Nỗi lòng của Ðức thánh cha

trước hiện tình Giáo hội tại Trung quốc

 

Nỗi lòng của Ðức thánh cha trước hiện tình Giáo hội tại Trung quốc.

Trung quốc [Asianews 14/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chỉ vài giờ sau khi linh mục Joseph Huang Bingzhang được truyền chức giám mục trong một nghi lễ được cử hành không có phép của Tòa thánh tại giáo phận Shantou, Trung quốc hôm thứ Năm 14 tháng 7 năm 2011, cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa thánh, nói với các ký giả rằng Tòa thánh đã theo dõi sát biến cố này với "đau buồn và quan ngại".

Cha Lombardi nói rằng Tòa thánh đã bày tỏ "lập trường và những cảm xúc của Ðức thánh cha và Tòa thánh đối với" những cuộc truyền chức tương tự trước đó". Cha khẳng định rằng đây là một "hành vi đi ngược lại với sự hiệp nhứt của Giáo hội hoàn vũ".

Nỗi đau buồn và mối quan ngại của Ðức thánh cha đã được bày tỏ qua những lời mà ngài đã nói vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần hôm 18 tháng 5 năm 2011, khi ngài kêu gọi các tín hữu kitô trên toàn thế giới hãy cầu nguyện " cho các anh em giám mục của chúng ta" là những người đang "đau khổ và chịu áp lực khi thi hành tác vụ giám mục của mình". Ðức thánh cha nói: "Tôi cầu xin Ðức Maria soi sáng những ai đang sống trong nghi ngờ, kêu gọi những kẻ lầm lạc trở về, an ủi những kẻ đau buồn, củng cố những kẻ đang bị lung lạc vì miếng mồi của cơ hội chủ nghĩa".

Kể từ tháng 11 năm 2010, Trung quốc đã quyết định tiến hành việc bầu chọn và phong chức giám mục mà không cần có sự ủy nhiệm của Ðức giáo hoàng. Trước hết là vụ truyền chức cho linh mục Guo Jincai tại Chengde hồi tháng 11 năm 2010. Kế đó là trường hợp cha Paul Lei Shiyin tại Leshan hôm 29 tháng 6 năm 2011. Và mới nhứt là cha Joseph Huang Bingzhang, tại Shantou hôm thứ Năm 14 tháng 7 năm 2011. Theo dự trù, như Hội công giáo ái quốc Trung quốc đã loan báo, sẽ có nhiều vụ truyền chức không có phép của Tòa thánh trong tương lai.

Theo giáo luật, người được truyền chức giám mục và giám mục chủ phong không có phép của Tòa thánh đều tức khắc bị vạ tuyệt thông. Nhiều giám mục Trung quốc, như mới xảy ra trong vụ truyền chức tại Shantou, đã bị cuỡng bách phải tham dự nghi lễ. Giáo luật dự trù có sự giảm khinh trong trường hợp này. Nhưng dù thế nào đi nữa, đã có trên 12 vị đang ở trong hoàn cảnh có thể tạo ra gương mù gương xấu và gây chia rẽ trong cộng đồng Giáo hội.

Sở dĩ Ðức thánh cha "đau buồn và quan ngại" là vì , mặc dù nhà nước cộng sản Trung quốc cố tìm đủ mọi cách để thống trị Giáo hội tại Trung quốc, chân phước Gioan Phaolo II và Ðức thánh cha Benedicto XVI vẫn không ngừng tìm cách hàn gắn những rạn nứt giữa Giáo hội thầm lặng và Giáo hội công khai. Một Giáo hội bị chia rẽ đương nhiên bị cản trở trong công cuộc rao giảng Tin mừng đã đành, Giáo hội này cũng không thể bảo đảm được quyền và không gian cho tự do tôn giáo như chính hiến pháp của Cộng hòa nhân dân Trung quốc bảo đảm.

Cần phải nói rằng đứng trước tham vọng của chính quyền cộng sản Trung quốc muốn khống chế Giáo hội, nhiều tín hữu và giám mục Trung quốc đã tỏ ra can đảm hơn: nhiều trang mạng công giáo tại Trung quốc đã cho phổ biến các tài liệu của Tòa thánh, ngay cả những tài liệu có nội dung chỉ trích chính phủ Bắc Kinh. Con số các giám mục chống lại các cuộc truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh ngày càng gia tăng.

Ðức thánh cha "đau buồn và quan ngại" cho số phận của các vị giám mục này. Chẳng hạn, vì cuộc truyền chức bất hợp pháp tại Shantou hôm thứ Năm 14 tháng 7 năm 2011, Ðức cha Paul Pei Junmin, giám mục Liaoning, người đã được Ðức thánh cha bổ nhiệm và được truyền chức lén lút hồi năm 2006, đã không được phép rời khỏi nhà. Về phần các linh mục giáo phận, các ngài đã qui tụ lại tại nhà thờ chính tòa để cầu nguyện và bảo vệ để giám mục của mình khỏi bị bắt cóc.

Một vị chủ chăn khác là Ðức cha Cai Bingrui, giám mục Xiamen, đã phải lẫn trốn. Chính quyền địa phương đã ra lệnh truy nả ngài. Dạo tháng 12 năm 2010, một vị giám mục khác là đức cha Li Lianghui, giám mục Cangzhou, tỉnh Hebei, cũng đã phải đi trốn để khỏi phải tham dự Ðại hội công giáo tòan quốc tại Bắc Kinh. Công an đã săn lùng ngài trong nhiều ngày như một tội phạm. Sau khi tìm ra ngài, họ đã biệt giam ngài nhiều tháng để tẩy não và thuyết phục ngài rằng Ðảng cộng sản luôn có "hảo ý" đối với Giáo hội.

Với những diễn tiến trên đây, chắc chắn Ðức thánh cha không thể không "đau buồn và quan ngại". Tuy nhiên, xem ra ít có người chia sẻ "nỗi lòng" của Ðức thánh cha. Chẳng hạn, ngày 18 tháng 5 năm 2011 đã được Ðức thánh cha tuyên bố là Ngày Thế Giới cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc. Nhưng theo ghi nhận của hãng thông tấn Asianews, trên khắp thế giới chỉ có một số ít giáo phận cầu nguyện theo ý chỉ này mà thôi.

Theo nhận định của linh mục Bernardo Cervellera, giám đốc hãng thông tấn Asianews, xã hội dân sự lại càng tỏ ra hờ hững hơn trước lời kêu gọi của Ðức thánh cha. Hiện nay, cá heo trắng trong dòng sông Yangtze, vì bị đe dọa sẽ biến mất bởi nạn ô nhiễm tại Trung quốc, đã tạo ra nhiều quan tâm hơn là tự do của dân chúng đang sống trong một quốc gia đang có ý đồ thống trị thế giới. Thế giới ngày nay vẫn tiếp tục ve vãn Cộng hòa nhân dân Trung quốc, mặc cho nước này có chà đạp nhân quyền.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page