Công đồng Vatican II

và quyền bính của giám mục

 

Công đồng Vatican II và quyền bính của giám mục.

Trung quốc [Chiesa 22/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hiện nay, tại Trung quốc ngày càng có nhiều giám mục mà người ta thường gọi một cách mỉa mai là "quan lại".

Quan lại chỉ những giám mục nào, thay vì hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phero, lại được nhà nước bổ nhiệm và cư xử như các viên chức nhà nước. Nói cách khác, các vị này được truyền chức với sự ủy nhiệm của nhà nước, nhưng không có phép của Ðức giáo hoàng.

Kể từ năm 2006, người ta không còn thấy những vụ truyền chức giám mục bất hợp pháp tại Trung quốc nữa. Tất cả các vị tân giám mục đều được cả Tòa thánh lẫn nhà nước nhìn nhận.

Mùa hè năm 2010, việc thống nhứt hai nhánh Giáo hội "công khai" và "thầm lặng" tưởng đã được thực hiện. Con số các giám mục không hiệp thông với Tòa thánh và Giáo hội hoàn vũ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Thế rồi, bỗng nhiên, mùa thu năm 2010, sự hài hòa giữa hai nhánh Giáo hội tan vỡ. Chính quyền cộng sản Trung Quốc củng cố hai tổ chức nằm dưới ô dù của mình là Hội công giáo Ái quốc và cái gọi là "hội đồng giám mục Trung quốc". Cả hai tổ chức này đều bị Ðức thánh cha xem như không phù hợp với Giáo lý Công giáo. Chính quyền cộng sản Bắc Kinh đã đặt những vị giám mục phục tùng họ vào các chức vụ lãnh đạo của hai tổ chức nói trên. Trong số các vị này, tiếc thay lại cũng có những giám mục được Tòa thánh nhìn nhận và hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ. Xuyên qua các vị này, chính quyền cộng sản Trung quốc tái lập việc bổ nhiệm giám mục mà không cần có phép của Tòa thánh.

Cho tới nay đã có 3 vụ truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh: một diễn ra tại Chengde dạo tháng 11 năm 2010, vụ thứ hai diễn ra ngày 29 tháng 6 năm 2011 tại Leshan và vụ thứ ba tại Shantou ngày 14 tháng 7 năm 2011.

Theo dự trù sẽ có thêm những vụ truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh trong thời gian sắp tới.

Các phát ngôn viên của chế độ cộng sản Trung quốc cho biết có khoảng 40 giáo phận trống ngôi đang cần có giám mục và các giám mục mới sẽ được nhà nước chọn và bổ nhiệm mà không cần có phép của Tòa thánh.

Can dự vào việc đoạn tuyệt với Tòa thánh không chỉ có các linh mục được tấn phong giám mục, mà còn có những vị giám mục đã đặt tay tấn phong cho họ.

Giáo luật hiện hành khoản 1382 ra vạ tuyệt thông tức khắc cho người chịu chức lẫn người phong chức mà không có phép của Tòa thánh. Ðây là địều mà Toà thánh đã nhiều lần tái khẳng định trong các tuyên ngôn được cho công bố sau các vụ truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh.

Tuy nhiên, một cách cẩn trọng, Tòa thánh chỉ công bố vạ tuyệt thông cho các linh mục đã được truyền chức giám mục. Tòa thánh yêu cầu các vị giám mục tham dự lễ truyền chức phải báo cáo những lý do tại sao họ tham dự.

Tưởng cũng nên nhắc lại: xét về mặt bí tích, việc truyền chức giám mục cho các giám mục "quan lại" này là thành sự. Các thánh lễ do các vị cử hành cũng thành sự. Có thiếu chăng là thiếu sự hiệp thông với đấng kế vị thánh Phero mà thôi. Chính vì vậy mà các vị giám mục được truyền chức không có phép của Tòa thánh không có bất cứ quyền bính nào trong giáo phận họ được nhà nước chỉ định để cai quản.

Các vị đã là giám mục, những không có quyền cai quản, vốn là một thứ quyền mà chỉ có Ðức giáo hoàng mới có thể ủy thác cho.

Ðây chính là giáo lý của Giáo hội như được qui định trong Công đồng Vatican II.

Ngày 16 tháng 11 năm 1964, các vị nghị phụ công đồng đã thảo luận về chuơng ba của bản dư thảo Hiến Chế "Ánh sáng Chúa Kitô" về mầu nhiệm Giáo hội. Số hai của chương này khẳng định rằng để trở thành giám mục cần phải được tấn phong. Nhưng để có thể thực thi quyền bính do việc truyền chức mang lại, vị giám mục cần phải nhận lãnh "quyết định tài phán" từ Quyền bính tối cao của Giáo hội.

Ðiểm này đã gặp nhiều vị "cấp tiến" phản đối. Hai năm sau, ngay cả nhà thần học người Bỉ, Gerard Philips, người đã góp phần soạn thảo đoạn này, cũng than phiền về tính cách "vị luật" của đoạn này. Theo cha Philips, đoạn này có thể "bóp nghẹt tinh thần hiệp thông bác ái" trong Giáo hội.

Ngoài ra, trong số các chuyên gia công đồng, người ta cũng ghi nhận rằng một nhà thần học trẻ người Ðức là Joseph Ratzinger cũng đã góp phần làm sáng tỏ đoạn này.

Ðể làm sáng tỏ đoạn văn trên đây và cách giải thích về quyền bính của giám mục, giáo sư Ratzinger đã gặp giáo sư Giuseppe Alberigo, một đại diện của cha Giuseppe Dossetti, lãnh tụ của phe cấp tiến. Các vị đã cùng nhau soạn thảo một bài diễn văn cho Ðức hồng y Joseph Frings để đề nghị mang chương ba ra thảo luận. Ðồng thời, một nhóm giám mục, trong đó có hàng trăm giám mục Phi Châu, cũng đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư gởi lên Ðức giáo hoàng để yêu cầu loại bỏ chương ba ra khỏi bản dự thảo của Hiến Chế.

Nhưng cuối cùng điều này đã không xảy ra. Chương ba của Hiến Chế "Ánh sáng muôn dân" với đoạn nói về quyền bình của giám mục đã được đại đa số các nghị phụ công đồng thông qua.

Về sau giáo sư Ratzinger ghi nhận rằng mình đã có công đánh bại chủ trương "cấp tiến" cũng như xoa dịu được thiểu số bảo thủ trong công đồng, nhờ vậy Hiến Chế được các nghị phụ đồng thanh bỏ phiếu thông qua.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page