Sự kiện ngày 11 tháng 9

truyền cảm hứng cho cuộc đối thoại

giữa người Ấn giáo, người Hồi giáo

và Kitô hữu

 

Sự kiện ngày 11 tháng 9 truyền cảm hứng cho cuộc đối thoại giữa người Ấn giáo, người Hồi giáo, và Kitô hữu.

Kathmandu, Nepal (AsiaNews 12-9-2011) - Trong bản tin phát đi hôm 12 tháng 09 năm 2011, hãng tin Asianews cho biết rằng vào ngày tưởng niệm năm thứ 10 của cuộc tấn công vào Tòa Tháp Ðôi ở New York, các lãnh đạo tôn giáo kêu gọi chính quyền và người dân Nepal hãy làm việc với nhau, để biến Nepal thành một nhà nước thế tục, nơi mà tất cả các tôn giáo được tôn trọng.

Ðối với các lãnh đạo tôn giáo Hồi giáo, Kitô giáo, Ấn giáo và đạo Ba'hai ở Nepal, ngày tưởng niệm 11 tháng 9 là một cơ hội để thúc đẩy hòa bình và hòa hợp, giữa các tôn giáo khác nhau và chống lại tất cả các hình thức của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Ông Shamin Ahamad, một người Hồi giáo, nói rằng đối với tất cả người Hồi giáo tin vào hòa bình và đối thoại, ngày 11 tháng 9 năm 2001 tượng trưng cho một sự sỉ nhục. Ông chia sẻ: "Trong ít năm qua, một nhóm thiểu số cực đoan đã phổ biến một ý tưởng sai lầm về đạo Hồi. Cộng đồng Hồi giáo của Nepal đã luôn luôn chống khủng bố".

Theo ông Nazrul Hussein, Tổng thư ký của Hội đồng liên tôn Nepal, cuộc tấn công bi thảm vào Tòa Tháp Ðôi Trung Tâm Thương Mại quốc tế đã làm cho các tôn giáo khác nhau tại Nepal xích lại gần nhau hơn. Trích dẫn bài phát biểu hôm Chúa nhật vừa qua của Ðức Thánh cha Benedicto XVI tại Ancona, nước Ý, ông Nazrul Hussein nói rằng thách thức ngày hôm nay "là tạo ra sự đoàn kết tôn giáo", để duy trì sự gần gũi ấy thông qua giáo dục hòa bình và đối thoại liên tôn.

Ông Damordar Pandey, một lãnh đạo cấp cao của Ấn Ðộ giáo, cũng ủng hộ ý kiến của ông Nazrul Hussein khi khẳng định rằng đối thoại và hiểu biết lẫn nhau là con đường duy nhất cho sự hòa hợp giữa người Hồi giáo, Kitô hữu và người Ấn giáo.

Riêng ông Isu Jung Karki, một Kitô hữu và điều phối viên của Phong trào Bảo vệ Thế tục Liên tôn, thì lưu ý mọi người rằng với tư cách là một quốc gia, Nepal được chúc phúc thật nhiều. Thật vậy, ông giải thích, trái với các quốc gia châu Á khác, bị xâu xé bởi hận thù cộng đồng, ở Nepal "mọi người cởi mở hơn và các tôn giáo khác nhau biết chấp nhận nhau hơn. Do vậy, chúng ta phải chăm sóc các hạt giống của lòng khoan dung ấy, đồng thời chống lại chủ nghĩa cực đoan nhằm thúc đẩy tiến đến xây dựng một nhà nước thế tục."

Ðược biết, tại Nepal, người Ấn giáo, Hồi giáo, Kitô hữu, Phật tử và người đạo Ba'hai, đã sống cạnh nhau trong nhiều thế kỷ. Sự sụp đổ của chế độ quân chủ vào năm 2006 và sự thành lập một nhà nước thế tục đã củng cố mối quan hệ của họ. Tuy nhiên, kể từ đó, đất nước cũng phải đối phó với mối đe dọa của khủng bố, đặc biệt là từ người Ấn giáo. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2009, một nhóm Ấn giáo cực đoan tự xưng là Quân đội phòng vệ Nepal đã kêu gọi Nhà vua trở lại cầm quyền. Nhóm này cũng đã thực hiện các cuộc tấn công chống lại các nhà thờ và đền thờ Hồi giáo. Các vụ tấn công tồi tệ nhất là hồi năm 2008, lúc họ tấn công đền thờ Hồi giáo Birantnagar, và năm 2009, khi họ chống lại Nhà thờ chánh tòa Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Giáo hội Công giáo ở Kathmandu.

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page