Quan hệ giữa Giáo hội Công giáo

và Giáo hội Chính thống Nga

 

Quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga.

Nga [La Croix 15/3/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày thứ Năm 17 tháng 3 năm 2011, Ðức hồng y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo, kết thúc chuyến viếng thăm chính thức tại thủ đô Mascova. Tại đây, Ðức hồng y đã có cuộc gặp gỡ với Ðức tổng giám mục Hilarion, chủ tịch văn phòng ngoại giao của tòa Thượng phụ Mascova, người được xem như "nhân vật số hai" trong Giáo hội Chính thống Nga.

Nói đến mối quan hệ đại kết giữa hai Giáo hội, người ta thường nghĩ đến trước tiên Tòa thánh hay Mascova là nơi diễn ra các cuộc gặp gỡ chính thức giữa các vị đại diện của hai Giáo hội. Trong thực tế, theo ghi nhận của nhựt báo Công giáo Pháp La Croix, chính thành phố Saint Petersbourg mới là nơi diễn ra một cách âm thầm sự xích lại gần nhau giữa hai Giáo hội vốn đã xa cách nhau từ gần một ngàn năm nay.

Là cố đô Nga dưới thời sa hoàng và đồng thời cũng là nơi đức tin đã hồi sinh sau 70 năm sống dưới ách cộng sản vô thần, Saint Petersbourg là nơi có những sáng kiến táo bạo về đại kết do một thế hệ linh mục mới đề ra.

Một số người, như cha Hyacinthe Destivelle, một linh mục trẻ dòng Ða minh đang phụ trách giáo xứ thánh Catarina Alexandria, còn cho rằng thành phố Saint Petersbourg là "một phòng thí nghiệm về hiệp nhứt" Kitô giáo.

Cha sở nhà thờ thánh Catarina Alexandria giải thích rằng "Saint Petersbourg vốn có một truyền thống lâu đời về sự đa diện. Ngay từ đầu thế kỷ 19, nhiều tiếp xúc giữa hai Giáo hội được nối lại đến độ ngay từ năm 1917, trước cả Giáo hội Công giáo, Công đồng Mascova của Chính thống Nga đã cho thành lập một ủy ban về hiệp nhứt các Giáo hội. Theo cha Destivelle, bước tiên phong trong phong trào đại kết của thành phố Saint Petersbourg đã được diễn tả trong chính kiến trúc các nhà thờ. Thật vậy, xung quanh nhà thờ thánh Catarina, người ta thấy san sát bên nhau ba nhà thờ chính tòa đại diện cho ba truyền thống Kitô giáo chính là Chính thống, Armeni và Tin lành Luther.

Người Công giáo tại Nga chỉ là một thiểu số nhỏ so với đại đa số Chính thống: Giáo hội Chính thống Nga có đến 100 triệu tín hữu, trong khi số người Công giáo tại đây chỉ có khoảng vài trăm ngàn người. Dù vậy, nhờ sự hiện diện của người Balan trong đế quốc Nga và kế đó là người Ý, người Ðức và người Pháp, Giáo hội Công giáo vẫn có một truyền thống lâu đời tại Nga.

Theo cha sở nhà thờ thánh Catarina, cho dẫu chỉ là một thiểu số nhỏ, sự hiện diện của người Công giáo vẫn là một yếu tố quan trọng cho sự hiệp nhứt Kitô giáo. Vai trò này lại càng được đáng chú ý hơn bởi vì Công giáo và Chính thống đều chia sẻ cùng một số phận dưới thời cộng sản. Cha Destivelle nói rằng "cuộc tử đạo chung này đã hàn gắn hai Giáo hội". Ðây là điều mà các sử gia gọi là "Ðại kết của quần đảo Gulag".

Trong cụ thể, hiện nay các linh mục dòng Ða minh tại Saint Petersbourg đang biến tầng hầm của tu viện rộng khoảng một ngàn thước vuông thành một trung tâm với phòng họp, bảo tàng viện, thư viện, quán cà phê để giúp các tín hữu Kitô đông và tây gặp gỡ và hiểu biết nhau. Mặc dù phần đông các tín hữu chính thống Nga vẫn còn "thờ ơ" và ngay cả thù nghịch với cuộc đối thoại đại kết, một số linh mục Chính thống Nga đã tỏ ra rất tích cực trong hoạt động đại kết. Ðược nhắc đến nhiều nhứt là cha Alexandre Men, vị linh mục Chính thống đã bị sát hại cách đây 20 năm hay Ðức tổng giám mục Nicodeme, người đã khai sinh phong trào đại kết Nga từ thập niên 50 đến thập niên 70.

Tại học viện thần học Saint Petersbourg, cha Vladimir Khulap đang cố gắng chuyển "lửa đại kết" đến 450 sinh viên và chủng sinh mà ngài đang phụ trách.

Linh mục Alexandre Sorokin, cha sở giáo xứ "các thánh tử đạo mới" cho biết một số giáo xứ Chính thống cũng rất tích cực trong các sinh hoạt đại kết. Vị linh mục này nhấn mạnh đến những giá trị chung mà công giáo và Chính thống cùng chia sẻ với nhau.

Alexey Volchkov, một phó tế 29 tuổi, đã nhận ra điều đó khi đến Taize và Paray le Monial, Pháp quốc. Vị phó tế Chính thống trẻ này ghi nhận sự sinh động và tươi trẻ của Giáo hội Pháp.

Macha, một người mẹ gia đình 32 tuổi, cũng cho biết: trong thời gian theo học tại Pháp, chị đã bị đánh động bởi đức tin sống động của gia đình Công giáo đã đón tiếp chị. Trong khi đó, tại Nga, nhiều người tự xưng là Chính thống, nhưng không thực hành đạo.

Mặc dù người Công giáo Nga đang tích cực góp phần vào công cuộc đại kết, sự hiện diện của họ thường không được Giáo hội Chính thống Nga nhìn nhận. Tại Mascova, một linh mục Công giáo Nga nói rằng "Giáo hội Chính thống Nga đã tỏ ra rất tích cực trong cuộc đối thoại với Tòa thánh, nhưng lại không màng đến Giáo hội Công giáo tại Nga". Vị linh mục này cho biết: Ðức giám mục của ngài, mặc dù đã nhậm chức từ 4 năm nay, vẫn chưa một lần được đức Kyrill, Thượng phụ Chính thống Mascova và toàn nước Nga tiếp kiến. Trong khi đó, Sứ thần Tòa thánh tại Nga lại được nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga tiếp kiến nhiều lần.

Vị linh mục này cũng tỏ ra bất bình vì việc nhà thờ Thánh Gia của Giáo hội Công giáo tại Kaliningrad được trao trả lại cho Giáo hội Chính thống. Các mối quan hệ giữa hai Giáo hội "nóng lạnh" một cách bất thường.

Theo cha Destiville, để hâm nóng các quan hệ giữa hai Giáo hội, cần phải thăng tiến "các quan hệ thân hữu cá nhân" giữa các giáo xứ , các tu viện, các ca đoàn, các đoàn hành hương của hai Giáo hội. Cha nhắc lại rằng chính xuyên qua những mối quan hệ thân hữu như thế mà hai nước Pháp và Ðức đã giao hòa với nhau.

Vị linh mục dòng Ða minh này nói: "Ðối thoại thần học thôi chưa đủ. Riêng về cuộc gặp gỡ giữa đức Thượng phụ Kyrill và Ðức thánh cha Benedicto XVI, đây chắc chắn vừa là một khởi điểm vừa là một điểm đến".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page