Nhận định về chính sách ngoại giao

của Hoa kỳ đối với cộng đồng đồng tính

 

Nhận định về chính sách ngoại giao của Hoa kỳ đối với cộng đồng đồng tính.

Hoa kỳ [National Catholic Register 30/6/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mới đây ngoại trưởng Hoa kỳ, bà Hillary Rodham Clinton đã đề cao nỗ lực của bộ ngoại giao nước này trong việc bênh vực quyền của cộng đồng đồng tính. Cụ thể nhứt là mới đây tòa đại sứ Hoa kỳ tại Roma đã ủng hộ các cuộc diễu hành của người đồng tính cũng như buổi trình diễn của ca sĩ Lady Gaga tại Roma. Lady Gaga nổi tiếng là một ca sĩ chuyên bênh vực quyền của những người đồng tính.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình nói rằng chính phủ Hoa kỳ không chỉ bênh vực quyền của những người đồng tính, mà còn đi xa hơn khi muốn loại trừ Giáo hội ra khỏi cuộc sống xã hội tại các nước công giáo.

Ông Austin Ruse, chủ tịch Viện Gia đình công giáo và Nhân quyền Hoa kỳ nhận định rằng chính phủ Hoa kỳ đã biến "Ðồng tính" thành một trong những cột sống trong chính sách ngoại giao của mình.

Ông Ruse cho biết: chính phủ Hoa kỳ đã ra lệnh cho các tòa đại sứ của mình trên khắp thế giới theo dõi và yểm trợ cho các phong trào đồng tính tại các quốc gia, bất luận quốc gia và dân chúng các quốc gia đó có chấp nhận hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo CNA hôm 28 tháng 6 năm 2011, ông Ruse nhìn nhận rằng "Với quyền lực của mình, Hoa kỳ có thể buộc các chính phủ trên thế giới phải tuân thủ chính sách xã hội của mình."

Về phần mình, bà Rebecca Marchinda, giám đốc của Liên Minh Giới Trẻ thế giới của Liên hiệp quốc, cảnh cáo rằng hoạt động của Hoa kỳ, nhứt là tại các nước công giáo, có thể dẫn đến việc loại trừ Giáo hội ra khỏi lãnh vực công cộng và cuộc tranh luận về vấn đề này.

Theo bà Marchinda, "thay vì nhìn nhận rằng các quốc gia có những lý do chính đáng để xem hôn phối và gia đình như một định chế, thì Hoa kỳ lại đẩy Giáo hội Công giáo vào thế chống lại xã hội dân sự khi khẳng định rằng mình chống lại những tư tưởng chỉ dựa trên những niềm tin tôn giáo lỗi thời".

Bà Marchinda khẳng định: một số những lý do chính đáng mà các quốc gia đưa ra để bảo vệ định chế hôn nhân và gia đình, có trước tôn giáo cũng như thăng tiến phẩm giá con người và công ích.

Hôm 27 tháng 6 năm 2011, nhân dịp cử hành "Tháng Ðồng Tính" do bộ ngoại giao và các tổ chức đồng tính đồng tổ chức tại bộ ngoại giao, bà Clinton đã nói đến vai trò của chính phủ Hoa kỳ trong việc bênh vực người đồng tính.

Ngọai trưởng Clinton đã tiết lộ rằng Tòa đại sứ Hoa kỳ tại Ý đã đóng một vài trò "nòng cốt" trong việc mời ca sĩ Lady Gaga đến Ý để tổ chức một chương trình ca nhạc của người đồng tính. Chính đại sứ Hoa kỳ tại Ý, ông David Thorne, đã viết thư thỉnh cầu Lady Gaga đến Roma trình diễn.

Bà Clinton cho biết: đã có trên một triệu người tham dự buổi trình diễn. Theo bà, đây là một dấu hiệu cho thấy dân chúng ủng hộ sự bình đẳng và công lý.

