Một vài kỷ niệm

của Ðức Hồng Y Roberto Tucci

với các Giáo Hoàng

 

Một vài kỷ niệm của Ðức Hồng Y Roberto Tucci với các Giáo Hoàng.

Roma (Avvenire 19-4-2011) -Phỏng vấn Ðức Hồng Y Roberto Tucci, nguyên Tổng giám đốc đài phát thanh Vaticăng nhân ngày sinh nhật thứ 90.

Ngày 19 tháng 4 năm 2011 Ðức Hồng Y Roberto Tucci đã mừng sinh nhật thứ 90. Ðức Hồng Y người gốc thành phố Napoli miền nam Italia nhưng mẹ là người Anh. Ðức Hồng Y Tucci đã từng là Giám đốc nguyệt San "Nền văn minh công giáo" (Civiltà Catolica) của dòng Tên, Tổng giám đốc đài phát thanh Vaticăng, và nhất là người đặc trách tổ chức các chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II từ năm 1982 cho tới năm 2001.

Thời Công Ðồng Chung chính Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chỉ định người làm chuyên viên. Là người đã theo học tại đại học công giáo Louvain bên Bỉ, Ðức Hồng Y đã được tiếp nhận với cảm tình bởi các nhà trí thức của Nền Thần Học Mới và quen biết nhiều thần học gia tên tuổi thời Công Ðồng như Jean Danielou, Karol Wojtila, Yves Marie Congar, Dominique Chenu vv...

Với tư cách là người đặc trách tổ chức các chuyến công du của Ðức Gioan Phaolô II, Ðức Hồng Y Roberto Tucci có rất nhiều kỷ niệm với vị giáo hoàng sẽ được Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tôn phong Chân Phước ngày mùng 1 tháng 5 năm 2011. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y nhân sinh nhật thứ 90 của ngài.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y thời họp Công Ðồng Chung Vaticăng II, Ðức Hồng Y và Ðức Kraol Wojtila đã ở trong cùng ủy ban soạn thảo Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay "Gaudium et spes" Vui Mừng và Hy Vọng. Ðức Hồng Y có kỷ niệm nào về kinh nghiệm làm việc này không?

Ðáp: Tôi nhớ là lược đồ nổi tiếng số 13 đã giữ một vai trò nền tảng đối với việc soạn thảo tài liệu. Các linh mục dòng Ða Minh như cha Marie Dominique Chenu và Yves Marie Congar đã đặt tin tưởng vào lược đồ này. Hầu hết các cuộc họp của ủy ban đã diễn ra tại Ariccia. Và phần đóng góp của Ðức Cha Karol Wojtila đã có tính cách định đoạt liên quan tới đề tài tự do tôn giáo, quyền tin và diễn tả niềm tin riêng của mình. Người ta nhận ra trong các bài phát biểu của Ðức Cha sức nặng của một người đến từ một Giáo Hội phải sống dưới chế độ độc tài. Không phải là chuyện tình cờ Hiến chế Gaudium et Spes Vui Mừng và Hy Vọng đã là tài liệu của Công Ðồng thường được trích dẫn nhất trong triều đại giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, như có thể suy diễn ra từ Thông điệp thứ nhất của người là Thông điệp "Redemptor Hominis" "Ðấng cứu độ con người".

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y đã sống dưới triều đại của các Giáo Hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I, Gioan Phaolô II, và Biển Ðức XVI. Ðức Hồng Y có kỷ niệm nào với Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI không?

Ðáp: Có, tôi thấy Ðức Phaolô VI là một người có đức tin rất lớn và là người rất chú ý tới các lịch sử của con người và các tình bạn lớn. Tôi còn nhớ khi linh mục bạn của tôi là cha Giovanni Caprile phải viết bài tường trình Công Ðồng cho nguyệt san Nền văn minh công giáo, để giúp cha hoàn thành nhiệm vụ này Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cung cấp cho cha các ghi chú, các sửa chữa của người. Thế rồi tôi cũng nhớ một trong các lo âu mục vụ lớn của Ðức Phaolô VI là cuộc đối thoại của Giáo Hội với thế giới. Và trước việc dứt phép thông công các người cộng sản, người xác tín về việc lên án chủ thuyết mác xít chứ không lên án người cộng sản. Tôi nhận thấy trong cung cách hành xử ấy của Ðức Phaolô VI sự tiếp nối với Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII.

Hỏi: Nhưng một cách đặc biệt trong gần 20 năm Ðức Hồng Y đã có các tương quan với Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có đúng thế không?

