Ðức Thánh Cha kết thúc

cuộc viếng thăm miền Ðông Bắc Italia

 

Ðức Thánh Cha kết thúc cuộc viếng thăm miền Ðông Bắc Italia.

Venezia (Vat. 9/05/2011) - Tối Chúa nhật 8 tháng 5 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp cuộc viếng thăm mục vụ tại miền Ðông bắc Italia, đặc biệt tại thành phố nổi Venezia.

Sau thánh lễ ban sáng tại công viên Giuliano ở thành phố Mestre, trước sự tham dự của 300 ngàn tín hữu, chiều Chúa nhật 8 tháng 5 năm 2011, Ðức Thánh Cha đã có hai hoạt động tại thành phố Venezia: trước hết là cuộc gặp gỡ với các đại diện của Cộng đoàn Tổng giáo phận nhân dịp kết thúc chương trình viếng thăm mục vụ trong 6 năm qua của Ðức Hồng Y Thượng Phụ Angelo Scola, tiếp đến là cuộc gặp gỡ giới văn hóa, nghệ thuật và kinh tế.

Ðại diện của các tầng lớp tín hữu đã ngồi chật Vương cung thánh đường Marco khi Ðức Thánh Cha đến đây vào lúc gần 5 giờ chiều. Sau lời chào mừng của Ðức Hồng Y Thượng Phụ, một giáo dân, bà Letizia Patron, đã lược tóm hành trình cuộc viếng thăm mục vụ của Ðức Hồng Y trong 6 năm qua, trước khi mọi người cùng nghe đọc bài Tin Mừng kể lại sự tích ông Zakêu người thu thuế leo lên cây để nhìn thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, và được Chúa bày tỏ ước muốn ghé lại nhà ông.

Từ sự tích trên đây, Ðức Thánh Cha rút ra bài học, theo đó "Sự thành đạt đích thực và niềm vui chân thực của con người không ở nơi quyền hành, thành công, tiền bạc, nhưng ở nơi Thiên Chúa mà thôi, Ðấng mà Chúa Giêsu Kitô đã tỏ cho chúng ta được biết và làm cho chúng ta được gần gũi Ngài. Ðó chính là kinh nghiệm của ông Zakêu."

Ðức Thánh Cha nói: "Hỡi Giáo Hội quí mến tại Venezia! Hãy noi gương ông Zakêu và đi xa hơn nữa! Hãy vượt lên và giúp con người ngày nay vượt lên những chướng ngại của chủ thuyết duy cá nhân, duy tương đối; và đừng bao giờ để bạn bị những thiếu sót có thể xảy ra trong các cộng đoàn Kitô lôi kéo bạn xuống thấp. Hãy cố gắng nhìn sát con người của Chúa Kitô, Ðấng đã nói: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6). Trong tư cách là Người Kế Vị Thánh Phêrô, đang viếng thăm miền đất của anh chị em trong những ngày này, tôi lập lại với mỗi người trong anh chị em: đừng sợ đi ngược dòng đời để gặp Chúa Giêsu, hãy hướng lên cao để gặp cái nhìn của Chúa... Hãy ý thức mình là những người mang một sứ điệp dành cho mỗi người và tất cả mọi người; một sứ điệp đức tin, cậy, mến".

Ðức Thánh Cha đặc biệt nhắn nhủ các linh mục: trong niềm biết ơn vì hồng ân vô biên đã nhận lãnh, "anh em hãy tiếp tục quảng đại và tận tụy thi hành sứ vụ, tìm sự nâng đỡ nơi tình huynh đệ linh mục được sống như một sự đồng trách nhiệm và cộng tác với nhau, cũng như nơi kinh nguyện nồng nhiệt, cập nhật thần học và mục vụ một cách sâu xa."

