Cuộc bách hại Giáo hội

tại Trung quốc

 

Cuộc bách hại Giáo hội tại Trung quốc.

Trung quốc [giáo sư Anthony Clark, trang mạng "nữ vương công lý"30/6/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tòa thánh đã chính thức lên án việc truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh tại Leshan, Hebei, Trung quốc hôm 29 tháng 6 năm 2011. Tòa thánh đã lập lại những hình phạt nặng nề dành cho vị giám mục được truyền chức, các đức giám mục tham gia vào lễ truyền chức.

Nhân dịp này, chúng tôi xin được dựa vào một bài viết của giáo sư Anthony Clark để trình bày vài nét về cuộc bách hại mới đối với Giáo hội tại Trung quốc. Giáo sư Clark hiện đang giảng dạy môn lịch sử Trung Hoa tại đại học Whitworth, Hoa kỳ. Ông là tác giả của cuốn sách "Các thánh của Trung Hoa: cuộc tử đạo công giáo dưới triều Thanh, 1644-1911". Bài viết của giáo sư Clark đã được dịch và đăng trên trang mạng "Nữ vương công lý". Chúng tôi xin được tóm tắt những phần chính.

Theo giáo sư Clark, các nhà cầm quyền cai trị của Trung quốc, trong suốt lịch sử lâu dài, thường đánh vào các tín hữu công giáo là cộng đồng đã phát triển đều đặn kể từ khi cha Matteo Ricci thực hiện công cuộc truyền giáo đầu tiên tại Trung quốc cách đây 400 năm. Giáo hội của thế kỷ 21, đã phải đương đầu với những thánh giá mới. Trong những tháng gần đây chính phủ cộng sản nước này đã đặt ra những hạn chế mới đối với Giáo hội.

Trong khi các giám mục Trung quốc vẫn bị áp lực dưới những hạn chế của nhà nước và trong khi nhà cầm quyền tìm cách đào sâu hố chia rẽ giữa hai Giáo hội thầm lặng và công khai, thì các linh mục cũng gặp nhiều khó khăn riêng của mình. Không giống như các cộng đoàn giáo hội trong các thành phố hay đô thị lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quý dương, vốn có một số linh mục thường trú để dâng thánh lễ hằng ngày, các nhà thờ tại nông thôn thường chỉ gặp được linh mục mỗi tháng một lần. Giáo sư Clark nói đến trường hợp giáo phận Thái Nguyên. Trong giáo phận này, các linh mục thường được giao cho việc chăm sóc mục vụ của bốn, năm hoặc sáu nhà thờ lớn, đôi khi cách nhau hàng giờ. Trong giáo phận này, các linh mục thường ngồi tòa giải tội vài giờ đồng hồ tại mỗi điểm dừng trên các tuyến đường của họ, cũng như dâng thánh lễ, dạy các khóa giáo lý, ban bí tích cuối cùng cho các bệnh nhân, chứng nhận hôn phối và giải quyết các tranh chấp không thể tránh khỏi trong các giáo xứ không có linh mục chăm sóc.

Số người công giáo ở Trung quốc đã tăng từ 3 triệu khi cộng sản mới lên nắm chính quyền vào năm 1949 cho đến khoảng 20 triệu người ngày nay, mặc dù hay có lẽ do cách cuộc bách hại không ngớt. Con số ơn gọi cũng gia tăng cùng một nhịp với con số các tín hữu.

Một số linh mục mà giáo sư Clark đã có dịp trao đổi cho biết họ phải chịu hai thứ áp lực. Một là tình trạng làm việc quá tải vì thiếu linh mục. Hai là thường xuyên phải chịu đựng mối quan hệ cực kỳ căng thẳng với giám mục của mình. Các giám mục thuộc Giáo hội công khai đang bị vắt nặn giữa sự o ép của chính phủ và đòi hỏi cấp bách của mục vụ. Kết quả là các giám mục cảm thấy cần phải quản lý chặt chẽ các linh mục của mình vì sợ bị các quan chức quấy rối và các linh mục không tin tưởng vào giám mục của mình, vì cho rằng các giám mục chỉ là những con rối chính trị. Nhiều linh mục bị cám dỗ muốn rời bỏ chức vụ vì không chịu đựng nổi hai áp lực này.

Một linh mục từng được huấn luyện thần học ở Paris, Pháp quốc cho biết chính quyền địa phương không tin tưởng ngài: điện thoại, email, tất cả các phòng của ngài đều bị nghe trộm và các linh mục anh em của ngài luôn lo sợ nếu phải liên lạc với ngài. Giám mục của ngài là một thành viên của Hội công giáo ái quốc, cũng giữ khoảng cách với ngài. Ðây là lý do khiến một số giáo sĩ biến mất dần vào đời sống thế tục.

Việc kiểm soát chính trị ngày càng gia tăng do nhà cầm quyền áp đặt lên Giáo hội cũng tạo ra tình trạng nghi ngờ giữa các tín hữu công giáo.

Giáo sư Clark kể lại rằng ông rất bị ấn tượng khi viếng thăm một nhà thờ tại Côn Minh. Bên trong và bên ngoài nhà thờ đều có treo các áp phích lớn của Ðức giáo hoàng và Tòa thánh. Ðiều ngược đời là giám mục sở tại, Joseph Ma Yinglin, lại là một trong số giám mục được phong chức mà không có phép của Tòa thánh. Giám mục này hiện đang là chủ tịch của Hội công giáo ái quốc Trung quốc.

Gần đây Hội công giáo ái quốc tuyên bố sẽ tự tuyển chọn và tự phong chức giám mục mà không cần có phép của Tòa thánh. Mới nhứt là vụ truyền chức tại Leshan hôm 29 tháng 6 năm 2011. Theo giáo sư Clark, gây rắc rối thêm chính là những vị giám mục đã tham gia vào các cuộc lễ tấn phong không có phép của Tòa thánh. Các vị giám mục này đều là những người đã được Tòa thánh nhìn nhận. Có vị bị cưỡng bách phải tham dự. Nhưng cũng có vị tự ý tham dự.

Giáo sư Clark cho rằng Trung quốc đang tiến hành một cuộc bách hại mới đối với Giáo hội. Ông nhận định: "Chẳng có gì bí mật về việc Karl Marx chống lại tôn giáo định chế. Trong công trình nghiên cứu của ông năm 1843 về triết học Hegel, Marx đã viết: "Cuộc đấu tranh chống lại tôn giáo, do đó, là cuộc đấu tranh gián tiếp chống lại cái thế giới mà hương hoa là tinh thần tôn giáo... Ðây là thuốc phiện của người dân. Việc xóa bỏ tôn giáo như là thứ hạnh phúc ảo tưởng của người dân chính là đòi hỏi cho niềm hạnh phúc thực sự của họ."

Nhưng theo giáo sư Clark, Marx không đòi hỏi việc bách hại tàn nhẫn chống tôn giáo được các chính quyền toàn trị hô hào. Trong trường hợp của Trung Quốc, Giáo hội Công giáo chịu đựng gian khổ vì bản chất tôn giáo của mình, nhưng thậm chí nghiêm trọng hơn, vì nhận thức của nhà nước cho rằng Công giáo là một mối đe dọa cho việc kiểm soát quốc gia.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page