Về vụ mưu sát

bộ trưởng các nhóm tôn giáo thiểu số

tại Pakistan

 

Về vụ mưu sát bộ trưởng các nhóm tôn giáo thiểu số tại Pakistan.

Pakistan [La Croix 3/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Vụ sát hại ông Shabbaz Bhatti, bộ trưởng các nhóm tôn giáo thiểu số tại Pakistan, hôm thứ Tư 2 tháng 3 năm 2011, đã tạo ra nhiều phản ứng sôi nổi trên thế giới.

Bộ trưởng các nhóm tôn giáo thiểu số đã bị sát hại khi vừa ra khỏi nhà cha mẹ ông. Một chiếc xe đã chờ đợi chiếc xe của ông Bhatti. Ba người đàn ông có vũ trang từ trong xe đã bắn xối xả vào người ông Bhatti và để lại một số chứng từ cho biết họ thuộc phong trào Taliban tại Pakistan và tổ chức khủng bố Al Qaeda.

Những người hồi giáo quá khích này khẳng định rằng họ đã giết ông Bhatti vì "niềm tin Kitô của ông và vì ông là thành viên của một Ủy ban nghiên cứu về việc tu chính luật chống phạm thượng".

Luật này phạt tử hình bất kỳ ai có hành động báng bổ tiên tri Mahomet.

Cái chết của bộ trưởng các nhóm tôn giáo thiểu số diễn ra đúng hai tháng sau khi ông Salman Taseer, tỉnh trưởng Punjab bị sát hại. Ông này cũng là người rất tích cực trong việc yêu cầu bãi bỏ luật chống phạm thượng.

Ông Bhatti đã công khai tố cáo những lạm dụng đối với luật chống phạm thượng cho nên nhiều lần bị những người hồi giáo cực đoan đe dọa giết chết.

Tuy nhiên, chính phủ Pakistan đã không hề quan tâm đến những lời đe dọa này. Ông Bhatti, một người Công giáo và là tín hữu Kitô duy nhứt trong nội các chính phủ, nói rằng ông cảm thấy bị chính phủ bỏ rơi.

Ðây là điều mà bà Tahira Abdullah, một nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Pakistan, đã xác nhận. Chiều thứ Tư 2 tháng 3 năm 2011, nhân dịp đến chia buồn với gia đình và thân nhân của ông Bhatti, bà Abdullah đã không dấu nổi sự phẩn nộ đối với chính phủ mà bà tố cáo là phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Bhatti.

Bà Abdullah nói rằng "hôm nay mọi người đều tự hỏi tại sao bộ trưởng các nhóm tôn giáo thiểu số không có cận vệ." Nhưng theo bà, đây không phải là câu hỏi cần được đặt ra. Câu hỏi thực sự cần nêu lên là: chính quyền có bảo vệ ông không?

Theo bà Abdullah, "chính phủ, tổng thống, thủ tướng, hội đồng nội các đều cắt đứt liên lạc với tất cả những ai có đủ can đảm lên tiếng chống lại luật chống phạm thượng. Hôm qua là ông Taseer, hôm nay là ông Shahbaz Bhatti. Phải chăng chính phủ không rút ra được bài học nào từ các biến cố này?"

Cách đây vài tuần, sau những cuộc biểu tình rầm rộ do các đảng tôn giáo cực đoan tổ chức, bà Sherry Rehman, một dân biểu thuộc đảng "Nhân dân Pakistan", cũng đã bị chính phủ nước này cô lập.

Thủ tướng Pakistan loan báo với báo chí rằng "dự luật tu chính luật chống phạm thượng được bà Sherry Rehman đệ trình đã được rút lại". Và điều oái oăm là bà Rehman chỉ biết được điều này qua báo chí. Nhưng thủ tướng Pakistan còn đi xa hơn khi loan báo rằng dự án tu chính luật chống phạm thượng hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của chính phủ ông và chính phủ không hề có ý thay đổi luật này.

Hôm thứ Tư 2 tháng 3 năm 2011, trước nhà của người quá cố, ông Yousaf Nishem, anh rễ của ông Bhatti, giải thích rằng cái chết của ông Bhatti là một mất mát lớn cho cộng đồng tín hữu Kitô tại Pakistan. Ông Nishem nói: "Ai cũng cảm thấy dễ bị tổn thương và sẽ chẳng còn ai để đại diện cho chúng tôi. Ai cũng cảm thấy không được an toàn. Chúng tôi bị kết án phải thinh lặng bởi vì không biết điều gì sẽ xảy ra nếu bị người láng giềng hiểu lầm. Người ta cũng chẳng còn dám ngay cả kêu tên Chúa nữa".

Dân số Pakistan hiện nay là 170 triệu người. Trong số này không đầy 2 phần trăm là tín hữu Kitô. Ðứng trước sự thinh lặng của chính phủ và những đe dọa đang đè nặng trên những khuôn mặt ôn hòa trong nước, các lãnh tụ tôn giáo cực đoan vẫn tiếp tục làm mưa làm gió mà không hề hấn gì. Các tín hữu Kitô tiếp tục sống trong lo sợ từng ngày.

Khi xảy ra vụ mưu sát tỉnh trưởng Punjab, ông Peter Jacob, giám đốc điều hành của Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo hội Công giáo Pakistan, đã tỏ ra vô cùng quan ngại khi thấy xã hội dân sự không có một phản ứng mạnh trước hành vi sát nhân này.

Ông Jacob nói: "Bất khoan nhượng đã trở thành một cách sống. Chúng tôi không thể đưa ra những tuyên bố công khai về những vấn đề như tình trạng các nhóm tôn giáo thiểu số tại Pakistan và tổ chức các sinh hoạt một cách dễ dàng như trước".

Theo ông Jacob, bầu khí đàn áp này ảnh hưởng đến mạng lưới những người thiện nguyện và nhân viên thường trực của Ủy ban. Ông cho biết: 7 cộng tác viên của ông đã bị giết chết tại Karachi. Ông nói rằng trước áp lực của các đảng tôn giáo và những người hồi giáo cực đoan, chính phủ đã đầu hàng vì thiếu can đảm và vì "ngu xuẩn".

Theo ông Jacob, chính phủ được thành lập sau cuộc bầu cử năm 2008 đã không làm gì để đối phó với những nguyên nhân sâu xa của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Ông nói rằng chính phủ đã không bao giờ giải thích cho dân chúng hiểu rằng cần phải tách biệt tôn giáo khỏi chính trị.

Về phần mình, Ðức cha Lawrence Saldanha, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan cũng không dấu nổi sự thất vọng của mình. Ðược bổ nhiệm làm Tổng giám mục Lahore từ năm 2001, Ðức cha Saldanha nói rằng "cần phải đẩy mạnh giáo dục và cần phải có thời gian để chống lại chủ nghĩa cực đoan". Ðức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan khẳng định: "Nghèo đói và thất học không cho phép dân chúng được suy nghĩ bằng cái đầu của mình".

Theo Ðức cha Saldanha, các tín hữu Kitô cảm thấy không có bất cứ tương lai nào cho con cái họ. Những người có may mắn đến Canada hay Anh quốc đều không muốn trở về. Những người còn ở lại trong nước luôn sống dưới áp lực nặng nề. Trong năm 2010, đã có gần 400 tín hữu Kitô cải đạo sang Hồi giáo.

Ðức cha nói: "Chúng tôi chỉ còn lại một thứ tự do: là tự do cầu nguyện".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page