Lady Gaga là một ca sĩ nổi tiếng rất tích cực trong cuộc tranh đấu cho quyền của người đồng tính. Cô đã xử dụng nhiều biểu tượng công giáo để viết những ca từ rất khiêu dâm.

Bà Paola Concia, một dân biểu đồng tính thuộc Ðảng Dân Chủ Ý, nói với nhựt báo Ý "Il Fatto Quotidiano" [sự kiện mỗi ngày] rằng chính nhờ sự can thiệp của đại sứ Thorne mà buổi trình diễn ca nhạc của Lady Gaga đã tạo được ảnh hưởng lớn đối với hiện tình chính trị tại Ý. Ý vẫn còn là quốc gia duy nhứt trong Liên Âu chưa có một luật nào về điều được gọi là quyền của những người đồng tính.

Ðại sứ Thorne không ngừng lập lại lời của ngoại trưởng Clinton: "quyền của người đồng tính là nhân quyền và nhân quyền cũng là quyền của người đồng tính".

Trong bài phát biểu hôm 27 tháng 6 năm 2011, bà Clinton còn cho biết: tòa đại sứ Hoa kỳ tại Slovakia đã làm việc "phụ trội" để giúp cho cuộc diễu hành của những người đồng tính tại nước này được thành công tốt đẹp, sau khi cuộc diễu hành đầu tiên hồi năm 2010 đã kết thúc bằng bạo động. Tòa đại sứ Hoa kỳ tại nước này đã qui tụ được trên 20 đại diện của các phái bộ ngoại giao khác để ký tên vào một bản tuyên ngôn ủng hộ cuộc diễn hành và hướng dẫn một cuộc tranh luận đầy tôn trọng và hữu hiệu về quyền của những người đồng tính. Bà còn ghi rõ chi tiết: trong cuộc diễu hành, đại sứ Hoa kỳ tại Slovakia đã đi bên cạnh thị trưởng Bratislava để tỏ tình liên đới với cộng đồng đồng tính.

Bà Clinton cũng cho biết: bộ ngoại giao Hoa kỳ cũng đã tham gia tranh đấu cho quyền của những người đồng tính tại Honduras, Uganda, Malawi, Nga, Thổ nhĩ kỳ, Trung quốc và nhiều nơi khác.

Bà khẳng định rằng Hoa kỳ đã có "nỗ lực chính" tại Hội đồng nhân quyền ở Geneve để hậu thuẫn cho một tuyên ngôn kêu gọi chấm dứt bạo động và kỳ thi dựa trên "khuynh hướng tính dục và phái tính". Văn phòng Tây phương sự vụ của Hoa kỳ và phái bộ thường trực của Hoa kỳ tại Tổ chức các nước Châu Mỹ cũng đã giúp soạn thảo một bản cáo cáo đặc biệt về quyền của người đồng tính cho Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ Châu.

Theo nhận định của ông Ruse, chủ tịch của Viện Gia Ðình công giáo và nhân quyền, Hoa kỳ không chỉ kêu gọi chấm dứt kỳ thị và bạo động chống người đồng tính. Nước này còn đi xa hơn nữa khi nhắm "buộc phải nhìn nhận hôn nhân đồng tính và cho các cặp đồng tính được nhận con nuôi". Làm như thế, Hoa kỳ không màng đến các quốc gia trong đó đại đa số dân chúng không chấp nhận các sinh hoạt đồng tính.

Theo ông "hầu hết dân chúng trên khắp thế giới vẫn còn xem hoạt động đồng tính là một lối sống đi ngược lại với luân lý và y tế công cộng".

Chính sách của Hoa kỳ chắc chắn đi ngược lại với nhiều nước kitô và hồi giáo trên thế giới. Thật vậy, Kitô giáo và Hồi giáo là những cản ngại chính đối với chính sách và chương trình hành động của Hoa kỳ đối với vấn đề đồng tính.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page