Tòa thánh và cuộc khủng hoảng

của chức linh mục công giáo

 

Tòa thánh và cuộc khủng hoảng của chức linh mục công giáo.

Hoa kỳ [CNA 11/10/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tòa thánh đã lên tiếng minh định về cuộc khủng hoảng của chức linh mục công giáo như thường được trình bày trên các phương tiện truyền thông.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo CNA, Ðức hồng y Mauro Piacenza, bộ trưởng bộ giáo sĩ vừa trả lời một số thắc mắc liên quan đến điều được gọi là "cuộc khủng hoảng" của chức linh mục công giáo, đồng thời kêu gọi mỗi một linh mục hãy trung thành đáp trả lại ơn gọi của mình.

Ðức hồng y Piacenza sinh năm 1944 tại Genoa, Ý. Ngài chịu chức linh mục năm 1969. Năm 2003, ngài được bổ nhiệm vào ủy ban tòa thánh đặc trách về tài sản văn hóa của Giáo hội và được tấn phong giám mục cùng năm. Năm 2007, ngài được bổ nhiệm làm thư ký bộ truyền giáo và năm 2010, lên thay thế Ðức hồng y Claudio Hummes trong chức vụ bộ trưởng bộ giáo sĩ và được nâng lên bậc hồng y ngày 20 tháng 11 năm 2011.

Nhân dịp đến Los Angeles, bang California, Hoa kỳ để tham dự một cuộc gặp gỡ với các linh mục tổng giáo phận, Ðức hồng y Piacenza đã dành cho hãng thông tấn CNA một cuộc phỏng vấn qua đó ngài trả lời một số thắc mắc liên quan đến điều được gọi là cuộc khủng hoảng của linh mục công giáo ngày nay.

Trước hết, ngài khẳng định rằng Giáo hội không nên che đậy, nhưng nếu cần, phải khiêm tốn và thành thật nhìn nhận những sai lầm của mình và tìm cách sửa sai.

Ðứng trước sự thất vọng của nhiều người công giáo khi chứng kiến những tai tiếng về lạm dụng tình dục trong Giáo hội, Ðức hồng y bộ trưởng bộ giáo sĩ nhìn nhận rằng, về phương diện con người, có thể hiểu được sự thất vọng ấy của người công giáo. Chính Ðức thánh cha Benedicto XVI đã nhìn nhận điều đó trên chuyến bay từ Roma đến Ðức dạo tháng 9 năm 2011. Nhiều người công giáo không còn cảm thấy thuộc về một Giáo hội với những hành vi tồi bại như thế. Tuy nhiên, cũng trong dịp này, Ðức thánh cha đã mời gọi chúng ta đi vào cốt lõi bản tính của Giáo hội, thân thể sống động của Chúa Kito Phục Sinh.

Theo Ðức hồng y Piacenza, những tội bỉ ổi nhứt của một số người không hề hạ giảm giá trị của những hành động tốt của nhiều người hay thay đổi bản tính Giáo hội. Dĩ nhiên, những tội lỗi tày trời ấy có thể hạ giảm tính khả tín của Giáo hội. Do đó, chúng ta không ngừng được kêu gọi để hoán cải. Ngài nói: "Chúng ta cần phải nhớ rằng để thực sự là những người đáng tin, chúng ta cần phải là những người "tin" thật sự".

Khi được hỏi: liệu Giáo hội có nên "cải tổ hàng giáo sĩ công giáo" không, chẳng hạn như phong chức linh mục cho những người có gia đình, Ðức hồng y đứng đầu bộ giáo sĩ trả lời rằng giải pháp này còn tệ hại hơn và sẽ đảo lộn Tin mừng. Theo ngài, đề nghị như thế là cho rằng các linh mục thánh thiện trong những thế kỷ trước chỉ là những người bất thường và sự thánh thiện chỉ là một ảo tưởng.

Ðức hồng y Piacenza giải thích: "Ơn gọi có nghĩa là một tiếng gọi và Chúa tiếp tục kêu gọi, nhưng chúng ta cần phải biết lắng nghe và để lắng nghe, chúng ta không nên bịt tai lại. Chúng ta cần phải biết thinh lặng. Chúng ta cần phải nhìn thấy những mẫu gương và các dấu chỉ. Chúng ta cần phải đến gần với Giáo hội như là Thân Thể trong đó luôn diễn ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kito".

Trích dẫn lời của Ðức thánh cha, Ðức hồng y nói rằng chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng giữa Nước Chúa và thế gian. Một hàng giáo sĩ đích thực là một hàng giáo sĩ không bị tục hóa và không chìu theo những thói tục và cách thế chóng qua của thế gian.

Ðề cập đến đề nghị phong chức linh mục cho phụ nữ, người đứng đầu bộ giáo sĩ khẳng định rằng Tông truyền đã rất rõ ràng về vấn đề này. Truyền thống liên tục của Giáo hội luôn nhìn nhận rằng Giáo hội đã không bao giờ nhận được lệnh truyền của Chúa Kito để truyền chức linh mục cho phụ nữ. Không thể biện minh cho đề nghị này dù dưới khía cạnh lịch sử hay tín lý. Giáo hội không thể làm điều đó bởi vì Giáo hội không có quyền làm điều đó. Ðức hồng y nói: "Giáo hội không có quyền hơn Chúa Kito".

Ngài lập lại rằng trong Giáo hội Công giáo cũng như Chính thống, chức linh mục chỉ dành cho nam nhân. Ðây không phải là một hành động kỳ thị đối với phụ nữ, mà chỉ là hậu quả tất yếu của mầu nhiệm nhập thể và dưới ánh sáng của thần học thánh Phaolo về nhiệm thể Chúa Kito, trong đó mỗi người đều có vai trò của mình và được thánh hóa trong địa vị của mình.

Ðề cập đến sự gia tăng dân số công giáo, Ðức hồng y Piacenza nói rằng nhìn chung Giáo hội Công giáo gia tăng trên thế giới, nhứt là nhờ những đóng góp của Á châu và Phi Châu. Các Giáo hội trẻ tại hai lục địa này mang lại sự tươi trẻ cho đức tin.

Với một tinh thần lạc quan thiết thực, Ðức hồng y bộ trưởng bộ giáo sĩ nhìn nhận rằng trong Giáo hội lúc nào cũng có vấn đề, nhưng cần phải nhìn về phía trước với một niềm hy vọng lớn lao. Ngài giải thích rằng Công đồng Vatican II chính là một sinh khí đã được Thánh Thần thổi vào thế giới xuyên qua những cánh cửa sổ của Giáo hội. Cùng với sinh ấy, tinh thần thế tục cũng được thổi vào khiến làm cho lá rụng khắp nơi. Do đó, cần phải tái lập trật tự bằng cách mạnh mẽ khẳng định tính tối thượng của Chúa Kito Phục Sinh, hiện diện trong Thánh Thể.

Ðức hồng y nói: "Tôi mơ ước sẽ có ngày không một giáo phận nào mà không có ít nhứt một nhà thờ hay một giáo xứ có chầu Thánh Thể đêm ngày".

Theo ngài, đây chính là bầu khí của cuộc cải tổ Giáo hội, bầu khí của sự thánh hóa hàng giáo sĩ và gia tăng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Ðây chính là bầu khí gia tăng các gia đình kito như những giáo hội tại gia thật sự. Ðây là bầu khí hợp tác giữa giáo dân và hàng giáo sĩ. Chúng ta phải thực sự tin tưởng điều đó".

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page