Mặt trái của Mùa Xuân Á rập

 

Mặt trái của Mùa Xuân Á rập.

A rập [The Guardian 1/11/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cái chết của hàng chục tín hữu kito Copte Chính thống trong cuộc biểu tình ôn hòa tại thủ đô Cairo, Ai cập hôm Chúa nhựt 9 tháng 10 năm 2011 là mặt trái của Mùa Xuân Á rập. Theo ký giá Massimo Franco của báo The Guardian, xuất bản tại Anh quốc, đây là một cuộc thảm sát có thể tiên đoán được.

Các chế độ độc tài có chủ trương "thế tục" như của tổng thống Hosni Mubarak tại Ai cập, của Saddam Hussein tại Iraq và của Muammar Gadhafi tại Libya quả là một cơn ác mộng dài đối với những nhà bất đồng chính kiến. Nhưng ít ra, dưới các chế độ độc tài này, các tín hữu kito lại được bảo vệ chống lại cuộc bách hại của hồi giáo cực đoan và được phép thực hành niềm tin tôn giáo của mình. Ðối lại, vì tôn trọng một thỏa thuận ngầm, các tín hữu kito đã giữ một khoảng cách đối với chính trị.

Tại Tòa thánh, nhiều người gọi đây là "hội chứng gấu Panda". Ðược biết gấu Panda là loại gấu sống bằng thảo mộc được chính quyền Trung Quốc bảo vệ như một loại động vật quý hiếm.

Nhưng theo cha Samir Khalil Samir, một linh mục dòng tên người Ai cập chuyên về Á rập và hồi giáo học, khi một "chủng loại quý hiếm cần được bảo vệ, thì điều có có nghĩa là nó đang biến mất". So sánh hoàn cảnh các tín hữu kito tại Trung đông với loài gấu Panda quý hiếm, vị linh mục này có ý nói rằng các tín hữu kito hiện cũng đang biến mất.

Cha Samir là một chuyên gia đã từng được Ðức thánh cha Benedicto XVI mời cộng tác trong việc tổ chức Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông tại Roma dạo tháng 10 năm 2010. Cha Samir biết rõ rằng các tín hữu kito tại Ai cập và trong toàn thế giới Á rập đang phải chiến đấu cam go để tồn tại. Chính vì vậy mà nhiều Giám mục Công giáo địa phương đã đón chào các cuộc nổi dậy tại Bắc Phi và khắp nơi xung quanh vùng địa trung hải với nhiều nghi ngờ và quan ngại. Các ngài đã thấy trước rằng tiến bộ chính trị có thể gắn liền với thoái hóa về tôn giáo và tình trạng của các công dân không phải hồi giáo sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Ðây là điều xem ra đã xảy ra, nhứt là tại Ai cập. Các giai cấp thống trị mới tại mỗi nước khác nhau, nhưng mẫu số chung của họ vẫn là một bản sắc hồi giáo mạnh hơn. Những thành phần cực đoan hơn muốn trừng phạt các thiểu số kito vì bị xem là mắc hai thứ tội đầu: một là đi với các chế độ cũ, hai là chuyên chở các giá trị của Tây phương, mặc dù họ đã có mặt tại Trung đông từ 2 ngàn năm qua. Do đó, chuyện các tín hữu kito bị tiêu diệt tại Trung đông là một viễn ảnh ngày càng tỏ hiện.

Do điều được gọi là "cuộc chiến do Mỹ Anh lãnh đạo" hồi năm 2003, con số các tín hữu kito tại Iraq ngày càng nhỏ lại. Trước khi quân đội Hoa kỳ xâm chiếm Iraq, số tín hữu kito tại đây là từ 8 trăm ngàn đến một triệu tư. Giữa năm 2009 và 2010, con số này còn khoảng 4 hay 5 trăm ngàn người và hiện ngày càng sút giảm.

Cuộc đàn áp đẫm máu tại Cairo, Ai cập hôm 9 tháng 10 năm 2011 cho thấy một tiến trình tương tự hiện cũng đang xảy ra tại Ai cập là nơi mà kito giáo chỉ chiếm khoảng 10 phần trăm dân số, phần lớn theo hồi giáo.

Ðây quả là một thảm trạng địa lý tôn giáo đối với Tòa thánh. Tòa thánh đã không ngừng tìm cách duy trì đối thoại với các giới chức hồi giáo và lúc nào cũng kêu gọi một cuộc sống chung hòa bình trong vùng.

Nhưng tình trạng này cũng là một thất bại đối với Tây phương và mâu thuẫn thay, ngay cả đối với hồi giáo. Trong lịch sử, các cộng đồng tín hữu kito luôn là một chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa Tây phương và Á rập, cũng như đã từng là một yếu tố hòa hoãn và cảm thông giữa hai thế giới.

Sự sút giảm bi thảm con số các tín hữu kito tại Trung đông cho thấy chiếc cầu tượng trưng này cũng đã sụp đổ. Sự kiện này cũng chứng tỏ rằng người dân Á rập cũng ngày càng chán ghét chủ nghĩa tiêu thụ, gia tăng các thành kiến và sự thù nghịch đối với các tín hữu kito.

Ðối với Tòa thánh, không dễ tìm được sự tôn trọng hổ tương trong cuộc đối thoại với hồi giáo. Trong nhiều trường hợp, đề nghị đối thoại hoàn toàn bị bác bỏ.

Theo ký giả Massimo Franco của báo The Guardian, cách đây vài năm, chân phuớc Gioan Phaolo II đã hỏi quốc vương Á rập Saudi liệu có thể xây cất một nhà thờ công giáo tại nước này không. Câu trả lời của quốc vương Á rập Saudi là một tiếng "không" dứt khoát. Quốc vương Á rập Saudi nói rằng đất nước của ông là thánh địa của tiên tri Mahomet. Vị giáo hoàng người Balan liền đáp lại rằng tại Roma vẫn có một đền thờ hồi giáo được xây cất. Nhưng quốc vương Á rập Saudi lại phân biệt rằng đền thờ hồi giáo được xây cất ở Roma chứ không phải bên trong Vatican. Ðến đây thì chân phước Gioan Phaolo II chẳng còn biết phải ăn nói làm sao nữa.

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page