Nạn hạn hán

trong vùng Sừng Phi Châu

 

Nạn hạn hán trong vùng Sừng Phi Châu.

Phỏng vấn ông Davide Signa, chuyên viên của chương trình cộng tác quốc tế về nạn hạn hán và đói kém kéo dài trong vùng Sừng Phi châu.

Phi châu (Avvenire 30-6-2011) - Trong các tháng qua nạn hạn hán mất mùa trong vùng Sừng Phi châu đã khiến cho hàng chục triệu người phải bồng bế nhau di cư chạy trốn cái chết. Hai mùa liên tiếp qúa ít mưa đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực trong một vùng rộng lớn bao gồm các nước Kenya, Somalia, Etiopia và Eritrea. Văn phòng Cao Ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại Genève đã báo động tình trạng nghiệm trọng của hàng triệu người đang cần được trợ giúp nhân đạo cấp thời để có thể sống sót. Trong cuộc họp báo tại Genève, bà Elisabeth Byrs, phát ngôn viên của Văn phòng điều hành cứu trợ nhân đạo, cho biết từ 60 năm qua đã chưa bao gìơ có nạn hạn hán mất mùa trầm trọng trong vùng Sừng Phi Châu như hiện nay. Trong thông cáo phổ biến ngày 27 tháng 6 năm 2011 văn phòng điều hành cứu trợ của tổ chức Liên Hiệp Quốc cho biết "từ năm 1950-1951 tới nay đây là nạn hạn hán trầm trọng nhất. Trong Vùng Sùng Phi châu đã xảy ra một cuộc khủng hoảng thực phẩm với mức thiếu dinh dưỡng rất cao và trong một vài vùng bên Kenya và Somalia đã xảy ra tình trạng "hầu như đói kém". Hơn 10 triệu người đang rơi vào cảnh đói khát, nhất là trong nhiều vùng thuộc các nước Gibuti, Etiopia, Kenya và Uganda. Hiện nay người không thấy có các dấu hiệu cải tiến nào, và tình trạng hạn hán này có thể kéo dài cho tới năm 2012.

Bên cạnh nạn hạn hán là nạn giá cả thực phẩm leo thang chóng mặt tại các nước trong vùng Sừng Phi châu, với các hậu qủa thê thảm cho dân nghèo vốn đã phải sống trong cảnh bần cùng. Bên Kenya trong một vài quận giáp giới với Somalia như Mandera, Ijara và Marsabit giá xăng dầu đã tăng vọt, khiến cho hệ thống chuyên chở lương thực cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt tại các vùng xa xôi hảo lánh. Như tổ chức Lương Nông Quốc Tế đã dự kiến, các thay đổi khí hậu do hiện tượng "La Ninha" gây ra trong mùa vừa qua khiến cho tháng 4 năm 2011 ít mưa hơn. Tất cả mỏi yếu tố kể trên đều khiến cho các nước trong vùng Sừng Phi châu trở thành các vùng dễ bị thương tổn nhất.

Bản đồ hạn hán mất mùa, do Văn phòng điều hợp các trợ giúp nhân đạo của Liên Hiệp Quốc phổ biến, cho thấy một số vùng tại Kenya và Somalia bị coi là "báo động" vì sắp tới mức tai ương đói kém. 15% tổng số dân sống trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Bà Byrs cho biết tuy chưa có số tử vong, nhưng tỷ lệ trẻ em bị chết đói rất cao. Tại Somalia nạn hạn hán và các bạo lực của chiến tranh bắt buộc dân chúng trốn chạy về vùng biên giới với Kenya. Một đàng là luật Sharia, do các lực lượng hồi cực đoan chống chính quyền chuyển tiếp, áp đặt trên người dân sống trong các vùng bị họ kiểm soát; đàng khác là cảnh mùa màng ruộng đồng bị nạn hạn hán làm khô héo. Ông Isaq Ahmed, giám đốc tổ chức phát triển Mubarak, hoạt động trong vùng Lower Chabelle bên Somalia, nói: "Chúng tôi đang ở trong thảm cảnh tai ương. Trong ba quận Qoryoley, Kurtunwarey và Sablale có 5,000 gia đình bao gồm 30,000 người bị ảnh hưởng của nạn hạn hán. Một số người tuyệt vọng đã tìm về trú ẩn trong thủ đô Mogadiscio. Văn phòng của tổ chức Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu cộng đồng quốc tế bỏ ra ngân khoản 525 triệu mỹ kim để đối phó với các tình hình nghiêm trọng này tại Kenya và Somalia. Nhưng cho tới nay mới chỉ được phân nửa số tiền cần thiết.

Hằng ngày có tới 1,300 người tị nạn tìm tới các trại Dadaab ở mạn bắc Kenya, một số lớn là trẻ em. Theo ước tính của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trong các tuần qua đã có hơn 20,000 người Somali chạy trốn sang Kenya, tăng vọt so với 8,000 người chạy trốn chiến tranh và đói khát mỗi tháng trong suốt năm 2010. Tổ chức Cứu sống trẻ em cho biết một số gia đình các người tị nạn đã phải đi bộ hàng tháng trời để tìm lương thực, nước uống và một chỗ nương thân. Trại tị nạn Dadaab không còn sức chứa người tị nạn nữa. Tình hình này cũng khiến cho chính quyền Kenya khó chịu, vì họ không muốn trông thấy số người tị nạn đông đảo như vậy trên đất Kenya. Bà Catherine Fitzgibbon, giám đốc tổ chức Cứu sống trẻ em, cho biết các trẻ em Somali tị nạn bên Etiopia bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng, trong khi các em tới được Kenya thì ở trong tình trạng khá hơn. Ða số các người chết là trẻ em, người già và các bà mẹ mang thai hay đang cho con bú.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Davide Signa, chuyên viên thuộc chương trình cộng tác quốc tế, về nạn hạn hán và đói kém trong vùng Sừng Phi châu. Theo ông chỉ có một đường lối chính trị chung giữa các quốc gia toàn vùng mới có thể tránh cho thảm cảnh này khỏi tái diễn trong tương lai.

