Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại tỉnh Kordofan

trước ngày Miền Nam Sudan tuyên bố độc lập

 

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại tỉnh Kordofan, trước ngày Miền Nam Sudan tuyên bố độc lập.

Sudan [National Catholic Reporter 13/6/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sau cuộc trưng cầu dân ý hồi đầu tháng Giêng năm 2011, Miền Nam Sudan sẽ chính thức tuyên bố độc lập vào ngày 9 tháng 7 năm 2011. Nhưng hiện nay, bang Kordofan, thuộc Miền Nam Sudan đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Các nhân viên Giáo hội và các tổ chức nhân đạo cho biết hiện có khoảng 300 ngàn người bị mắc kẹt trong vùng được xem là giếng dầu của Miền Nam Sudan này. Nhiều người hoàn toàn không nhận được cứu trợ, nhưng cũng không thể trốn khỏi vùng đang có giao tranh giữa quân đội chính phủ Miền Bắc và quân đội giải phóng Sudan, từng có trụ sở tại Miền Nam Sudan.

Trong những ngày vừa qua, nhiều nguồn tin cho biết các thường dân trốn chạy khỏi vùng núi Nuba tại miền Nam bang Kordofan là nơi mà các viên chức của Hội đồng các Giáo hội tại Sudan nói rằng các thường dân "bị các súng liên thanh từ các chiếc trực thăng săn bắn như súc vật".

Những người bị quân đội Miền Bắc nhắm đến gồm có các giáo sĩ và nhân viên các tổ chức nhân đạo, trong đó có nhiều người công giáo. Những người này đã từng làm công tác xã hội, giáo dục dân chúng về việc bầu cử cũng như cung cấp cứu trợ và phương tiện phát triển.

Một nhân viên làm việc nhân đạo có kinh nghiệm lâu năm tại Sudan cho biết đã được nghe dân chúng kể lại hai vụ xử án "ngoài tòa" và xử bắn các nhân viên Giáo hội làm việc tại vùng Nuba ở mạn nam bang Kardofan.

Hôm thứ Sáu 10 tháng 6 năm 2011, Tòa Bạch Ốc đã cho công bố một tuyên ngôn lên án "các hành vi bạo động tại miền nam bang Kardofan nhắm vào cá nhân và dựa trên sắc tộc và chính kiến của họ".

Trong tuyên ngôn, chính phủ Hoa kỳ yêu cầu chính phủ miền Bắc Sudan phải chận đứng cuộc khủng hoảng bằng cách ngưng tức khắc các cuộc hành quân nhằm giải giới Quân đội Giải Phóng Sudan tại miền Nam Kardofan cũng như giải tán các đơn vị đã được thiết lập theo thỏa ước hòa bình toàn diện hồi năm 2005.

Phát ngôn viên tòa bạch ốc nói rằng "giam giữ, xử tử các viên chức chính quyền địa phương, các đối thủ chính trị, nhân viên y tế và những thành phần xã hội khác có thể bị xem là những tội ác chống lại nhân lọai".

Một nhân viên thuộc một tổ chức nhân đạo cho rằng chính phủ Miền Bắc Sudan cố tình tạo cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Kardofan để "thay đổi biên giới" trước khi Miền Nam tuyên bố độc lập.

Các lực lượng an ninh của chính phủ Miền Bắc đang nhắm vào thường dân, kể cả phụ nữ và trẻ em, vì chủng tộc của họ.

Ông John Ashworth, cố vấn của Diễn Ðàn Ðại Kết Sudan, một tổ chức của Giáo hội đã từng góp phần xây dựng hòa bình tại Sudan từ năm 1994, nói với báo "The National Catholic Reporter" rằng dân chúng đang trốn chạy khỏi thành phố El Obeid, nhưng vẫn bị tiếp tục săn đuổi nếu họ là người Nuba, một sắc tộc qui tụ nhiều nhóm dân khác nhau. Nhiều người đã trốn lên núi là nơi mà họ cảm thấy được an toàn hơn vì được quân đội giải phóng Sudan bảo vệ.

Các viên chức Giáo hội đang kêu gọi cộng đồng thế giới hãy nỗ lực chận đứng điều mà họ sợ là đã từng xảy ra tại Nuba hồi thập niên 90 hay mới đây tại Darfur, miền Tây Sudan.

Mục sư Eberhard Hitzler, đồng chủ tịch Diễn Ðàn Ðại Kết Sudan, nói rằng "một cuộc khủng hoảng nhân đạo rộng lớn đang diễn ra tại miền nam bang Kordofan. Theo ông, nếu không có ngưng bắn tức khắc, nếu các nhân viên cứu trợ nhân đạo không được phép hoạt động trong vùng đang gặp khủng hỏang và nếu phái bộ Liên hiệp quốc tại Sudan không được phép thi hành sứ mệnh bảo vệ thường dân, thì cuộc bắn giết sẽ tiếp diễn. Theo ông, quân đội của chính phủ cũng như không chính phủ đều có trách nhiệm phải bảo vệ thừơng dân.

Một số người lo sợ rằng việc bắn giết các thường dân là một màn giáo dầu cho "một Darfur mới".

Trong những diễn tiến mới nhứt, các nguồn tin của các Giáo hội nói rằng các cuộc oanh tạc đã diễn ra tại các thành phố Heiban và Um Dorain trong bang Kardofan.

Tổng cộng đã có 50 ngàn người trốn chạy các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Miền Bắc và quân đội giải phóng Sudan tại Kadugli. Các cuộc giao tranh đã khiến cho việc cứu trợ phải bị đình chỉ. Các nguồn tin của Giáo hội cho biết: nhiều nhân chứng kể lại rằng họ đã thấy quân đội chính phủ Miền Bắc đi từng nhà để tìm kiếm những thành phần chống đối và trong một số trường hợp đã hạ sát ngay tại chỗ. Các nhân chứng cũng nói rằng ngay cả quân đội giải phóng cũng phạm nhiều tội ác và không bảo vệ thường dân.

Ông Hitzler nói rằng các cuộc bạo động trên đây đang đe dọa tiến trình bàn giao giữa Miền Nam và Miền Bắc cũng như tạo ra nhiều tội ác như đã từng xảy ra tại Nuba và Darfur hồi thập niên 90.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page