Phản ứng của Tòa thánh

trước cái chết của đại tá Gadhafi

 

Phản ứng của Tòa thánh trước cái chết của đại tá Gadhafi.

Lybia [National Catholic Register 20/10/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tòa thánh bày tỏ phản ứng trước cái chết của nhà độc tài Moammar Gadhafi và cam kết tiếp tục giúp đỡ Libya.

Trong một tuyên ngôn được cho công bố chiếu thứ năm 20 tháng 10 năm 2011, khi vừa được tin đại tá Gadhafi đã bị giết chết, Tòa thánh nói rằng "tin tức về cái chết của đại tá Moammar Gadhafi chấm dứt giai đoạn quá lâu dài và bi thảm của cuộc chiến đẫm máu để lật đổ một chế độ đàn áp tàn bạo".

Tuyên ngôn của Tòa thánh viết tiếp: "biến cố bi thảm buộc chúng ta phải một lần nữa suy nghĩ về cái giá của sự đau khổ vô biên của con người tiếp theo sự thiết lập và sụp đổ của bất cứ chế độ nào không xây dựng trên sự tôn trọng và phẩm giá con người, mà chỉ dựa trên quyền lực".

Tin tức về những chi tiết xoay quanh cái chết của nhà độc tài có nhiều mâu thuẩn.

Theo hãng thông tấn Reuters, một nguồn tin nói rằng ông Gadhafi đã bị bắt sống và vì chống cự với những người bắt giữ ông cho nên ông đã bị đánh đập cho đến chết. Nhưng Hội đồng chính phủ lâm thời nói với hãng tin Reuters rằng ông Gadhafi đã bị bắt và đã bị giết chết trong một cuộc chạm súng giữa những người ủng hộ ông và phe chính phủ. Ông bị bắn vào đầu và qua đời vì vết thương này.

Tòa thánh loan báo rằng Tòa thánh sẽ nhìn nhận chính phủ lâm thời như là chính phủ chính đáng của nhân dân Libya, chiếu theo công pháp quốc tế.

Tuyên ngôn của Tòa thánh không nói nhiều về đại tá Gadhafi mà chỉ chú trọng đến tương lai của Libya.

Tuyên ngôn có đoạn viết: "Chúng ta phải hy vọng rằng, nhờ tránh được cho nhân dân Libya khỏi những cuộc bạo động do tinh thần báo thù hay thù hận, các nhà lãnh đạo mới có thể càng sớm càng tốt bắt tay vào công cuộc bình định và tái thiết, trong tinh thần không loại trừ và dựa trên công lý và pháp luật."

Tòa thánh cũng bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng thế giới sẽ cam kết "quảng đại giúp đỡ tại thiết xử sở" này.

Kể từ khi bùng nổ cuộc nổi dậy chống lại chế độ của nhà độc tài Gadhafi hồi đầu năm 2011, Cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại Libya, nhờ điều khiển một số trung tâm chăm sóc và bệnh viện tại đây, đã săn sóc cho nhiều người bị thương. Tòa thánh bảo đảm với nhân dân Libya rằng Giáo hội sẽ tiếp tục làm chứng và phục vụ một cách vô vị lợi, nhứt là trong lãnh vực bác ái và y tế.

Tòa thánh cũng cam kết xử dụng tất cả mọi phương thế có trong tay để nâng đỡ nhân dân Libya "trong các quan hệ quốc tế, với tinh thần thăng tiến công lý và hòa bình".

Theo tuyên ngôn đươc Tòa thánh cho công bố hôm thứ Năm 20 tháng 10 năm 2011, kể từ khi chế độ độc tài của đại tá Gadhafi sụp đổ hồi tháng 8 năm 2011, Tòa thánh đã nối lại các mối liên lạc với Libya. Các nhà ngoại giao cấp cao của Tòa thánh đã bắt liên lạc với các nhà ngoại giao Libya. Riêng Sứ thần Tòa thánh tại Libya, vốn thường trú tại Malta, cũng đã đến Tripoli hồi đầu tuần này để nói chuyện với thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao của Hội đồng chính phủ lâm thời.

Trong những cuộc gặp gỡ này, Tòa thánh nói rằng Tòa thánh đã lợi dụng cơ hội để bày tỏ sự ủng hộ dành cho nhân dân Libya và chính phủ lâm thời, đồng thời cũng cầu chúc chính quyền mới thành công trong công cuộc tái thiết đất nước.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo mới của Libya cũng "đánh giá cao các lời kêu gọi nhân đạo của Tòa thánh và các hoạt động của Giáo hội tại Libya, nhứt là trong các bệnh viện và các trung tâm chăm sóc của 13 Cộng đồng Công giáo trên toàn quốc".

Trong suốt cuộc chiến tại Libya giữa quân đội của ông Gadhafi và quân nổi dậy, Ðức thánh cha đã không ngừng kêu gọi đối thoại và các hoạt động ngoại giao để tái lập hòa bình cho quốc gia Bắc Phi này.

Ðức thánh cha đã quan tâm một cách đặc biệt đối với thường dân bị mắc kẹt trong các cuộc giao tranh. Ngài không ngừng kêu gọi để cho thường dân được hưởng sự trợ giúp nhân đạo và thúc đẩy các nước láng giềng tỏ ra quảng đại trong việc tiếp nhận người tỵ nạn Libia.

Cộng đồng Công giáo tại Libia có khoảng 50 ngàn người, phần lớn là người Libya gốc Ý và gốc Malta. Ngoài ra cũng có một số di dân lao động đến từ một số nước Á châu như Phi luật tân và Ấn độ.

Nhà thờ "Santa Maria degli Angeli" [Ðức Mẹ các thiên thần] trong thành phố cổ Medina, Tripoli, đã được xây cất từ năm 1645. Năm 1858, với phép của quốc vương hồi giáo Constantinople, nhà thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm được xây cất tại Benghazi. Trước đệ nhị thế chiến, con số người công giáo gia tăng đáng kể tại Libya nhờ cuộc thực dân của Ý. Nhưng nay, nhà thờ chính tòa Tripoli, được xây cất vào thập niên 30, đã biến thành một đền thờ hồi giáo.

Hiện có ba tòa Ðại diện Tông tòa tại Benghazi, Derna và Tripoli và một Phủ doãn Tông tòa tại Misrata.

Cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại Libya được cai quản bởi hai Giám mục, một tại Tripoli là Ðức cha Giovanni Martinelli, phục vụ cộng đồng Ý tại nhà thờ thánh Phanxico ở Dhahra và một tại Benghazi là Ðức cha Sylvester Carmel Magro, phục vụ cộng đồng Malta tại nhà thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm.

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page