Ðáp: Vâng. Các kỷ niệm với Ðức Gioan Phaolô II thì nhiều lắm. Ðức Wojtila đã là một người rất cứng đầu và có khả năng có các cử chỉ can đảm. Làm sao không nhớ tới việc người cương quyết bằng mọi giá tới cầu nguyện nơi mộ Ðức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero trong thủ đô San Salvador, chống lại ý kiến của vài Giám Mục và nhất là của chính quyền. Hay sự can đảm của người quyết định viếng thăm mục vụ nước Nicaragua, khi đảng Sandino cầm quyền. Thế rồi làm sao mà quên được gương mặt của người, khi người nhận ra là tổng thống Pinochet đã đánh lừa người trong chuyến công du hồi năm 1987. Ông đã không tôn trọng lịch trình lễ nghi mà tự ý thay đổi nó, khi đưa Ðức Gioan Phaolô II ra bao lơn dinh tổng thống, chống lại ý muốn của Ðức Thánh Cha. Ðức Gioan Phaolô II đau khổ khi gặp các chống đối trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Nicaragua và bên Hòa Lan. Người ta gợi ý cho người là nên dời các chuyến viếng thăm này lại vào những thời điểm thuận tiện hơn, nhưng Ðức Gioan Phaolô II luôn luôn trả lời: "Không, tôi phải đi để giúp đỡ Giáo Hội này đang cần sự hiện diện của tôi, và lúc này đang đau khỗ".

Một trong những hình ảnh mạnh mẽ khác nữa trong các chuyên tông du của Ðức Gioan Phaolô II đó là khi Ðức Gioan Phaolô II dừng lại cầu nguyên lâu tại Bức Tường Khóc ở Giêrusalem hồi năm 2000, khiến cho lực lượng an ninh ngạc nhiên không biết người làm gì. Và tôi hay nhớ tới các giọt nước mắt của bà qủa phụ Rabin, khi Ðức Gioan Phaolô II nhắc tới hy sinh của chồng bà...

Hỏi: Ðức Hồng Y nhớ gì về con người riêng tư của Ðức Karol Wojtila, con người của cầu nguyện?

Ðáp: Trông thấy người cầu nguyện là điều luôn luôn gây ấn tượng mạnh. Khi người lần hạt Mân Côi trong xe hơi, trêm máy bay, trên trực thăng, không gì có thể quấy rầy người, hay cảm phục thấy người qùy lâu trước nhà tạm trong các nhà thờ người viếng thăm. Có một lần khi đi trực thăng từ Giêrusalem tới vùng Galilea - dó là một ngày thứ sáu - tôi nhận thấy Ðức Giáo Hoàng không nhìn ra ngoài cửa sổ trực thăng, nhưng đang cầm trên tay một cuốn sách nhỏ mòn cũ, không có bìa: người đang thinh lặng suy niệm đàng Thánh Giá. Lý do của sự lựa chọn đó là vì người sợ không có giờ để suy niệm đàng Thánh Giá như người vẫn làm mỗi ngày thứ sáu. Có một điều khác không thể tin được: đó là Ðức Gioan Phaolô II thích tham dự thánh lễ sáng do tôi cử hành. Người nói với tôi: "Cha Tucci à, thật là đẹp khi nghe thánh lễ". Và tôi phải thú nhận rằng ban đầu tôi khó mà quen với việc thường khi chỉ có Ðức Thánh Cha là tín hữu duy nhất tham dự thánh lễ sáng của tôi...

Hỏi: Hầu hết các chuyến công du mục vụ đã thành công ngoài sự chờ mong của mọi người. Thế có chuyến viếng thăm nào đã được hoạch địch mà lại không được thực hiện tốt đẹp không thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Có vài chuyến viếng thăm đã không được thực hiện. Ðức Gioan Phaolô II đã rất muốn viếng thăm Trung Quốc, Việt Nam và Nga. Nhưng ngài đã không thể thực hiện được vì có các chống đối ngoại giao và chống đối có tính cách đại kết từ các quốc gia này. Có một ước muốn khác nữa mà Ðức Gioan Phaolô II đã không thực hiện được đó là viếng thăm vùng Medopotamia cổ, tức nước Irak ngày nay, theo bước chân của tổ phụ Abraham. Nhưng người đã không thực hiện được ước mong này vì sự chống đối của tổng thống Saddam Hussein. Và chúng ta hãy nghĩ xem Ðức Gioan Phaolo II đã là người mạnh mẽ chống lại việc phong tỏa kinh tế và chiến tranh tại Irak. Tôi còn nhớ sự ủng hộ của tổng thống Palestine ông Yasser Arafat đối với chuyến viếng thăm khó khăn tại vùng Trung Ðông, nhất là các lời ông nói: Ðức Gioan Phaolo II đã là người duy nhất lo lắng để biết tôi có còn sống sau vụ mưu sát hay không.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, tình bạn này của Ðức Gioan Phaolô II với các nét đặc thù của nó đã để lại các dấu vết nào nơi Ðức Hồng Y?

Ðáp: Như tôi đã kể cho các tường trình viên án phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolô II: đó là tôi đã gặp một người thánh thiện thực sự, thường cầu nguyện và nói chuyện với Thiên Chúa. Cả trong các cử chỉ nhỏ nhặt nhất của cuộc sống thường ngày. Tôi rất hài lòng, khi thấy người sẽ được phong Chân Phước, 6 năm sau khi người qua đời. Có lẽ điều lớn lao nhất mà người để lại đối với một người như tôi, đã có đặc ân theo sát bên người, là mẫu gương của một người được thúc đẩy bởi sức mạnh trao ban đức tin nơi Thiên Chúa. Ðức Gioan Phaolô II đã không bao giờ dừng trước bất cứ chướng ngại nào bằng cách can đảm đối đầu với cả sự khỗ đau và cái chết.

(Avvenire 19-4-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page