Những vấn đề luân lý

xung quanh cái chết

của Osama Bin Laden

 

Những vấn đề luân lý xung quanh cái chết của Osama Bin Laden.

[CNS 4/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Việc quân đội Hoa kỳ hạ sát trùm khủng bố Osama Bin Laden tại Abbottabd, Pakistan, hôm Chúa nhựt 1 tháng 5 năm 2011 đã đặt ra một số câu hỏi về luân lý.


Tối Chúa Nhựt 1/05/2011, tổng thống Hoa kỳ Barack Obama đã loan báo rằng trùm khủng bố Osama Bin Laden, người đã chủ mưu cuộc tấn công khủng bố tại Hoa kỳ ngày 11/09/2001, đã bị quân đội Hoa kỳ giết chết tại Islamabad, Pakistan, hôm Chúa nhựt 1/05/2011.


Tối Chúa nhựt 1 tháng 5 năm 2011, liền sau khi tổng thống Hoa kỳ Barack Obama loan báo cái chết của ông Bin Laden, dân chúng Mỹ đã tập trung trước tòa bạch ốc, tại Ground Zero ở New York, nơi xảy ra cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 và nhiều thành phố khác, để ăn mừng. Hình ảnh này đã tạo ra nhiều phản ứng khác nhau và nêu lên vấn đề luân lý trong việc hạ sát ông Bin Laden. Một số khác đặt vấn đề về "công lý" như được tổng thống Obama nhắc tới khi loan báo cái chết của trùm khủng bố Al Qaeda.

Ông Gerard Powers, giám đốc của trung tâm nghiên cứu về xây dựng hòa bình thuộc trường Ðại học Công giáo Notre Dame ở New York yêu cầu phải làm sáng tỏ cụm từ "công lý đã được thực hiện" trong bài diễn văn của tổng thống Hoa kỳ.

Qua những điện thư trao đổi với hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS, ông Powers viết: "Công lý đã được thực hiện trong việc hạ sát Bin Laden vì cần phải bảo vệ công ích chống lại khủng bố." Nhưng theo ông, "công lý không được thực hiện nếu chúng ta vui mừng khi giết được Bin Laden và xem đó như một hành động trả thù cho vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001." Liệu công lý có được thực hiện không, nếu bắt giữ Bin Laden và buộc ông phải chịu trách nhiệm về những tội ác chống lại nhân lọai, nhứt là vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001?

Theo ông Powers, "Nếu đã có thể bắt giữ Bin Laden, nhưng người ta đã hạ sát ông. Vậy thì công lý không được thực hiện".

Về phần mình, Ðức cha Paul Loverde, Giám mục Arlington, bang Virginia, giáo phận bao gồm Ngũ giác đài, viết rằng cái chết của Bin Laden gợi lại những kỷ niệm đau buồn của nhiều người trong cộng đồng.

Theo Ðức cha Loverde, "cần phải phân biệt việc ủng hộ hành động công lý khi bảo vệ đất nước và sự báo thù". Ngài kêu gọi không nên gậm nhấm "hận thù hay cay đắng, mà nên tin tưởng vào Chúa". Ngài nói: "Tin tưởng vào lòng nhân từ và sự dẫn dắt của Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang phục vụ đất nước, cho những người ủng hộ chủ nghĩa khủng bố độc ác biết hoán cải tâm hồn".

Phản ứng trước cái chết của Bin Laden, Trung tâm liên tôn Tanenbaum và Hiệp hội Hồi giáo tại Bắc Mỹ đã lên tiếng ca ngợi việc loại trừ được mối đe dọa của Bin Laden, nhưng cảnh cáo trước việc lèo lái hận thù và chụp mũ.

Trong một tuyên ngôn, Hiệp hội Hồi giáo Bắc Mỹ nói: "Chúng tôi hy vọng rằng cái chết của Bin Laden sẽ xoa dịu được mọi gia đình, dù thuộc niềm tin và văn hóa nào, đã mất người thân trong cuộc khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 và trong mọi cuộc khủng bố do bàn tay của Bin Laden dàn dựng".

