Cơ quan cứu trợ của Dòng Tên

lên án các quốc gia Âu châu vi phạm

các quyền cơ bản của người di dân

 

Cơ quan cứu trợ của Dòng Tên lên án các quốc gia Âu châu vi phạm các quyền cơ bản của người di dân.

Roma [Zenit 29/3/2011] - Cơ quan cứu trợ của Dòng Tên lên án các quốc gia Âu châu vi phạm các quyền cơ bản của người di dân.

Trong một thông cáo, văn phòng đại diện của cơ quan cứu trợ của Dòng Tên gọi tắt là JRS, nói rằng "cuộc khủng hoảng về di dân tại đảo Lampedusa, Ý, là một dấu chỉ cho thấy sự bất lực hoàn toàn của Âu Châu để tôn trọng những quyền cơ bản nhứt của người di dân".

Ðại diện của văn phòng cứu trợ của Dòng Tên tại Âu châu, ông Stefan Kessler, cho rằng "nếu các nước trong Liên Âu không thể bảo vệ các quyền của người di dân trong ngắn hạn, thì các nước này sẽ có nguy cơ kéo dài sự khốn khổ trong dài hạn".

Ông Kessler nhắc lại rằng nghèo đói là "một vòng lẩn quẩn về cuộc sống bất xứng của con người".

Ông nhấn mạnh rằng tại Âu châu, hàng ngàn người di dân không được học hành, chăm sóc y tế, có nhà ở và hưởng các dịch vụ xã hội cũng như có công ăn việc làm. Các cuộc nghiên cứu mà cơ quan cứu trợ của Dòng Tên đã thực hiện trong 10 năm qua cho thấy rằng sự khốn khổ là một hậu quả của những chính sách loại trừ của các nước Âu châu.

Có mặt tại trên 40 quốc gia với sứ mệnh giúp đỡ, phục vụ và bênh vưc quyền của người tỵ nạn hay lánh nạn ngoài ý muốn, Cơ quan cứu trợ của Dòng Tên đã qui tụ được một mạng lưới rộng rãi bao gồm các nghiệp đoàn, các hiệp hội y tế, các chuyên gia về giáo dục và các tổ chức di dân, để phát huy những chiến thuật chung nhằm chống lại tình trạng khốn khổ của người di dân tại Âu châu.

Thông cáo của văn phòng đại diện của Cơ quan cứu trợ của Dòng Tên tại Âu châu khẳng định rằng "khốn khổ là một vi phạm nhân quyền. Ðể cho người di dân phải sống trong khốn khổ là vi phạm những giá trị nền tảng của Liên Âu, vốn được xây dựng trên sự tôn trọng nhân quyền của mọi người tại Âu châu".

Theo ông Kessler, mặc dù bản chất và chiều sâu của các vấn đề có khác nhau tại mỗi quốc gia, Liên Âu vẫn cần phải tìm kiếm những giải pháp chung.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page