Ðức Thánh Cha không quên gửi lời nhắn nhủ và khích lệ tới các tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân. "Anh chị em hãy luôn biết nêu lý do về niềm hy vọng của anh chị em. Giáo hội đang cần những đóng góp và lòng nhiệt thành của anh chị em. Hãy biết đáp lại Chúa Kitô Ðấng kêu gọi anh chị em làm môn đệ của Người và nên thánh".

Gặp giới văn hóa

Sau khi ban phép lành và giã từ cộng đoàn giáo phận Venezia, Ðức Thánh Cha đã dùng thuyền đi tới Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Sức khỏe cách đó lối một cây số để gặp gỡ giới văn hóa, nghệ thuật và kinh tế vào lúc quá 6 giờ chiều. Ðây là một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất ở Venezia, được xây cất theo lời khấn hứa cảm tạ Ðức Mẹ vì đã giải thoát dân thành khỏi dịch tễ hồi năm 1630. Bên cạnh đó là Tu viên các cha dòng Somaschi, nay trở thành Ðại chủng viện của tổng giáo phận Venezia.

Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh Cha đã gửi đến mọi người một số suy tư đi từ hình ảnh: nước và danh hiệu Senerissima, rất thanh thản, là tên của cộng hòa Venezia, và ngài rút ra những kết luận thực hành.

Thành phố nổi Venezia vẫn được gọi là "thành phố nước", "thành phố lỏng" theo kiểu nói của một nhà xã hội học nổi danh đương thời. ÐTC cảnh giác chống lại một thứ văn hóa 'lỏng', ít ổn định, hoặc không có sự ổn định, dễ thay đổi, và nói: "Ở đây tôi muốn đưa ra đề nghị đầu tiên, đó là Venezia không phải như một "thành phố lỏng" theo nghĩa vừa nói, nhưng là một thành phố "của sự sống và vẻ đẹp".. Vấn đề ở đây là chọn lựa giữa một bên là thành phố "lỏng", quê hương của một nền văn hóa ngày càng giống như một nền văn hóa của tương đối và phù dù, và bên kia là một thành phố liên tục đổi mới vẻ đẹp của mình bằng cách kín múc nơi những nguồn mạch tốt lành của nghệ thuật, kiến thức, những quan hệ giữa con người và các dân tộc với nhau".

Senerissima, theo nghĩa trọn vẹn nhất, là thành thị thiên quốc, là Jerusalem mới như sách Khải Huyền đã nói tới (Xc Kh 21,1-22,5)... Danh hiệu Senerissima cũng nói với chúng ta về một nền văn minh hòa bình, dựa trên sự tôn trọng, hiểu biết nhau, trên những quan hệ thân hữu. Venezia có một lịch sử lâu dài và một gia sản phong phú về nhân bản, tinh thần và nghệ thuật, để ngày nay có khả năng mang lại sự đóng góp quí giá giúp con người tin tưởng nơi một tương lai tốt đẹp hơn và dấn thân xây dựng tương lai ấy. Ðức Thánh Cha nói: "Nhưng để được như vậy, Venezia không được sợ một yếu tố khác chứa đựng trong huy hiệu thánh Marco, đó là Tin Mừng. Tin Mừng là sức mạnh lớn nhất để biến đổi thế giới, nhưng Tin Mừng không phải là một điều không tưởng, cũng chẳng phải là một ý thức hệ. Các thế hệ Kitô đầu tiên đã gọi Tin Mừng là "con đường", nghĩa là lối sống mà Chúa Kitô đã thực hành trước tiên và mời gọi chúng ta đi theo".

Sau bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha còn chào thăm một số đại diện giới văn hóa, nghệ thuật và kinh tế. Ngài cũng làm phép nhà nguyện Chúa Ba Ngôi mới được trùng tu trong đại chủng viện của Tòa Thượng Phụ, trước khi đáp xuồng máy đến phi trường Marco Polo để đáp máy bay trở Roma, kết thúc cuộc viếng thăm mục vụ thứ 22 tại Italia và cũng là chuyến viếng thăm đầu tiên ngày thực hiện tại nước này trong năm 2011.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page