Vấn đề " vạ tuyệt thông" đối với

các đức giám mục tham dự

các cuộc truyền chức giám mục

không có phép của Tòa thánh

 

Vấn đề "vạ tuyệt thông" đối với các đức giám mục tham dự các cuộc truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh.

Trung quốc [Ucanews 11/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày 4 tháng 7 năm 2011, Tòa thánh đã công bố một tuyên ngôn về việc truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh tại Leshan, Trung quốc, ngày 29 tháng 6 năm 2011.

Kể từ năm 1958, sau khi Hội công giáo ái quốc Trung quốc tiến hành phong chức giám mục không có phép của Tòa thánh, thì đây là lần đầu tiên Tòa thánh đã công khai tuyên bố vạ tuyệt thông dành cho linh mục Paul Lei Shiyin, người đã được truyền chức giám mục không hợp lệ tại Leshan.

Ngày 6 tháng 6 năm 2011, trước khi linh mục Lei được truyền chức giám mục, Hội đồng Tòa thánh về việc giải thích các bản văn giáo luật cũng đã cho công bố một tài liệu trình bày chi tiết về việc áp dụng điều 1382 của Giáo luật hiện hành, liên quan đến các hình phạt và vạ tuyệt thông.

Gần đây nhứt, hôm thứ Ba 12 tháng 7 năm 2011, Bộ truyền giáo cũng đã cho công bố một tài liệu để trả lời cho những thắc mắc của các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Trung quốc về vấn đề "vạ tuyệt thông".

Trở lại với văn kiện của Hội đồng Tòa thánh về việc giải thích các bản văn giáo luật. Mặc dù văn kiện được áp dụng cho Giáo hội phổ quát, bởi vì việc truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh cũng diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng ai cũng biết rằng văn kiện này nhắm một cách đặc biệt vào Giáo hội tại Trung quốc.

Trong văn kiện, Hội đồng Tòa thánh về việc giải thích các bản văn giáo luật đã tỏ ra rất "cẩn trọng" trong việc giải thích và làm sáng tỏ giáo luật. Chắc chắn, Hội đồng này đã có lý do để tỏ ra cẩn trọng như thế. Nhưng phần lớn các tín hữu Trung quốc, kể cả hàng giáo sĩ, vẫn chưa hiểu được cách giải thích của các nhà giáo luật.

Hồi tuần qua, sau khi Tòa thánh đã công khai tuyên bố vạ tuyệt thông cho cha Lei, nhiều cuộc trao đổi trên diễn đàn Internet đã xoay quanh vấn đề này. Qua các trao đổi này, rất nhiều người công giáo Trung quốc hiều lầm rằng bị vạ tuyệt thông có nghĩa là bị "trục xuất ra khỏi Giáo hội".

Ðược trích thuật trên hãng thông tấn Ucanews, một linh mục Trung quốc có bằng tiến sĩ giáo luật tại hải ngoại giải thích rằng vạ tuyệt thông chỉ có giá trị "chữa trị" mà thôi. Người bị tuyên bố công khai bị vạ tuyệt thông được mời gọi sám hối vì hành vi tội lỗi công khai của mình. Một khi người này hối cải và bày tỏ sự hối cải với giáo quyền, thì người đó sẽ nhận được tha thứ từ chính giáo quyền.

Nói cách khác, theo nhà giáo luật này, "bị vạ tuyệt thông không hề có nghĩa là bị trục xuất" ra khỏi Giáo hội. Trục xuất ai đó ra khỏi Giáo hội không phải là mục tiêu của Giáo luật.

Theo giải thích của vị linh mục tiến sĩ giáo luật này, "một khi đã lãnh nhận phép rửa, người tín hữu đó sẽ mãi mãi là một tín hữu. Ấn tích thánh này không bao giờ có thể bị xóa bỏ, ngay cả khi người đó rời bỏ Giáo hội".

Ðể hiểu rõ hơn, có thể so sánh người bị vạ tuyệt thông với một người phạm tội ác. Tòa án của bất cứ quốc gia nào cũng đặt ra một hình phạt cho tội nhân, nhưng không bao giờ tuyên bố rằng người đó không còn là công dân của đất nước. Nếu một tội phạm dân sự không bị đối xử như thế thì trong Giáo hội cũng vậy. Cho dẫu bị dứt phép thông công hay bị vạ tuyệt thông, người tín hữu vẫn còn là tín hữu và vẫn là phần tử của Giáo hội. Giáo hội, vốn luôn quảng bá tình yêu của Chúa, không bao giờ trục xuất một phần tử nào vì việc làm sai trái của người đó.

Ngay từ "tuyệt thông" cũng nói lên điều đó. Hiệp thông là hiệp nhứt với Giáo hội và tuyệt thông là mất sự hiệp nhứt với Giáo hội.

Một vấn đề khác cũng tạo nhiều ngộ nhận nơi các tín hữu Trung Quốc đó là số phận của 7 vị giám mục Trung quốc đã tham dự vào lễ truyền chức tại Leshan và đã đặt tay trên đầu linh mục Lei.

Tuyên ngôn của Tòa thánh hôm 4 tháng 7 năm 2011 nói rằng các vị giám mục này đã "tự đặt mình" vào những hình phạt nặng nề như được Giáo luật qui định.

Trường hợp linh mục Lei bị vạ tuyệt thông thì đã rõ ràng, bởi vì Tòa thánh đã có cảnh cáo trước khi diễn ra lễ truyền chức. Tuy nhiên, về các vị giám mục tham dự vào lễ truyền chức, Tòa thánh đòi hỏi phải có nhiều thông tin hơn về mức độ "can dự" của các ngài vào lễ truyền chức.

Theo một nhà giáo luật khác tại Trung quốc, các vị giám mục này đã biết rõ mức độ tham dự của mình. Lương tâm sẽ chỉ rõ cho các vị biết mình có tức khắc bị vạ tuyệt thông không. Tòa thánh đã yêu cầu các vị làm sáng tỏ về sự tham dự của mình và tránh gây gương mù gương xấu trong giáo phận của mình.

Nhà giáo luật xin được dấu tên này nói rằng việc Tòa thánh công khai tuyên bố vạ tuyệt thông là một hành động đau buồn, nhưng cần thiết cho ích lợi của các tín hữu cũng như người vi phạm luật giáo hội.

Cho dẫu không biết các vị giám mục này có tức khắc bị vạ tuyệt thông không, nhưng các vị cũng nên xem xét liệu có nên tiếp tục thi hành chức vụ giám mục theo lương tâm của mình không.

Như bộ truyền giáo đã giải thích, nếu các vị giám mục đã hành động một cách tự do theo lương tâm của mình, thì các vị nên biết là mình đã bị vạ tuyệt thông và như vậy không còn được tiếp tục cử hành các bí tích nữa.

Cũng theo giải thích của Bộ truyền giáo, các vị nên liên lạc với Tòa thánh càng sớm càng tốt để làm sáng tỏ các sự kiện.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page