Những hệ lụy của

luật cho phép ly dị tại Malta

 

Những hệ lụy của luật cho phép ly dị tại Malta.

Malta [CNA 21/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Vào ngày thứ Bảy 28 tháng 5 năm 2011, người dân quốc gia hải đảo Malta sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý để quyết định có nên cho phép ly dị không. Malta là quốc gia duy nhứt tại âu châu không có luật ly dị.

Theo một số chuyên gia tại Âu châu và Hoa kỳ, nếu Malta cho phép ly dị thì quốc gia hải đảo này sẽ tiến tới "chủ nghĩa thế tục" và các nhóm hồi giáo cực đoan sẽ xem đây như cơ hội để đẩy mạnh luật lệ hồi giáo.

Ông Stephen Schwartz, một tác giả Mỹ chuyên nguyên cứu về thế giới hồi giáo, cho rằng "thế tục cưỡng bách" là một món quà cho hồi giáo cực đoan. Theo ông, hoang mang và thế tục giữa các tín hữu kitô là một điều tốt cho các nhóm hồi giáo cực đoan.

Với dân số không đầy nửa triệu người mà tuyệt đại đa số theo Công giáo, Malta có thể thay đổi. Tất cả đều tùy thuộc vào kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào thứ Bảy 28 tháng 5 năm 2011. Các cử tri sẽ quyết định về số phận của dự luật cho phép ly dị. Nếu được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý, dự luật cho phép ly dị sẽ được đưa ra trước Quốc hội để phê chuẩn.

Những người ủng hộ ly dị nói rằng Malta cần phải "hiện đại hóa" luật hôn nhân. Những người chống lại ly dị thì cảnh cáo rằng cho phép ly dị là mở ngỏ cho sự đổ vỡ hôn nhân và gia đình tại Malta là nơi mà 98 phần trăm dân số là người công giáo. Những người này nói rằng tình trạng tồi tệ của hôn nhân và gia đình trên khắp Âu châu là một dấu chỉ về những hậu quả của ly dị.

Nhưng ông Schwartz thì cho rằng giải trừ kitô giáo khỏi luật pháp của Malta có thể tạo ra những hậu quả còn trầm trọng hơn. Theo ông, các nhóm hồi giáo cực đoan có thể tóm lấy cơ hội để gây xáo trộn và đòi hỏi phải áp dụng luật hồi giáo.

Ông nói: "Những người ôn hòa sẽ bảo "Hãy để cho Malta là Malta", đừng thay đổi luật cấm ly dị." Còn người cực đoan thì lại xem những xáo trộn nơi những người ngoài hồi giáo như một điều có lợi cho người hồi giáo.

Ông Schwartz là người thuộc một hệ phái hồi giáo ôn hòa có tên là "Hanafi". Ông tin rằng các nhà thuyết giảng hồi giáo tại Pakistan và Á rập Saudi đang có kế họach quảng bá hồi giáo cực đoan tại Malta, dưới chiêu bài giúp đỡ người tỵ nạn Libya và Tunisia.

Ông cảnh cáo: "Nếu có một làn sóng những người tỵ nạn nghèo từ Tunisia và Libya tràn vào Malta, thì người Pakistan sẽ đến đó". Theo ông, dưới chiêu bài giúp đỡ tiền bạc, họ sẽ lao xuống như những con diều hâu háu đói.

Tính đến nay, đã có khoảng 3 ngàn người tỵ nạn từ các nước hồi giáo Bắc Phi đến Malta kể từ khi vùng này rơi vào bất ổn chính trị hồi đầu năm 2011. Trước khi bùng nổ các cuộc cách mạng được mệnh danh là "mùa xuân Á rập" tại Bắc Phi, cũng đã có 6 ngàn người hồi giáo đang sinh sống và làm việc tại Malta.

Ông Schwartz nhấn mạnh: "Rao giảng hồi giáo cực đoan sẽ là một vấn đề nghiêm trọng tại Malta. Những người tỵ nạn là thành phần dễ bị những nhà truyền đạo hồi giáo cực đoan chiêu dụ nhứt".

Ông Schwartz không lo ngại về phần đông những người hồi giáo tại Malta. Ông nhấn mạnh rằng đa phần các giáo sĩ hồi giáo Âu châu không phải là những thành phần cực đoan nguy hiểm. Hiệp hội Hồi giáo Ahmadiyya tại Malta đã không tham gia vào chiến dịch vận động cho phép ly dị. Các thành viên của Hiệp hội được dạy phải tuân thủ luật lệ của đất nước.

Nhưng đối với một thiểu số hồi giáo có tổ chức và được tài trợ, việc Malta tiến tới chủ nghĩa thế tục và cho phép ly dị sẽ được nhóm này nhìn dưới một lăng kính khác. Họ cho rằng một khi đã rời bỏ kitô giáo, nhiều người Malta sẽ tìm đến với hồi giáo. Theo ông Schwrtz, đây không phải là một lập trường ôn hòa, mà là của những người cực đoan.

Về phần mình, giáo sư Massimo Introvigne, người sáng lập Trung Tâm Nghiên cứu các tôn giáo mới tại Torino, Bắc Ý, nói rằng việc những người hồi giáo tại Malta có thể lợi dụng luật cho phép ly dị để hồi giáo hóa nước này không phải là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, không thiếu những thành phần trong cộng đồng hồi giáo tại đây đang nhanh chóng bắt lấy cơ hội để đòi hỏi phải canh tân luật pháp vốn không ăn nhập gì với hồi giáo.

Giáo sư Introvigne nói rằng những người hồi giáo cực đoan đã lợi dụng những luật lệ cấp tiến tại các nước Âu châu khác để đòi hỏi phải nhìn nhận luật Hồi giáo Sharia. Mới đây, tại Úc đại lợi, Liên đoàn hồi giáo đã yêu cầu chính phủ nước này nhìn nhận luật Sharia. Nhưng chính phủ Úc trả lời rằng họ phải tuân thủ luật pháp của quốc gia mà họ đã cam kết tuân thủ khi nhập quốc tịch.

Cách đây vài năm, các tổ chức hồi giáo tại Anh quốc đã làm đơn lên Tòa án nhân quyền Âu châu để yêu cầu cho phép đàn ông hồi giáo được đa thê. Những tổ chức hồi giáo này lập luận rằng luật pháp tại Anh quốc vi phạm tự do tôn giáo của họ. Lúc bấy giờ, luật về hôn nhân đồng tính chưa được đưa vào Anh quốc.

Nhưng kể từ khi nước này thông qua luật nhìn nhận hôn phối đồng tính, những người hồi giáo cũng yêu cầu phải nhìn nhận đa thê.

Theo nhận định của giáo sư Introvigne, lập luận của những người hồi giáo dựa trên sự bãi bỏ những định nghĩa truyền thống về hôn nhân. Họ nói: nếu có hai hình thức về hôn nhân, tức hôn nhân giữa một vợ một chồng và hôn nhân giữa hai người đồng tính, thì tại sao lại không nhìn nhận hôn nhân của một chồng và nhiều vợ?

Theo giáo sư Introvigne, đây là điều có thể xảy ra tại Malta nếu luật cho phép ly dị được thông qua tại nước này. Theo ông, không phải tất cả mọi người hồi giáo di dân tại Âu châu đều là những phần tử cực đoan, nhưng có rất nhiều người mong cho người hồi giáo được sống theo luật hồi giáo Sharia.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page