Nguy cơ xung đột giữa

Hồi giáo và Kitô giáo tại Pakistan

sau cái chết của Osama Bin Laden

 

Nguy cơ xung đột giữa Hồi giáo và Kitô giáo tại Pakistan sau cái chết của Osama Bin Laden.

Pakistan [Asianews, National Catholic Register3/05/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tại thành phố Abbottabad, miền Bắc Pakistan, nơi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị quân đội Mỹ bắn hạ hôm chúa nhựt 1 tháng 5 năm 2011, có một Cộng đồng Công giáo nhỏ bé với khoảng 150 giáo dân.


Tối Chúa Nhựt 1/05/2011, tổng thống Hoa kỳ Barack Obama đã loan báo rằng trùm khủng bố Osama Bin Laden, người đã chủ mưu cuộc tấn công khủng bố tại Hoa kỳ ngày 11/09/2001, đã bị quân đội Hoa kỳ giết chết tại Islamabad, Pakistan, hôm Chúa nhựt 1/05/2011.


Cha Akram Javed Gill, linh mục chính xứ Peter Canisius nói với hãng thông tấn Ucanews rằng kể từ khi có tin Osama Bin Laden bị quân đội Mỹ giết chết, cha đã giới hạn mọi sinh hoạt mục vụ. Cha cho biết: cha không dám đi thăm viếng giáo dân. Tất cả mọi cử hành trong nhà thờ đều bị đình chỉ. Hiện có 4 viên cảnh sát đang canh giữ phía trước nhà thờ.

Hiệp hội các Giáo hội trong huyện Hazara trong đó có nhà thờ công giáo, đã kêu gọi tổ chức một cuộc gặp gỡ để thảo luận về một chiến lược tương lai trong vùng.

Tình hình tại giáo xứ Peter Canisius ở Abbottabad hiện nay là một điển hình của tình hình chung của Kitô giáo tại Pakistan kể từ khi tổng thống Hoa kỳ loan báo cái chết của Osama Bin Laden tối Chúa nhựt 1 tháng 5 năm 2011.

Ông Aoun Sahi, một ký giả hồi giáo và chuyên gia về tôn giáo và chính trị tại Pakistan, cảnh cáo rằng chiến tranh tôn giáo là điều có thể xảy ra tại nước này.

Trong cái nhìn của ông Sahi, trùm khủng bố Bin Laden, tuy không phải là một lãnh đạo hồi giáo, nhưng tất cả những người ủng hộ ông đều là hồi giáo.

Theo ký giả Sahi, cộng đồng kitô thiểu số tại Pakistan có thể là nạn nhân đầu tiên của những vụ trả đũa. Nhiều nhà lãnh đạo công giáo cũng chia sẻ nỗi lo sợ này. Mặc dù cho rằng cái chết của Bin Laden là một thành công trong cuộc chiến chống khủng bố, các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng yêu cầu cần phải bảo vệ các tín hữu kitô nhiều hơn. Các nhà lãnh đạo Giáo hội đều bày tỏ cùng một lập trường với Tòa thánh là: cái chết của bất cứ người nào, kể cả kẻ thù, không nên là cơ hội để vui mừng.

Trong bài xã luận đăng trên báo "The news International" [tin thế giới], ký giả Aoun Sahi khẳng định rằng "chiến tranh tôn giáo" vẫn là điều đáng sợ nhứt trong tình thế hiện nay. Ông nói rằng các nhóm thiểu số, kể cả kitô giáo, là một mục tiêu dễ dàng nhứt đối với các nhóm cực đoan là những tổ chức đang tìm cách báo thù cho cái chết của Bin Laden. Ðiều này có thể xảy ra tại Pakistan, bởi vì nước này là một mục tiêu dễ tấn công hơn là Hoa kỳ hay âu châu. Riêng các tín hữu kitô, vì bị đồng hóa với Hoa kỳ và Tây phương, là một mục tiêu dễ dàng nhứt đối với các nhóm khủng bố.

Theo ông Sahi, dân chúng đã tỏ ra "sửng sốt" trước cái chết của lãnh tụ Al Qaeda. Thật ra, điều đáng quan ngại nhứt chính là những hậu quả của cuộc hành quân do quân đội Hoa kỳ thực hiện để hạ sát ông Bin Laden. Cho tới nay, chưa có hành động khủng bố nghiêm trọng nào đã xảy ra. Nhưng cái chết của ông Bin Laden có thể tạo ra một phản ứng dẫn đến một cuộc xung đột giữa người hồi giáo và các tín hữu kitô.

Về phần mình, ông Paul Bhatti, bào đệ của ông Shahbaz Bhatti, bộ trưởng các nhóm tôn giáo thiểu số đã bị sát hại vì bênh vực các tín hữu kitô và đề nghị duyệt lại luật chống phạm thượng, cũng đồng quan điểm với ký giả Sahi khi nói rằng các tín hữu kitô là những điểm nhắm của những người hồi giáo cực đoan. Nhưng theo ông Bhatti, các thành phần cực đoan đang suy yếu sau cái chết của Osama Bin Laden. Ông Bhatti hiện đang là cố vấn của thủ tương về các nhóm tôn giáo thiểu số.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Asianews, ông Bhatti giải thích rằng "những vùng ở miền Bắc Pakistan đã từng là cứ địa của những thành phần cực đoan. Nhưng cái chết của Bin Laden là một bước ngoặt quan trọng. Ðây là bước đầu tiên tiến tới việc tiêu diệt những thành phần cực đoan. Bào đệ của ông Shahbaz Bhatti cho rằng cuộc chiến chống khủng bố đã đạt đến cao điểm và việc bảo vệ các tín hữu kitô hiện đang là một vấn đề.

Riêng Ðức cha Anthony Rufin, Tổng giám mục thủ đô Islamabad, lập lại lập trường của Tòa thánh để kêu gọi các tín hữu kitô không nên xem cái chết của ông Osama Bin Laden như một cơ hội để vui mừng.

Cuộc hành quân do quân đội Hoa kỳ thực hiện để hạ sát ông Bin Laden hôm Chúa nhựt 1 tháng 5 năm 2011 đã tạo ra rạn nứt giữa chính phủ Pakistan và các nước đồng minh cũng như giữa chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương tại các tỉnh.

Một linh mục công giáo là cha Habib Paul nói rằng "không nên cho phép những kẻ khủng bố được xử dụng đất Pakistan". Theo cha, sự kiện Osama Bin Laden đã được "cho phép" sống yên ổn tại Pakistan, chỉ cách một trường huấn luyện quân sự quan trọng vài cây, nghĩa là trong một khu vực an toàn tối đa, là điều đáng quan ngại.

Osama Bin Laden đã bị bắn hạ tại một "biệt thự" sang trọng ở Abbottabad, chỉ cach thủ đô Islamabad 60 cây số.

Tại Pakistan, cuộc hành quân của Hoa kỳ đã tạo ra nhiều tranh cãi bởi vì quân đội Hoa kỳ đã hành động mà không thông báo cho chính phủ Pakistan.

Tổng thống Pakistan, ông Asif Ali Zardari đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng cái chết của Osama Bin Laden cho thấy sự thất bại của chính phủ Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Trái lại, ông nói rằng Pakistan "có lẽ là nạn nhân lớn nhứt của khủng bố".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page