Tình trạng các tín hữu Kitô Copte

sau cuộc cách mạng tại Ai cập

 

Tình trạng các tín hữu Kitô Copte sau cuộc cách mạng tại Ai cập.

Ai cập [Catholic on line 3/3/2011] - Kính thưa quý vị, các thân mến. Các tín hữu Kitô Copte tại Ai cập đã tích cực tham gia vào cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài của tổng thống Hosni Mubarak.

Ngay từ đầu khi bùng nổ cuộc cách mạng, mặc dù các nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống cũng như Công giáo Ai cập kêu gọi các tín hữu tránh tham gia các cuộc biểu tình, nhiều tín hữu đã tích cực sát cánh bên cạnh anh em Hồi giáo trong cuộc đấu tranh để buộc nhà độc tài Mubarak phải từ chức và ra đi. Nhưng liệu sự ra đi của ông Mubarak có mang lại nhiều tự do hơn cho các tín hữu Kitô Copte không?

Theo một bài báo của tác giả Mary Abdelmassih được phổ biến trên trang mạng "The Assyrian International News Agency", tức hãng tin thế giới của Giáo hội Assyri, thì dường như cuộc cách mạng vừa qua đã không mang lại lợi ích nào cho cộng đồng Kitô Copte thiểu số tại Ai cập, mà trái lại còn làm cho tình trạng của họ ra tồi tệ hơn.

Sau cuộc nổi dậy cách đây hơn một tháng, cảnh sát vốn đã từng bảo vệ các tu sĩ, đã rời bỏ nhiệm sở của họ. Một trong các tu viện chính của Giáo hội Chính thống Copte đã bị các tù nhân trốn thoát khỏi tù tấn công. Và 6 tu sĩ tại một tu viện khác đã bị thương tích khi tu viện bị những người Á rập có vũ trang và những tên cướp tấn công.

Các tu sĩ đã xin sở cảnh sát giúp đỡ, nhưng các vị được trả lời rằng cảnh sát không thể giúp đỡ được. Các tu sĩ cũng đã kêu gọi quân đội, nhưng cũng được trả lời rằng các vị phải tự vệ trước khi quân đội có thể gởi người đến tiếp cứu. Chính vì vậy mà các tu sĩ đành phải tự xây tường xung quanh các tu viện để tự vệ.

Thế rồi ngày 20 tháng 2 năm 2011, quân đội lại tấn công tu viện thánh Makarios ở Alexandria, cách thủ đô Cairo khoảng 10 cây số.

Bài viết được phổ biến trên trang mạng của Giáo hội Assyri cho biết: quân đội đã xử dụng khí giới hạng nặng để tấn công vào tu viện. Sau cuộc tấn công, quân đội đã đột nhập vào tu viện. Một tu sĩ bị bắn, trên 10 vị khác bị đánh đập tàn nhẫn. Quân đội đã phá hủy các bức tường và một phần của tu viện. Họ cũng tịch thu các đồ vật trong tu viện.

Khoảng hai ngày sau, với 5 xe thiết giáp, nhiều xe có trạng bị cơ giới và máy ủi, quân đội lại tiến đến tu viện thánh Bishoy ở Wadi el Natroun. Tu viện có từ thế kỷ thứ 5 này nằm cách Cairo khoảng trên 100 cây số. Cuộc tấn công dã man của quân đội vào tu viện thánh Bishoy đã kéo dài 30 phút. Sau cuộc tấn công, quân đội đã tràn vào tu viện: có 8 người bị thương và 4 người bị bắt giữ.

Quân đội nói rằng họ không tấn công vào tu viện thánh Bishoy, nhưng chỉ phá hủy một số bức tường được xây trên công thổ. Họ cũng ra một tuyên ngôn nói rằng họ yêu cầu phải tôn trọng "tự do và sự thanh sạch của những nơi thờ phượng của mọi người dân Ai cập". Tuy nhiên, vì các tu sĩ cảm thấy dễ trở thành đối tượng của những cuộc tấn công bạo động của các tù nhân vượt ngục, những người hồi giáo cuồng tín cũng như chính quân đội, cho nên các vị đã tổ chức một cuộc tọa kháng tại tu viện. Ngoài ra, hàng ngàn tín hữu Kitô Copte cũng tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa tại nhà thờ chính tòa Copte ở Cairo và sau đó tuần hành đến quảng trường Tahrir, nơi đã diễn ra cuộc cách mạng buộc tổng thống Mubarak phải ra đi.

Một tác giả viết trên trang mạng "Catholic on line" tại Hoa kỳ rằng ông không thể tưởng tượng được sự đau khổ và nỗi thất vọng của các tín hữu Kitô Copte tại Ai cập. Những người lẽ ra phải bảo vệ họ lại bắt giữ, đánh đập và sát hại họ. Ðây là lý do làm cho chiến tranh bùng nổ. Nhưng các tín hữu Kitô Copte không đáp trả bằng bạo động. Họ chỉ tọa kháng và biểu tình.

Các bất công mà các tín hữu Kitô Copte đang gánh chịu cho chúng ta thấy rằng các chính phủ thường lạm dụng quyền hạn của họ đối với người công dân. Ðiều này lại càng tệ hại hơn khi quyền lực lại nằm trong tay những thành phần cực đoan hay các chế độ độc tài.

Thực ra chức năng của chính phủ là để phục vụ, bạo vệ công dân của mình. Một khi các chính phủ lấy sự dối trá hay vũ lực để đàn áp dân chúng, họ đánh mất uy tín tinh thần và như vậy không còn chính đáng nữa.

Ðoạn 1903 trong sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo khẳng định rằng "Quyền bính chỉ được hành xử một cách hợp pháp nếu nó tìm kiếm công ích của nhóm liên hệ và xử dụng những phương tiện hợp luân lý để đạt mục đích đó. Nếu các nhà cầm quyền ban hành những điều luật bất chính, hoặc đưa ra những biện pháp trái với trật tự luân lý, thì những quy định đó không thể bắt buộc lương tâm con người. Trong trường hợp đó, quyền bính không còn là quyền bính nữa và biến thành một sự lạm dụng bỉ ổi".

Những gì đã xảy ra cho các tu viện Copte trên đây có thể báo hiệu một tương lai không mấy sáng sủa cho Giáo hội tại đây trong thời hậu Mubarak.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page