Vài nét về

Giáo hội Công giáo tại Kenya

 

Vài nét về Giáo hội Công giáo tại Kenya.

Kenya [CNS 1/3/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Giáo hội Công giáo tại Kenya, là một trong những Giáo hội trẻ trung tại Phi châu.

Khi cha Moses Kago, đang là một thiếu niên có ý nghĩ muốn trở thành linh mục, cha nghĩ đến chuyện phải được giải phẩu để biến thành một người da trắng.

Vị linh mục 33 tuổi này chia sẻ như trên tại nhà xứ của ngài cách thủ đô Nairobi khoảng 100 cây số về hướng bắc. Cha nói với giáo dân của cha rằng ngày nay, họ đang nhìn thấy nhiều linh mục Phi Châu. Nhưng lúc còn nhỏ, cha chưa từng thấy bất cứ vị linh mục Phi châu nào.

Là một Giáo hội chỉ vừa tròn 100 tuổi, Giáo hội Công giáo tại Kenya hiện đang phải phấn đấu rất nhiều để tự lực.

Hiện nay, Giáo hội này đang có rất nhiều ơn gọi. Nhiều linh mục Kenya luôn nhắc lại lời của Ðức Gioan Phaolo II: không ai nghèo đến độ không có gì để trao tặng và cũng chẳng ai giàu có đến độ không nhận lãnh một cái gì đó từ người khác. Trước cổng trường tiểu học của giáo xứ Mutunguru, nơi cha Kago đang làm chính xứ, người ta có ghi một khẩu hiệu với nội dung như sau "nhào nặn con người có kỷ luật và tự lực".

Về phần mình, Ðức cha Anthony Muheria,giám mục Kitui, giải thích rằng "khuyến khích người tín hữu tực lực là một trong những ưu tiên của Giáo hội". Vị giám mục này nói với các du khách người Mỹ rằng "tự lực" là một ý tưởng hợp thời. Ngài nói rằng "giáo phận của ngài đang nhận được rất nhiều giúp đỡ từ các Giáo hội chị em khác". Nhưng theo ngài, người công giáo Kenya cũng cần phải cảm thấy có trách nhiệm phải nâng đỡ Giáo hội tại những nơi khác.

Ðức cha Muheria cho biết: hiện Giáo hội tại Kenya không dồi dào tài chính. Ngân sách của Giáo hội rất eo hẹp và đôi khi Giáo hội phải mắc nợ. Nhưng theo ngài, đây chính là lúc phải cảm nhận được tình liên đới.

Khi một thành viên của hội đồng giáo xứ Mutunguru trình bày với các du khách các dự án cần được tài trợ, thì các linh mục lại có một cái nhìn khác. Cha Kago chẳng hạn nói rằng ngài đầu tư vào con người hơn là các dự án.

Về phần mình, cha Celestino Bundi, giám đốc toàn quốc của các hội giáo hoàng truyền giáo, kêu gọi giáo dân hãy chia sẻ những gì mình có. Ngài nói: "Hãy cho Chúa và Chúa sẽ cho lại gắp bội". Nhấn mạnh đến tinh thần tự lực, linh mục giám đốc toàn quốc các hội giáo hoàng truyền giáo tại Kenya khẳng định: "Chúng ta có khả năng tự phát triển".

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS, Ðức cha Anthony Ireri Mukobo, Giám mục Isiolo, chủ tịch Ủy ban truyền giáo của Hội đồng Giám mục Kenya cũng nói rằng hiện nay một số Giáo phận tại Kenya có thể gởi các linh mục của mình đến các nơi khác để giúp cai quản các giáo xứ.

Ðức cha Ireri cho biết: hiện tại Tổng giáo phận Nairobi có thể "tự túc trong việc trang trải các chi phí và trả lương cho các nhân viên". Tổng giáo phận Nyeri và nhiều Giáo phận khác cũng đều có đủ khả năng tự lực như thế.

Nhưng Ðức cha Ireri nói rằng một số vùng vẫn còn là những nơi mới bắt đầu được truyền giáo. Nhiều vùng không có đủ phương tiện tài chính, lại còn bị thiên tai tàn phá.

Tuy nhiên, theo Ðức cha chủ tịch Ủy ban truyền giáo của hội đồng Giám mục Kenya, không có nhà thờ nào trên thế giới "có thể sống một mình". Ðức cha Ireri nói rằng "người Mỹ giàu vật chất. Nhưng người Kenya giàu ơn goi". Ngài khẳng định: tất cả chúng ta cần có nhau.

Các vị lãnh đạo của Giáo hội tại Kenya không ngừng ca ngợi công sức của các nhà thừa sai đã bắt đầu công cuộc truyền giáo tại nước này vào cuối thế kỷ 19. Các nhà truyền giáo thuộc Dòng Maryknoll, Hoa Kỳ, đến Ðông Phi vào năm 1946.

Cha Joseph Healey, 72 tuổi, thuộc dòng Maryknoll nói rằng "sứ mệnh của dòng là thiết lập Giáo hội địa phương". Nay Giáo hội này đã có thể tự lực, công việc của các nhà thừa sai là đồng hành với Giáo hội địa phương.

Cha John Conway, 80 tuổi, cũng thuộc dòng Maryknoll, ví von: nhà dòng đã chuyển giao một công ty được trang bị rất đày đủ. Ngài nói rằng khi các nhà truyền giáo mới đặt chân đến Kenya, Giáo hội tại đây hầu như chưa hiện hữu.

Các nhà thừa sai dòng Maryknoll đã chuyển giao cho giáo hội địa phương các nhà thờ và cơ sở mà Dòng đã xây dựng. Nhà dòng cũng đã cung cấp thiết bị và trương mục ngân hàng cho người Kenya.

Cùng với Dòng Maryknoll, nhiều dòng khác cũng đã đến hoạt động tại Kenya và tuyển mộ ơn gọi tại đây.

Ðức hồng y John Njue, Tổng giám mục Nairobi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya nói rằng Giáo hội tại đây đánh giá cao "các hy sinh của các nhà thừa sai". Ngài nói rằng "hạt giống đã được gieo trồng. Nếu hạt giống đã được gieo trồng thì giờ đây trách nhiệm của chúng tôi là phải làm sao để hạt giống ấy được vun xới và thật vậy, nhờ được chăm sóc, hạt giống đã có thể lớn lên và chúng tôi đã có thể để lại cho các thế hệ tương lai một di sản có ý nghĩa".

Ðức hồng y khẳng định: "Ðức tin của chúng ta là một di sản và chúng ta không thể xem thường nó".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page