Benin tín hữu kitô sống chung với tín hữu hồi giáo cũng như các tôn giáo cổ truyền, cha thấy vấn đề đối thoại liên tôn như thế nào?

Ðáp: Xem ra việc đối thoại liên tôn dậm chân tại chỗ. Ở miền Nam Benin nơi Giáo Hội công giáo phát triển mạnh, có thể nói rằng việc lo cho cuộc đối thoại với người Hồi giáo và các nhóm tôn giáo cổ truyền không được tín hữu cảm nghiệm cho lắm. Ưu tư lớn của Giáo Hội là tăng trưởng, có thêm nhiều tín hữu, nhưng lại không có đủ các linh mục. Trong khi tại miền bắc Benin, nơi Giáo Hội là một thiểu số và có đông tín hữu hồi hơn, thì hoàn toàn có sự khép kín. Vì thế riêng cá nhân tôi, tôi chờ đợi từ chuyến viếng thăm này của Ðức Thánh Cha một sự khích lệ, một hăng say lớn, đặc biệt là đối với vài điểm nền tảng của đức tin kitô, nhất là các điểm liên quan tới kỷ luật sự hiệp nhất trong gia đình.

Hỏi: Giáo Hội Benin đang chuẩn bị đón tiếp Ðức Thánh Cha như thế nào?

Ðáp: Trong các giáo xứ đều có một loạt các sáng kiến, các cuộc hội họp cầu nguyện, canh thức. Ðức Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Cotonou, kiêm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Benin đã xin tín hữu sốt sắng lần hạt Mân Côi trong suốt tháng 10 để chuẩn bị tinh thần cho chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha. Và tín hữu được mời gọi đóng góp 500 Francs, tương đương với 72 xen cho qũy tổ chức. Thế rồi còn có các cuộc hội họp trên bình diện giáo xứ và giáo phận. Báo chí công giáo địa phương cũng đăng tải nhiều bài về hòa giải, công lý và hòa bình.

Hỏi: Thưa cha trên bình diện địa phương tương quan giữa người dân với các cơ cấu chính quyền ra sao, và chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha có thể đem lại những gì cho dân nước Benin?

Ðáp: Có sự không tin tưởng rất lớn đối với khả năng của các cơ cấu lãnh đạo xã hội. Chính vì thế nạn hối lộ rất là phổ biến, vì ai cũng tìm cách làm ăn riêng cho được việc của mình. Do đó chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Thánh Cha có thể giúp mọi người hiểu rằng Kitô giáo là một niềm tin nhập thể, được sống một cách cụ thể trong môi trường xã hội thường ngày.

(SD 5-11-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page