Kỷ niệm 120 năm

Thông điệp " Rerum Novarum"

[ những vấn đề mới] tại Hoa kỳ

 

Kỷ niệm 120 năm Thông điệp "Rerum Novarum" [những vấn đề mới] tại Hoa kỳ.

Hoa kỳ [CNS 6/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Các tham dự viên của một hội nghị đánh dấu 120 năm thông điệp "Rerum Novarum" [những vấn đề mới] của Ðức giáo hoàng Leo XIII tại Hoa kỳ, khẳng định rằng thông điệp về lao động và quyền của công nhân chứa đựng những bài học quan trọng cho thế giới ngày nay.

Sau một ngày hội thảo về bức thông điệp của đức Leo XIII tại Ðại học Công giáo Hoa kỳ hôm 2 tháng 5 năm 2011, các tham dự viên xem bức thông điệp như nền tảng của giáo huấn xã hội của Giáo hội.

Hôm 3 tháng 5 năm 2011, trong bài diễn văn bế mạc hội nghị, Ðức hồng y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và hòa bình, nói rằng hoàn cảnh của thế giới ngày nay đòi hỏi phải thực thi giáo huấn đã được đức Leo XIII đề ra trong thông điệp "Rerum Novarum".

Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh nhấn mạnh đến một số chức năng chính của nhà nước vào thời đức Leo XIII cũng như ngày nay như sau: đeo đuổi công ích, vốn không chỉ giới hạn trong một quốc gia, mà trải dài đến tòan thế giới; ý thức rằng công ích không giới hạn vào của cải vật chất mà còn bao gồm thiện ích đạo đức của xã hội; đặt con người và các gia đình lên hàng ưu tiên; tôn trọng sáng kiến tự do của con người và giúp đỡ những người túng thiếu nhứt trong xã hội.

Theo Ðức hồng y Turkson, đây cũng phải là ưu tiên của thời đại ngày nay.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS và một số hãng tin khác, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và hòa bình cũng nhấn mạnh đến một số điểm mà ngài đã trình bày trong hội nghị. Ngài nói rằng nhiều biến cố mới đây cho thấy rằng thế giới ngày nay cần phải xem trọng những bài học của thông điệp "Rerum Novarum".

Theo vị Hồng y người Ghana này, những cố gắng thương lượng giữa các nhân viên chính phủ và nhiều chính quyền tại một số tiểu bang, những cuộc biểu tình rầm rộ tại Ý và Anh qua đó các sinh viên bày tỏ những quan ngại của họ, là những thí dụ điển hình cho thấy có sự bất ổn nơi các công nhân tại nhiều nước trên thế giới.

Ðức hồng y Turkson nói: "Rerum Novarum" đã được ngưỡng mộ và thu hút sự chú ý là bởi vì đã đề ra những qui luật nền tảng của vấn đề xã hội là: làm thế nào để bảo đảm phẩm giá con người giữa những xáo trộn?"

Theo Ðức hồng y, những vấn đề về quyền lợi của người công nhân, về vai trò của chính phủ trong việc giám sát các lãnh vực khác nhau của xã hội cũng như quyền lực của chủ nghĩa tư bản đều luôn luôn qui về việc bảo vệ phẩm giá con người.

Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình nói rằng chính phủ có nghĩa vụ phải bảo đảm phúc lợi cho các công dân và bảo vệ họ khỏi trở thành nạn nhân trong tay các công ty bị quản lý một cách thiếu trách nhiệm. Ngài khẳng định: "Xét cho cùng, các chính phủ đựơc thẩm định dựa trên phúc lợi và hạnh phúc của người dân".

Về phần mình, Ðức cha Stephen Blaire, Giám mục Stockton, bang California, chủ tịch Ủy ban công lý và phát triển nhân bản quốc nội của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ nói rằng ngày nay các công nhân phải đương đầu với cuộc cách mạng kinh tế cũng như duới thời đức Leo XIII. Theo đức cha chủ tịch Ủy ban công lý và phát triển quốc nội, "cuộc cách mạng hiện nay là một cuộc cách mạng kỹ thuật. Sự nghèo đói toàn cầu bao trùm cả trái đất. Hàng triệu triệu người thất nghiệp. Những điều kiện làm việc trên thế giới thường là tồi tệ. Mối quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước lại đối nghịch nhau".

Theo Ðức cha Blaire, một ví dụ cho thấy cần phải áp dụng giáo huấn của thông điệp Rerum Novarum chính là phải để cho người nghèo tại Hoa kỳ có được một tiếng nói khi chính phủ thiết lập ngân sách và cải tổ tài chính. Ðức cha Blaire nói: "Người nghèo không có người đại diện tại các ngân hàng lớn để nói thay cho họ".

Ðức giám mục chủ tịch Ủy ban công lý và phát triển nhân bản nội địa của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ cho biết cách đây hai tuần, trên 40 nhà lãnh đạo kitô đã thành lập "Hội Bảo Vệ" với mục đích đứng về phía người nghèo và lên tiếng về việc cắt giảm ngân sách. Chương trình của các nhà lãnh đạo kitô kêu gọi chia sẻ thu nhập, lọai bỏ những chi tiêu quân sự không cần thiết, bảo đảm cho mọi người được hưởng bảo hiểm y tế và thiết lập chương trình hưu bỗng công bình.

Một trong những thuyết trình viên chính tại cuộc hội thảo về thông điệp Rerum Novarum là ông John Sweeney, nói rằng thông điệp này và những văn kiện tiếp theo của Giáo hội như thư mục vụ có tựa đề "công bằng kinh tế cho mọi người" của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ là những khí cụ hùng mạnh cho thấy Giáo hội và xã hội có thể đáp ứng với những nhu cầu của người nghèo, nhứt là nhấn mạnh đến phẩm giá con người.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page