Nhận định về phán quyết

của Tòa án nhân quyền Âu châu

về việc treo Thánh giá

trong các trường công lập ở Liên Âu

 

Nhận định về phán quyết của Tòa án nhân quyền Âu châu về việc treo Thánh giá trong các trường công lập ở Liên Âu.

Liên Âu [Tổng hợp 21/03/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Sáu 18 tháng 3 năm 2011, Phòng thượng thẩm tòa án nhân quyền Âu Châu đã cho công bố phán quyết theo đó kể từ nay Ý và các nước khác trong Liên Âu được phép trưng bày Thánh giá trong các trường công lập.

Theo Ðức hồng y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa, Thánh giá được treo công khai tại Ý, kể cả trong các lớp học, là một dấu hiệu nói lên sự đóng góp nền tảng của Kitô giáo cho nền văn hóa và văn minh Âu Châu.

Ðức hồng y Ravasi đưa ra tuyên bố trên đây vài giờ trước khi Phòng thượng thẩm tòa án nhân quyền Âu châu cho công bố phán quyết nói trên.

Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa nói rằng Kitô giáo là "yếu tố nền tảng" của nền văn minh Âu châu và ngay cả "nếu có ai đó không muốn nhìn nhận điều đó thì vẫn có một sự kiện khách quan là sự hiện diện của kito giáo là một yếu tố tuyệt đối có tính quyết định và có giá trị".

Tưởng cũng nên nhắc lại: cuộc tranh cải về Thánh giá đã nổ ra tại Ý sau khi một phụ nữ Ý gốc Phần lan tên là "Lautsi" đã làm đơn kiện một trường nơi con cái bà đang theo học vì treo Thánh giá trong các lớp học. Người phụ nữ này lập luận rằng sự hiện diện của Thánh giá vi phạm quyền tự do của cha mẹ được giáo dục con cái theo những xác tín riêng của họ cũng như quyền tự do tôn giáo của chính trẻ con. Tất cả các tòa án tại Ý nơi bà Lautsi đâm đơn kiện đều bác bỏ đơn kiện của bà. Bà Lautsi lại kiện lên tòa án nhân quyền Âu châu có trụ sở tại Strasbourg, Pháp quốc. Năm 2009, 7 vị thẩm phán của tòa án nhân quyền Âu châu đồng thanh đưa ra phán quyết rằng nước Ý vi phạm Qui ước nhân quyền Âu châu trong điều khoản nói về tự do giáo dục và ra lệnh cho nước này phải tháo gỡ Thánh giá khỏi các trường công lập.

Nhưng với sự ủng hộ của hơn 20 nước có truyền thống Chính thống và Công giáo tại Âu châu, chính phủ Ý đã làm đơn kháng cáo lên Phòng thượng thẩm của tòa án nhân quyền Âu châu. Và sau khi cân nhắc, tòa này đã đảo lộn phán quyết được đưa ra hồi năm 2009. Như vậy, kể từ nay, Ý cũng như các nước trong Liên Âu có quyền treo Thánh giá tại các nơi công cộng kể cả các trường công lập.

Phản ứng trước phán quyết của tòa án nhân quyền Âu châu, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa thánh, nói rằng Tòa thánh chào mừng phán quyết của tòa thượng thẩm nhân quyền Âu châu, bởi vì phán quyết này nhìn nhận rằng "nhân quyền không nên bị đặt vào thế đối lập với các nền tảng tôn giáo của nền văn minh Âu châu".

Theo cha Lombardi, phán quyết là một khẳng định về sự tôn trọng cần phải có của mỗi quốc gia trong Liên Âu đối với "các biểu tượng tôn giáo của lịch sử văn hóa và bản sắc dân tộc của mỗi nước". Phán quyết này cũng khẳng định rằng mỗi quốc gia được quyền quyết định có nên treo các biểu tượng tôn giáo không và phải treo như thế nào.

Theo linh mục phát ngôn viên của Tòa thánh, thiếu tôn trọng đối với các biểu tượng tôn giáo sẽ dẫn đến tình trạng trong đó, "mâu thuẫn thay, người ta lại nhân danh tự do tôn giáo để giới hạn hay ngay cả chối bỏ tự do này và cuối cùng loại trừ mọi thể hiện của tự do này nơi công cộng".

Trở lại với Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa. Trả lời các ký giả trong một cuộc họp báo giới thiệu một dự án của Tòa thánh nhằm thăng tiến cuộc đối thoại với những người vô thần và những người vô tín khác, Ðức hồng y Ravasi nói rằng Thánh giá không chỉ là một biểu tượng tôn giáo đối với các tín hữu Kitô, mà còn là một "dấu hiệu văn minh" tại Tây phương.

Theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa, trong bất cứ nền văn hóa nào, con người cũng đều tìm thấy những biểu tượng tôn giáo diễn tả bản sắc của họ và nếu đánh mất những biểu tượng ấy, họ sẽ có nguy cơ đánh mất chính bản sắc của mình.

Ðức hồng y Ravasi nói: "Những bức tường trắng xóa sẽ dẫn đến sự trống rỗng và một nền văn hóa mong manh. Nếu cần, bạn có thể giải thích ý nghĩa của một biểu tượng tôn giáo. Nhưng sẽ không là một việc làm đúng khi tháo gỡ các biểu tượng tôn giáo chỉ vì muốn tránh làm tổn thương người khác".

Cũng thế, theo vị Hồng y người Ý này, "khi đến một thành phố của người Hồi giáo, người ta không phải lo ngại khi thấy những mặt trăng lưỡi liềm vàng"chiếu sáng trong đêm tối.

Phát biểu trên đây của Ðức hồng y Ravasi và của cha Lombardi phản ánh chính lập trường của Ðức thánh cha. Trong bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh dạo tháng Giêng năm 2011, Ðức thánh cha Benedicto XVI không chỉ bày tỏ quan ngại về sự thù nghịch đối với Kitô giáo tại một số vùng trên thế giới như Trung đông hay Á châu. Ngài còn nói đến mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với tự do tôn giáo tại Âu châu và Tây phương nói chung. Ðức thánh cha nói: "Một dấu hiệu khác cho thấy tôn giáo bị đẩy ra bên lề xã hội, cách riêng đối với Kitô giáo, đó là loại trừ các ngày lễ và các biểu tượng tôn giáo khỏi đời sống công cộng, dưới chiêu bài phải tôn trọng tín đồ các tôn giáo khác hay những người không có niềm tin tôn giáo. Với một hành động như thế, không những quyền của các tín hữu được công khai bày tỏ niềm tin của mình bị hạn chế, người ta còn tấn công vào những cội rễ văn hóa vốn nuôi dưỡng bản sắc sâu xa và sự hài hòa xã hội của nhiều quốc gia".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page