Phản ứng của các tín hữu kitô Palestine

trước đề nghị hòa bình

của tổng thống Hoa kỳ

 

Phản ứng của các tín hữu kitô Palestine trước đề nghị hòa bình của tổng thống Hoa kỳ.

Palestine [CNS 24/05/2011] Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Các tín hữu kitô Palestine đã có những phản ứng khác nhau trước đề nghị của tổng thống Hoa kỳ về một giải pháp hai quốc gia dựa trên những biên giới đã được phân định năm 1967.

Tổng thống Barack Obama đã đưa ra đề nghị trên đây trong hai bài diễn văn đọc ngày 19 và 22 tháng 5 năm 2011. Phần lớn dân chúng Palestine hoan nghênh đề nghị của tổng thống Hoa kỳ, nhưng họ sợ rằng không dễ gì Israel triệt thoái khỏi những vùng thuộc lãnh thổ Palestine mà họ đã chiếm đóng gần 44 năm qua sau biến cố thường được mệnh danh là cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967.

Riêng các tín hữu kitô Palestine lại có những phản ứng khác nhau về giải pháp do tổng thống Hoa kỳ đề ra. Ông Sami Awad, giám đốc điều hành của Quỹ Tín dụng Thánh Ðịa và là một người luôn cổ võ việc kháng cự bất bạo động truớc việc Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestine, gọi đề nghị của tổng thống Obama là một cử chỉ "tượng trưng". Ông Awad nói rằng, cũng như các vị tiền nhiệm của mình, tổng thống Obama cũng chỉ là người "đẩy bì thư tới thêm một chút mà thôi". Theo ông, một cử chỉ như thế chưa đủ. Ông nhấn mạnh rằng cần phải nhìn nhận và giải quyết số phận của nguời tỵ nạn Palestine.

Ông Awad cũng nói rằng ông thất vọng vì tổng thống Obama không nhìn nhận phong trào tranh đấu bất bạo động của người Palestine trong cuộc chiến chống lại Israel.

Về phần mình, ông Hussam Elias, một người công giáo Á rập đang sống tại Cana, Israel, hiện đang điều khiển chương trình Galilea của Trung tâm Gierusalem về các quan hệ giữa Do thái và Kitô giáo, ghi nhận rằng vấn đề then chốt hiện nay chính là quy chế tối hậu của thành Gierusalem. Ông nói rằng tổng thống Obama không đá động đến vấn đề này trong hai bài diễn văn của ông, mặc dù giải quyết tương lai của thành thánh là chìa khóa để đạt được một giải pháp chung cục cho cuộc xung đột.

Dù sao, theo ông Elias, các bài diễn văn của tổng thống Obama cũng cho thấy rằng đã đến lúc Palestine và Israel nên có những hành động nghiêm chỉnh để đạt được một thỏa hiệp hòa bình chung cục và công bình.

Ông Elias nói rằng "với những cuộc cách mạng tại Trung đông và những thay đổi về chính trị và xã hội đang diễn ra, không thể để cho tình hình hiện nay được tiếp tục. Israel cần phải quyết định xem họ có muốn là một thành phần của một Trung đông mới không hay bị đẩy ra bên ngoài".

Theo ông, một nền hòa bình chân chính dựa trên một thỏa hiệp rõ ràng sẽ giúp xoa dịu những cuộc bạo động trên đường phố, không những tại các nước Á rập khác mà còn giữa những người Palestine với nhau. Một thỏa hiệp như thế sẽ không còn khiến Israel phải lo sợ rằng các nuớc Á rập láng giềng chống lại sự hiện hữu của mình tại Trung đông.

Riêng cha Raed Abusahlia, cha sở giáo xứ Chúa Cứu Thế tại làng Taybet, Tây Ngạn, nói rằng hầu hết giáo dân của cha đều cho rằng Hoa kỳ và Israel đang "mất giờ" vô ích. Họ chỉ muốn thấy những hành động cụ thể để mang lại hòa bình.

Cha cho biết giáo xứ của cha vẫn sinh họat bình thường. Cha nói: "Chúng tôi đang ở đây và chúng tôi sẽ ở lại đây. Cuối cùng rồi cũng sẽ có một giải pháp, nhưng không phải ngay bây giờ. Chúng tôi có thể chờ thêm một thế hệ nữa".

Cha Abusahlia nói rằng ngài rất vui mừng khi tổng thống Obama đề nghị giải pháp hai quốc gia với những biên giới đã được qui định hồi năm 1967. Theo cha, việc thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu phản đối đề nghị là điều mà ai cũng có thể thấy trước. Cha tố cáo nhà lãnh đạo Israel cố tình đình hoãn các cuộc đàm phán hòa bình cho đến khi xây xong bức tường ngăn cách dài 400 dặm. Ðiều này giúp cho những người do thái định cư lấn chiếm thêm đến 40 phần trăm lãnh thổ của Palestine.

Vị linh mục cũng nói rằng một quốc gia thôi cũng đủ với điều kiện là mọi cư dân, do thái, tín hữu kitô, đạo Druze cũng như hồi giáo đều sống chung bình đẳng với nhau. Nhưng theo cha, Israel sẽ không chấp nhận đề nghị này bởi vì lúc nào họ cũng đòi hỏi phải nhìn nhận bản chất "do thái" của Israel.

Cha Abusahlia cảnh cáo rằng Israel sẽ mất hết các đồng minh trong vùng như Ai cập và Jordan. Cha kêu gọi Israel hãy tìm kiếm hòa bình "một lần cho tất cả và trước khi quá muộn".

Một linh mục khác là cha Vincent Nagle, phó xứ giáo xứ Thánh Gia tại Ramallah, nói rằng, mặc dù có một số giáo dân hoan nghênh việc tổng thống Obama nhắc đến các ranh giới được qui định hồi năm 1967, phần lớn vẫn tỏ ra bi quan về đề nghị này.

Nidal Abu Zuluf, một người công giáo Palestine đang làm giám đốc của Tổ chức có tên là "The Joint Advocacy Initiative" chuyên trợ giúp pháp lý tại làng Beit Sahour ở Tây Ngạn, cho rằng các bài diễn văn của tổng thống Obama "chẳng có ý nghĩa gì, vì ông không đưa ra một đề nghị mới nào cả. Theo ông, lẽ ra tổng thống Hoa kỳ phải nói đến số phận của những người tỵ nạn Palestine và giải thích thế nào là "trao đổi đất đai".

Về việc Israel cứ khăng khăng đòi giữ bản chất "do thái" của Israel, ông Zuluf nói rằng ông "không thể đồng ý với một quốc gia chỉ thuộc về một tôn giáo. Nếu muốn nhận Isral như một quốc gia "Do thái" thì cũng phải nhìn nhận Palestine như một quốc gia Hồi giáo, Ý như một quốc gia Kitô giáo. Ðây là điều không thể chấp nhận được".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page