Hiện tình của Giáo hội Công giáo Ðức

trước chuyến viếng thăm

của Ðức Thánh cha Benedicto XVI

 

Hiện tình của Giáo hội Công giáo Ðức trước chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha Benedicto XVI.

Ðức Quốc (Apic 19/09/2011) - Nhân chuyến viếng thăm quê hương cách chính thức của Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI, từ ngày 22 đến 25 tháng chín năm 2011, Văn Phòng Thống Kê Trung Ương của Giáo Hội công giáo Ðức cho biết rằng: Giáo Hội Công Giáo tại Ðức Quốc hiện có 24 triệu tín hữu trên tổng số 81 triệu dân, tức 30% dân số.

Cũng theo con số thống kê của Văn Phòng này, thì Giáo Hội công giáo tại Ðức hiện có 113 giám mục, 17,274 linh mục, trong số này có 12,994 linh mục triều và 4,280 linh mục dòng. Con số chủng sinh hiện tại là 1,150 chủng sinh.

Trên bình diện giáo dục, Giáo Hội Công giáo tại Ðức hiện có 8,591 trường mẫu giáo, thu nhận tổng số 615,600 trẻ nhỏ; có 817 trường trung học thu nhận 374,000 học sinh; và có 31 đại học và học viện thu nhận 24,500 sinh viên.

Trên bình diện bác ái xã hội, Giáo Hội công giáo tại Ðức hiện có 444 bệnh viện, 1,368 viện phát thuốc, 2,804 nhà dưỡng lão, 1,172 viện mồ côi, 2,176 trung tâm y tế gia đình phục vụ sự sống con người.

Ðặc biệt, tại Ðức Quốc, luật pháp nhà nước có điều khoản về "thuế tôn giáo", đánh trên thu nhập cá nhân của người sống niềm tin tôn giáo. Ðồng thời cũng có một thể thức pháp lý để một công dân có thể tuyên bố mình không tin và từ đó không đóng thuế tôn giáo nữa.

Giáo Hội Công Giáo tại Ðức hiện nay đang phải đối diện với hiện tượng "tín hữu xin ra khỏi giáo hội". Theo ước tính của Hội đồng Giám mục Ðức, thì trong năm 2010, đã có tổng cộng 181,193 tín hữu "chính thức" làm thủ tục xin ra khỏi giáo hội và như thế không đóng thuế tôn giáo nữa.

Ðược biết, tổng số anh chị em tín hữu Tin lành tại Ðức, thuộc nhiều hệ phái khác nhau, chiếm khoảng 30% dân số, và khoảng 30% dân số còn lại sống theo những niềm tin tôn giáo khác, như do thái giáo, hồi giáo, và những anh chị em không tin theo tôn giáo nào cả (vô thần).

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page