Cuộc đời tỵ nạn của

tân Giám mục Nguyễn Văn Long

 

Cuộc đời tỵ nạn của tân Giám mục Nguyễn Văn Long.

Diễm PhúcMelboune, Australia (VietCatholic News 8/6/2011) - Trong tám ngày kinh hoàng, bị nêm chật cứng trong chiếc thuyền dài 17m chở 147 người, chàng thanh niên Vinh Sơn Nguyễn Văn Long ngờ rằng chắc mình không sống sót được.

Ngày 6 tháng 6 năm 2011, chàng thanh niên trước kia nay là tân Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, kể lại: "Chúng tôi đã phụ thuộc vào sự thương xót của thời tiết. Chúng tôi hết thức ăn chỉ sau hai ngày, do số lượng người quá đông nhảy lên thuyền vào phút cuối, trước khi con thuyền rời bến".

Nhưng không giống như một nửa số lượng người Việt Nam tuyệt vọng chạy trốn chính quyền cộng sản trong thập niên 1970 và thập niên 80, và đã chết vì tàu thuyền nhỏ bé không đi được biển khơi, thời tiết xấu hoặc bọn cướp biển, tất cả mọi người trên chiếc thuyền có anh Long đã đến được Malaysia.

Mười sáu tháng trong trại tị nạn thật là gian nan, nhưng đã tạo ra con đường cho cuộc sống của chàng trai 18 tuổi.

Con đường phục vụ này sẽ được thừa nhận công khai trong tháng này, khi cha Long được tấn phong là vị Giám mục Công giáo đầu tiên gốc châu Á của Úc. Tuy nhiên, cha không nhìn thấy đó chỉ là sự công nhận cá nhân riêng cho cha, mà còn cho sự đóng góp lớn lao của người Công giáo Việt Nam cho Giáo hội Úc.

Người Việt Nam không có mặt nhiều người trong các chủng viện Công giáo Úc. Giám mục Nguyễn Văn Long nói: "Vì những khó khăn của họ, vì kinh nghiệm của họ mà họ có một cách riêng biệt để trung thành với đức tin Công giáo. Ðiều này có nghĩa là họ cần làm nhiều hơn, chứ không chỉ dự lễ ngày Chủ nhật. Nơi đâu có họ, có một sức sống và năng động hơn so với giáo xứ Công giáo Úc điển hình".

Cha mẹ Ngài cũng từng là thuyền nhân, đã vượt biển năm 1954 khi một triệu người Việt Nam chạy trốn cộng sản vào Nam. Ngày 6 tháng 6 năm 2011, mặc dầu cha mẹ không biết tiếng Anh, niềm hãnh diện của họ được thấy rõ bên ngoài. Họ mặc bộ áo đẹp nhất chụp ảnh cùng con trai mình trước bàn thờ gia đình.

Ở Việt Nam, thân phụ của Ðức Giám mục Nguyễn Văn Long là một nông dân và người thợ sửa nhà. Giám mục nói: "'Thời thơ ấu của tôi đã trải qua trong nghèo đói và chiến tranh. Tôi vẫn còn nhớ thật sinh động là nhiều đêm cha mẹ đã đưa trẻ em chúng tôi xuống hầm trú ẩn, mà hầu như nhà nào ở Việt Nam cũng có".

Rồi người cộng sản đã thắng. Họ tỏ ra khắc nghiệt, đặc biệt là đối với người Công giáo. Cậu Long gia nhập một chủng viện gần Sài Gòn khi lên 14 tuổi, nhưng rồi người cộng sản phá dỡ nhà. Giám mục kể tiếp: "Tôi dự kiến sẽ tham gia quân đội vì chúng tôi đang nỗ lực cho hai cuộc chiến tranh, chống người Trung Quốc ở phía Bắc và chế độ Khmer Ðỏ ở phía Nam".

Hai anh trai đã vượt biên năm trước đó và đến Hà Lan. Giám mục nói: "Các gia đình đã không đi trốn chung với nhau. Nếu các bạn bị mất, các bạn sẽ mất tất cả, không có gì để làm lại. Nên các gia đình cho thanh niên trẻ đi trước, rồi sau đó, nếu có thể, cho các con khác đi, rồi mới đến phiên cha mẹ".

Anh Long tự học tiếng Anh ở trại tị nạn, rồi dạy cho người khác. Việc phục vụ người khác đã củng cố ước muốn hiến thân làm linh mục nơi anh.

Từ Malaysia, anh được gửi đến Springvale, Úc, nơi anh có ấn tượng rất tốt đẹp về công việc của các tu sĩ dòng Anh em Hèn mọn Viện tu, tức Dòng Phanxicô nhánh Viện tu (OFM Conv.), và anh trở thành thành viên của Dòng tu này. Sau khi làm linh mục, Ngài làm cha xứ bốn năm ở một giáo xứ tại Sydney, và bảy năm làm cha xứ tại Springvale, trước khi lãnh đạo Tỉnh Dòng của ngài tại Úc vào năm 2005, sau đó từ năm 2008 làm Tổng Cố vấn của Dòng Phanxicô nhánh Viện tu, phụ trách miền châu Á và Úc.

Ngài sẽ là một trong bốn Giám mục phụ tá của Tổng giáo phận Melbourne, chịu trách nhiệm về miền tây đông người nhập cư.

Ngài nói: "Tôi không biết giáo dân hay giáo sĩ của cộng đồng rộng lớn này sẽ đón nhận tôi ra sao, nhưng tôi biết tôi là ai, và tôi muốn trao ban những gì tốt nhất của tôi cho cộng đồng, và nhìn xem cộng đồng dẫn tôi nơi đâu".

(The Age 7-6-2011)

 

Diễm Phúc

(VietCatholic News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page