Ðức Gioan Phaolo II

và sự thống nhứt của Liban

 

Ðức Gioan Phaolo II và sự thống nhứt của Liban.

Liban [Asianews 27/4/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðức Gioan Phaolo II là người đã có công lớn trong việc bảo vệ sự thống nhứt của Liban.

Trong một cuốn sách có tựa đề "Tàn phá và cứu độ" được hãng thông tấn Asianews trích đăng, tác giả Fady Noun khẳng định rằng sứ điệp của vị giáo hoàng Balan mà Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ tôn phong chân phước vào ngày Chúa nhựt 1 tháng 5 năm 2011, đã góp phần bảo tồn sự thống nhứt của quốc gia Balan.

Vào thập niên 80, đức Gioan Phaolo II đã từng nói: "Liban không chỉ là một quốc gia. Liban còn là một sứ điệp về tự do và là một mẫu mực về đa nguyên cho Ðông và Tây".

Kể từ đó, những lời nói của đức Gioan Phaolo II đã trở thành hiện thực tại Liban. Không có tuần nào qua đi mà không có một nhà lãnh đạo tôn giáo hay chính trị, Hồi giáo hay Kitô giáo, không lập lại lời của ngài để kêu gọi xây dựng một đất nước khác với tình hình hiện tại, trong đó các đảng phải và ý thức hệ xâu xé lẫn nhau.

Thiết tưởng cần nhắc lại rằng ngay sau khi được bầu làm Giáo hòang năm 1978, đức Gioan Phaolo II đã đặc biệt quan tâm đến cuộc nội chiến tại Liban kéo dài từ năm 1975 đến năm 1990. Chính vì quan tâm một cách đặc biệt đến tình hình Liban mà ngài đã cho triệu tập một Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Liban.

Một số sử gia nói rằng quốc gia Liban, vốn đã được thành hình năm 1943 với thỏa hiệp giữa các cộng đồng Kitô và Hồi giáo, đã có thể biến khỏi bản đồ thế giới vì những áp lực từ bên ngoài hoặc cũng có thể tan rã dưới sức nặng của những yếu tố nội tại và những thành phần đa diện của xã hội.

Nhưng quốc gia này đã tồn tại và có nhiều lý do để giải thích tại sao quốc gia này không tan rã.

Theo tác giả Fady Noun, phải nhìn nhận rằng đức Gioan Phaolo II và nền ngoại giao của Tòa thánh đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn sự thống nhứt này. Thật vậy, không ai nhấn mạnh đến ơn gọi hiệp nhứt của Liban cho bằng đức Gioan Phaolo II. Hết sứ điệp này đến sứ điệp khác, ngài không ngừng lập lại sự cần thiết phải bảo tồn sự thống nhứt này. Ngài còn đi xa hơn khi chống lại chủ trương của một số đảng kitô muốn chia cắt Liban.

Theo tác giả Fady Noun, sở dĩ đức Gioan Phaolo II quan tâm đến sự thống nhứt của Liban là vì ảnh hưởng của một phụ nữ người Liban thuộc phong trào Focolare [Tổ Ấm] là bà Gilberte Doummar. Bà Doummar là đại diện của Liban trong Hội đồng Tòa thánh về giáo dân. Với tư cách này, bà đã viếng thăm Vatican nhiều lần và gặp gỡ với Ðức thánh cha cũng như nhiều viên chức giáo triều.

Bà Doummar kể lại rằng năm 1984, trong một phiên họp của Hội đồng Tòa thánh về giáo dân, bà đã gặp Ðức hồng y Pironio, lúc bấy giờ đang là chủ tịch của hội đồng này. Ðức hồng y đã giới thiệu bà với Ðức thánh cha. Nhân dịp này, bà Doummar đã cám ơn Ðức thánh cha vì những gì ngài đang làm cho Liban. Ngài liền nói với bà: "Phải, Liban đang là trọng tâm của các mối quan tâm và cầu nguyện của tôi". Ðêm đó, khi gặp gỡ một số người bạn, bà Doummar đã kể lại câu chuyện và nói rằng Ðức thánh cha yêu thương Liban một cách đặc biệt.

