Ý nghĩa của

Ngày Gặp Gỡ Liên Tôn tại Assisi

 

Ý nghĩa của Ngày Gặp Gỡ Liên Tôn tại Assisi.

Roma [National Catholic Register 26/10/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Một ngày trước cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã chủ tọa một buổi cử hành Phụng Vụ Lời Chúa đặc biệt để kêu gọi xây dựng hòa bình.

Trong bài giảng, Ðức thánh cha kêu gọi các tín hữu kito không nên đầu hàng trước cơn cám dỗ muốn "trở thành sói giữa đàn chiên", mà hãy xây dựng một vương quốc hòa bình trong đó Chúa Kito là Vua.

Mượn hình ảnh bức tượng của thánh Phaolo trước cửa vương cung thánh đường thánh Phero, trong đó thánh nhân cầm trên tay một thanh kiếm, Ðức thánh cha nói rằng không phải thanh kiếm của kẻ chinh phục mới mang lại hòa bình, mà là thanh kiếm của những người đau khổ và thí ban mạng sống của mình.

Hướng về cuộc gặp gỡ liên tôn qui tụ trên 300 nhà lãnh đạo tôn giáo và ngay cả những người vô thần đến từ trên 50 quốc gia trên thế giới, Ðức thánh cha kêu gọi mọi nguời cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ. Ngài hy vọng rằng cuôc gặp gỡ sẽ khuyến khích đối thoại giữa các tín đồ của mọi tôn giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại: "Ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình và công lý trên thế giới" được tổ chức với hai lý do: một là kỷ niệm 25 năm chân phước Gioan Phaolo II triệu tập cuộc gặp gỡ liên tôn đầu tiên và hai là đề chứng tỏ rằng các tôn giáo có thể là khí cụ và dấu chỉ hòa bình cho thế giới ngày nay. Do đó chủ đề của Ngày gặp gỡ là: "Những người hành hương vì sự thật, những người hành hương vì hòa bình".

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Vatican hôm thứ Tư 26 tháng 10 năm 2011, Ðức hồng y Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn, giải thích rằng Ðức thánh cha Benedicto XVI cho triệu tập cuộc gặp gỡ liên tôn Assisi năm 2011 là bởi vì "chúng ta đang sống trong một thế giới mong manh, trong đó công lý và hòa bình không được bảo đảm cho mọi người. Mỗi ngày chúng ta thấy vũ khí mạnh hơn tiếng nói của công pháp quốc tế".

Nhưng Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn cũng nói đến hai khác biệt giữa Ngày Gặp Gỡ năm 2011 và các cuộc Gặp gỡ năm 1986, 1993 và 2002: Lần này các tham dự viên sẽ không cầu nguyện chung với nhau; ngoài ra, có một số nhà vô thần cũng được mời tham gia cuộc gặp gỡ.

Sở dĩ Tòa thánh không muốn tổ chức sự cầu nguyện chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo là để tránh hiểu lầm cho rằng Giáo hội muốn cổ võ chủ nghĩa duy tương đối hóa hay hổ lốn tôn giáo. Ðây là một trong những quan tâm hàng đầu của đức Benedicto XVI. Trong một lá thư gởi cho một Mục sư Tin lành Luther dạo tháng 3 năm 2011, Ðức thánh cha cho biết ngài hứa sẽ làm mọi sự để tránh cho cuộc gặp gỡ không bị hiểu sai như một chủ trương duy tương đối hóa hay hổ lốn tôn giáo. Trong lá thư, Ðức thánh cha cũng giải thích rằng cuộc gặp gỡ sẽ phản ánh nội dung của tông thư "Dominus Iesus" [Chúa Giesu] được chân phước Gioan Phaolo II cho công bố hồi năm 2000. Trong văn kiện này, đức Gioan Phaolo II đã tái khẳng định giáo huấn của Giáo hội theo đó Giáo hội Công giáo là Giáo hội duy nhứt và chân thực của Chúa Giesu Kito.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Công giáo "National Catholic Register" xuất bản tại Hoa kỳ hôm 25 tháng 10 năm 2011, một viên chức của Tòa thánh nói rằng mọi chi tiết của Ngày Gặp Gỡ đã được chuẩn bị rất cẩn thận và chu đáo để đáp lại ý muốn của Ðức thánh cha. Viên chức này nói rằng Ngày hành hương và cầu nguyện cho thấy "khả năng qui tụ của Ðức giáo hoàng. Không có nhà lãnh đạo tôn giáo nào có đủ thẩm quyền và tầm cở để qui tụ nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo như thế". Các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới cũng đã nhìn nhận điều này.

Về phần mình, trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 10 năm 2011, Ðức hồng y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình, cũng nhấn mạnh rằng Ngày gặp gỡ liên tôn tại Assisi năm 2011 là một "cuộc hành hương hơn là cầu nguyện chung với nhau". Theo ngài, sở dĩ ngày gặp gỡ liên tôn năm 2011 không dự trù sự cầu nguyện chung là để bảo đảm bản sắc đặc thù và những khác biệt của mỗi tôn giáo.

Một số người công giáo thủ cựu lo sợ rằng Ngày gặp gỡ sẽ làm suy yếu giáo huấn vốn chỉ có Giáo hội mới có một cách trọn vẹn. Huynh đoàn công giáo thủ cựu Pio X chẳng hạn, ngay từ đầu đã chống lại các cuộc gặp gỡ liên tôn như thế vì sợ những nguy cơ hổ lốn tôn giáo. Tổ chức này đã kêu gọi các thành viên hãy tham gia một ngày cầu nguyện và sám hối cũng được tổ chức vào chính ngày 27 tháng 10 năm 2011.

Một số người công giáo thủ cựu khác lại hy vọng rằng Ðức thánh cha sẽ lợi dụng Ngày gặp gỡ liên tôn để mạnh mẽ khẳng định vai trò cứu rỗi độc nhứt vô nhị của Giáo hội.

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page