Hỏi: Thưa ông, Liên HIệp Quốc đề cập tới cuộc khủng hoảng tệ hại nhất từ 60 năm qua trong vùng Sừng Phi châu. Ðâu đã là các nguyên do gây ra thảm cảnh này?

Ðáp: Có nhiều yếu tố khác nhau. Trước hết là nạn hạn hán hậu qủa của "La Ninha" là hiện tượng theo đó cứ mỗi 7-8 năm nhiệt độ trên mặt đại dương thay đổi, nhiều khi gây ra các hậu qủa tàn phá trên đất liền. Thế rồi còn có sự kiện giá cả thực phẩm gia tăng, một phần cũng do các năng động thị trường bên Hoa Kỳ. Ngoài ra chúng ta cũng phải kể đến cuộc khủng hoảng đang xảy ra tại Libia và các quốc gia A rập khác đã khiến cho giá xăng dùng cho các phương tiện di chuyển thực phẩm gia tăng. Tất cả các yếu tố đó cộng lại với nhau cùng với số dân gia tăng và cảnh đất đai mất chất mầu mỡ trong nhiều nơi của vùng Sừng Phi châu, đã tạo ra các biến cố đói kém kể trên.

Hỏi: Như thế, một trong các lý do khiến cho giá cả thực phẩm gia tăng cần phải tìm bên Tây Âu, có đúng vậy không, thưa ông?

Ðáp: Từ lâu các giới đầu tư chứng khoán là một trong các lý do chính của cuộc khủng hoảng thực phẩm trên thế giới. Kể từ năm 2006 khi các ngân khoản đầu tư được đưa vào thị trường, thì giá cả trồi sụt của thực phẩm lại càng thất thường hơn nữa. Như vậy cần phải tìm ra các dụng cụ giúp tránh các vụ đầu tư tạo ra các hậu qủa tai hại cho những người nghèo nhất.

Hỏi: Như thế tại sao các tổ chức nhân đạo lại đã chỉ hoạt động trong những thời kỳ cấp bách và đã không tìm ra một kiểu giúp phòng ngừa các cuộc khủng hoảng đó thưa ông?

Ðáp: Có lẽ cần phải hỏi tại sao các dân tộc địa phương đã không tìm ra cách thức phòng ngừa các tình trạng này. Có các lý do khác nhau: bắt đầu từ các lý do lịch sử như chế độ thực dân, cho tới các lý do chính trị hiện nay như sự kiện các chính quyền thường có khuynh hướng cung cấp các phục vụ không thích hợp và không đáp đứng được các nhu cầu của người dân mà họ có trách nhiệm săn sóc. Việc giáo dục và săn sóc sức khỏe là các yếu tố khác nữa đã không bao giờ được đối diện một cách nghiêm chỉnh trong các vùng này. Ngoài ra, cần phát huy các giải pháp dài hạn, bằng cách tài trợ cho các việc nghiên cứu các loại bắp, bột sắn, bo bo và các loại rau khác nhau, có khả năng chống cự với nạn hạn hán một cách hữu hiệu hơn. Cả việc tưới bón hạn chế và việc thu thập nước mưa cũng cần thiết, vì giúp tránh các cuộc khủng hoảng như hiện nay.

Hỏi: Ông có thể đơn cử một thí dụ trong các đường lối chính trị của chính quyền không giúp giải quyết tình trạng này hay không?

Ðáp: Các mức độ của nạn gian tham hối lộ tại vài quốc gia Phi châu không cho phép thăng tiến các đường lối chính trị, mà các tổ chức nhân đạo quốc tế thường đề ra. Một thí dụ cụ thể như chỉ nội việc khai thác các vùng đất có mức sản xuất cao, mà không bắt đầu phân tích xem làm thế nào để có thể khai thác cả các vùng đất ít mầu mỡ và xa xôi hơn trong nước. Ðây là một sai lầm được lập đi lập lại hết năm này sang năm khác tại rất nhiều nước phi châu.

Bên Ấn Ðộ có những tình trạng trong đó người ta không phung phí nước của các con sông, nhưng khai mở các con kinh dẫn nước dùng cho việc tưới bón các cánh đồng. Nhưng nếu chúng ta sang nước Kenya chẳng hạn, thì sẽ thấy nước sông Tana chảy ra đại dương với lưu lượng rất lớn một cách uổng phí, mà đã không được khai thác cho việc tưới bón các cánh đồng và cải tiến canh nông. Nhưng các việc cải tiến chỉ có thể xảy ra với sự cố gắng chung giữa các chính quyền địa phương, các ân nhân, các tổ chức phát triển và các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Phi châu mà thôi.

(Avvenire 30-6-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page