Ngày hôm sau, khi bà gặp lại ngài, Ðức thánh cha giải thích rằng "tháng 10 năm 1978, sau khi được bầu làm Giáo hòang, ngài đi một vòng trong quảng trường thánh Phero để chào thăm khách hành hương. Lúc đó, vẫn chưa được phép treo các khẩu hiệu trong quảng trường. Nhưng bỗng Ðức thánh cha thấy có một bảng hiệu được đưa lên với hàng chữ: "Xin Ðức thánh cha hãy cứu lấy Liban". Sau đó, bảng hiệu được rút xuống. Như một mũi tên, khẩu hiệu đã đi thẳng vào trái tim của Ðức thánh cha. Vào cuối buổi cử hành, sau khi chào thăm mọi người, Ðức thánh cha đã đến quì gối cầu nguyện trước Thánh Thể và xin cho ngài được sống đủ lâu để cứu thoát Liban.

Tác giả Fady Noun nói rằng giai thoại trên đây là khởi đầu của một chuỗi những can thiệp của Ðức thánh cha để bảo tồn sự thống nhứt của Liban. Ngay từ năm 1978, đức Gioan Phaolo II đã quyết định rằng các họat động ngoại giao của Tòa thánh phải tập trung vào việc bảo tồn sự thống nhứt của quốc gia này.

Theo bà Doummar, điều quan trọng nhứt đối với Ðức thánh cha là sự thống nhứt của Liban. Ngài muốn các tín hữu kitô phải nỗ lực bảo tồn sự thống nhứt này. Với mục đích đó, tháng 3 năm 1986, Tòa thánh đã tung ra một kế họach chấm dứt cuộc nội chiến tại nước này. Ðức hồng y Silvestrini, một trong những nhà ngoại giao lỗi lạc dưới thời đức Gioan Phaolo II, đã đảm nhận công tác này. Ngài đã cho tổ chức một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Hồi giáo và Kitô giáo. Trước đó, Tòa thánh đã nhiều lần cố gắng ngăn cản các dân quân kitô trang bị khí giới, nhưng không thành công. Ðức hồng y đã trách cứ một số dòng tu đã quên ơn gọi của mình khi cung cấp khí giới cho các tín hữu kitô.

Bà Doummar kể lại: năm 1987, vì Ðức hồng y Silvestrini đã thất bại, đức Gioan Phaolo II đã nắm tay bà và nói: "Hãy cầu nguyện và hãy làm cho người khác cũng cầu nguyện cho Liban". Khi gọi xứ sở Liban là "một sứ điệp", Ðức thánh cha đã tiên đoán sứ mệnh cao cả của quốc gia này.

Cuối cùng đức Gioan Phaolo II đã thấy được một phần những mục tiêu của ngài đã được thực hiện, ít nhứt là về phương diện thiêng liêng.

Năm 1995, Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Liban đã diễn ra tại Liban. Hai năm sau, Ðức thánh cha đã cho công bố một tông huấn hậu Thượng hội đồng với tựa đề "Một niềm hy vọng mới cho Liban". Trong tông huấn, ngài trình bày cái nhìn của ngài về đất nước này.

Nhiều tín hữu kitô và hồi giáo đã bị đánh động bởi sứ điệp của Ðức thánh cha.

Tác giả Fadi Noun nhận định rằng "đối với các tín hữu kitô, đây là một lời mời gọi phải ra khỏi giai đoạn trong đó họ tưởng mình là những người chiếm hữu Liban để đi vào giai đoạn trong đó Liban , một phần bản sắc của họ, đã trở thành một sứ điệp cần được lưu truyền, một dự án cho tương lai và một mẫu mực cần được quảng bá".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page