Các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Ai cập

biểu tình đòi chính phủ trả lại nhà thờ

 

Các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Ai cập biểu tình đòi chính phủ trả lại nhà thờ.

Ai cập [Asianews 8/3/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Sáu 4 tháng 3 năm 2011, đã xảy ra một cuộc đụng độ giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo tại một ngôi làng ở phía nam thủ đô Cairo. Cuộc đụng độ phát sinh từ một quan hệ tình ái giữa một thanh niên Kitô và môt thiếu nữ Hồi giáo. Cuộc xô xát đã làm cho cha của người thanh niên và cha của cô thiếu nữ bị thiệt mạng. Sang ngày hôm sau, một nhóm người Hồi giáo đã nổi lửa đốt phá nhà thờ hai thánh Minas và George của các tín hữu Kitô tại ngôi làng nói trên.

Trong những ngày này, hàng ngàn tín hữu Kitô tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Cairo đã xuống đường yêu cầu chính phủ phải xây dựng lại ngôi thánh đường nói trên. Các cuộc đụng độ giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo cũng đã làm cho 2 tín hữu Kitô bị thiệt mạng và gần 50 người khác bị thương. Biến cố này có thể làm lu mờ sự hiện diện sát cánh bên nhau của các tín hữu Kitô và người Hồi giáo trong cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ phải xây dựng lại ngôi thánh đường đã bị đốt phá. Theo ghi nhận của hãng thông tấn Asianews, nhiều người Hồi giáo, đặc biệt là những người phụ nữ, cũng tham gia cuộc biểu tình để đòi hỏi chính phủ phải cho xây lại ngôi nhà thờ.

Cha Rafik Greiche, giám đốc phòng báo chí của Giáo hội Công giáo kiêm phát ngôn viên của 7 Giáo hội Kitô tại Ai cập đã nói với hãng thông tấn Asianews rằng "đây là lần đầu tiên các tín hữu Kitô Copte tụ tập bên ngoài nhà thờ chính tòa thánh Marco để tỏ rõ sức mạnh và khát vọng được hiện diện trong xã hội và thay đổi hiến pháp". Họ đã chọn phía trước trụ sở của Ðài Truyền Thanh và Truyền hình ở trung tâm Cairo để biểu tình. Nơi này cũng gần quảng trưởng Tahrir "giải phóng", biểu tượng của cuộc nổi dậy làm sụp đổ chế độ của tổng thống Hosni Mubarak.

Theo cha Greiche, điều này chứng tỏ rằng các tín hữu Kitô ngày càng ý thức hơn về điều họ có thể làm. Linh mục giám đốc phòng báo chí của Giáo hội Công giáo tại Ai cập nói: "Với cuộc biểu tình này, các tín hữu Kitô muốn cho thấy rằng họ có thể xuống đường và được cộng đồng Hồi giáo ủng hộ. Trong thực tế, họ đã có thể thuyết phục thủ tướng Essam Sharaf đến gặp gỡ một phái đoàn gồm hàng ngàn tín hữu Copte và buộc ông phải cam kết cho xây lại tức khách ngôi thánh đường" đã bị người Hồi giáo đốt phá.

Cha Greiche cho biết: các băng hình thu được từ cuộc biểu tình cho thấy có những phụ nữ Hồi giáo mặc áo trùm kín người đứng bên cạnh các phụ nữ Kitô để cùng nhau kêu gọi quân đội phải xây lại nhà thờ.

Phát ngôn viên của 7 Giáo hội Kitô tại Ai cập nói: "những hình ảnh như thế, tức người Hồi giáo đứng bên cạnh các tín hữu Kitô, là một dấu hiệu cho thấy có sự bình đẳng giữa các tôn giáo kể từ sau cuộc cách mạng hoa lài đã liên kết đuợc hàng trăm ngàn bạn trẻ của hai tôn giáo dưới cùng một lá cờ". Theo cha Greiche, trong cuộc nổi dậy, các tín hữu Kitô và người Hồi giáo đã chứng tỏ rằng họ thật sự tâm đầu ý hợp với nhau.

Tuy nhiên, chủ nghĩa hồi giáo cực đoan hiện vẫn còn là một mối đe dọa lớn cho Ai cập. Những nhóm hồi giáo cực đoan có tổ chức như "Huynh đệ Hồi giáo" chẳng hạn, đang lợi dụng tình thế hổn loạn để áp đặt một cái nhìn cực đoan về Hồi giáo và áp đặt luật Hồi giáo Sharia lên toàn xã hội Ai cập.

Theo cha Greiche, nhiều giáo sĩ Hồi giáo chống lại việc thay đổi điều 2 của Hiến pháp Ai cập, theo đó luật Hồi giáo phải là nền tảng của luật pháp. Ngay từ lúc bùng nổ cuộc nổi dậy, các lãnh tụ tôn giáo này nói rằng họ chỉ chấp nhận thay đổi những khoản luật nào chi phối việc cai trị và quốc hội, chứ không phải luật Sharia. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo này thuộc các nhóm cực đoan trong đó có những người đã từng bị chế độ Mubarak giam tù.

Cha Greiche cho biết: vụ đốt phá nhà thờ Soul xảy ra trong một vùng nông thôn không xa thủ đô Cairo bao nhiêu. Cha khẳng định: biến cố phát sinh từ một cuộc xung đột giữa hai gia đình và vì một quan hệ tình ái giữa một thanh niên Kitô và một thiếu nữ Hồi giáo.

Những người Hồi giáo tại địa phương đã lợi dụng cuộc tranh cải giữa hai gia đình để thực thi "quyền được báo thù" vốn đã cắm rễ sâu trong xã hội Hồi giáo. Họ chỉ chờ một cơ hội như thế để đốt phá ngôi nhà thờ và buộc 7 ngàn tín hữu Kitô phải xuống đường.

Ngay cả khi quân đội hứa sẽ cho xây lại ngôi thánh đường trên nền nhà cũ, một số người Hồi giáo vẫn không muốn thấy ngôi nhà thờ này trong làng của họ; họ yêu cầu phải dời nhà thờ đi một nơi khác. Theo cha Greiche, điều này cho thấy ý đồ đằng sau cuộc tấn công: người Hồi giáo muốn bứng nhà thờ ra khỏi ngôi làng. Họ cũng có ý muốn bảo rằng để giải quyết các cuộc xung đột giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo, chỉ cần di chuyển nhà thờ đi một nơi khác.

Cha Greiche nói rằng kết quả tốt nhứt của cuộc cách mạng hoa lài chính là sự bình đẳng giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo. Tình thế bất ổn hiện nay có thể chận đứng ý đồ của các nhóm cực đoan là những người muốn áp đặt luật Sharia như nền tảng cho luật pháp Ai cập.

Theo cha, các chính phủ Tây phương có thể tạo áp lực lên chính phủ Ai cập để buộc phải nhìn nhận giá trị của sự bình đẳng trong xã hội. Cha nói: "người Hồi giáo và các tín hữu Kitô đã cùng nhau thực hiện cuộc cách mạng. Cả hai bên đều có tử đạo. Tây phương cần phải giúp bất cứ chính phủ mới nào tại Ai cập ý thức rằng một đất nước mới có thể được xây dựng bằng cách làm một thay đổi nhỏ cho điều 2 của Hiến Pháp".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page