Theo Hiệp hội Hồi giáo Bắc Mỹ, Bin Laden "không phải là một lãnh tụ hồi giáo, mà là một kẻ sát hại hàng loạt người hồi giáo".

Hiệp hội Hồi giáo Bắc Mỹ nói rằng tổ chức khủng bố Al Qaeda mà Bin Laden là lãnh tụ, "đã sát hại vô số người hồi giáo tại nhiều nước, kể cả tại Hoa kỳ. Do đó, cái chết của ông nên được tất cả những ai tin vào hòa bình và phẩm giá con người đón nhận".

Về phần mình, Trung tâm liên tôn Tanenbaum cũng bày tỏ sự biết ơn vì "Bin Laden, một trong những tiếng nói của hận thù và khủng bố khét tiếng nhứt trong lịch sử nhân lọai... đã bị im tiếng và không còn cổ võ được cho bạo động nữa". Tuy nhiên, Trung tâm này cũng cảnh cáo rằng những cảnh "ăn mừng" trên toàn quốc có thể làm phát sinh tiếng nói của hận thù.

Trong một tuyên ngôn, Trung tâm Tanenbaunm nói rằng "những từ có nội dung kỳ thị chủng tộc đối với Bin Laden, những kiểu nói chụp mũ đối với những ai theo Hồi giáo, nọc độc đang được quảng bá... cũng chẳng khác gì hận thù mà chính Bin Laden đã từng quảng bá".

Theo Trung tâm này, "không chịu nhìn nhận tính nhân loại chung của chúng ta là bước đầu để hạ phẩm giá người khác và tiến tới việc thành lập một đất nước xây dựng trên hận thù hơn là tôn trọng, công lý và chung sống".

Về phía Công giáo, một số tác giả nhấn mạnh đến sự tha thứ và cầu nguyện. Cha James Martin, chủ bút văn hóa của tạp chí "America" của Dòng Tên, viết rằng "Osama Bin Laden phải chịu trách nhiệm về cái chết của không biết bao nhiêu người tại Hoa kỳ và trên khắp thế giới". Vị linh mục Dòng Tên này vui mừng vì Osama Bin Laden không còn trên cõi đời này. Tuy nhiên, là một tín hữu kitô, cha nói rằng cha phải cầu nguyện cho ông và tha thứ cho ông.

Thiết tưởng cũng nên lập lại lập trường của Tòa thánh. Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa thánh, khẳng định rằng Osama Bin Laden phải chịu trách nhiệm về bao nhiêu cái chết của những người vô tội. Tuy nhiên, theo cha Lombardi, người tín hữu kitô không bao giờ vui mừng trước cái chết của một nguời, dù người đó là kẻ thù.

Cái chết của ông Bin Laden cũng nêu lên nhiều vấn đề luân lý khác như: liệu Hoa kỳ có xâm phạm chủ quyền quốc gia của Pakistan không khi đơn phương mở cuộc hành quân tấn công vào nơi Bin Laden cư ngụ?

Nhưng theo ông Powers, trong giáo huấn của Giáo hội, chủ quyền quốc gia không phải là một điều tuyệt đối. Ông giải thích: Nếu rõ ràng là Pakistan không muốn hay không thể có hành động thích đáng để chống lại Bin Laden và những tên khủng bố khác trong nước họ, thì Pakistan cũng không thể than phiền khi những người khác thi hành trách nhiệm mà chính họ không thể làm tròn.

Theo ông Powers, cho dẫu có thể biện minh cho việc sát hại Bin Laden, cũng vẫn phải khuyến khích xử dụng những đường lối ôn hòa để chống lại chủ nghĩa khủng bố, tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa của nó, và trau dồi những "nhân đức hiếu hòa" cần thiết để có một nền hòa bình bền vững.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page