Kỷ niệm 40 năm thánh lập

Ủy ban liên lạc quốc tế

Công giáo và Do thái

 

Kỷ niệm 40 năm thánh lập Ủy ban liên lạc quốc tế Công giáo và Do thái.

Paris [La Croix 27/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ủy ban liên lạc quốc tế Công giáo và Do thái đang nhóm họp tại Paris để mừng kỷ niệm 40 năm thành lập.

Phát sinh do ý muốn của Tòa thánh và nhiều tổ chức quốc tế đại diện cho thế giới Do thái, Ủy ban được thành lập năm 1970.

Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của Ủy ban tại Paris hồi năm 1970, đại giáo trưởng Jacob Kaplan phát biểu như sau: "Tôi muốn nhắc lại lời của một bậc thầy của truyền thống Do thái; lời này có trong sách Talmud cũng như được ghi lại trong kinh thánh Kitô giáo: "Nếu điều đang diễn ra trong lúc này, nếu cuộc thảo luận sắp diễn ra không phải là "Leshem shamain" [vì Danh Trời], thì cuộc thảo luận sẽ thất bại và không có tương lai. Trái lại, nếu nó là "Leshem shamain" thì nó sẽ kéo dài".

Trong cuốn sách ghi lại cuộc trao đổi với Ðức hồng y Philippe Barbarin, Tổng giám mục Lyon, ông Gilles Bernheim, Ðại giáo trưởng Do thái tại Pháp, đã chú giải về câu nói trên như sau: "Lúc đó, Ðại giáo trưởng Kaplan muốn giải thích rằng giữa Do thái và các tín hữu Kitô, điều nên có không phải là cuộc tranh cải của thời Trung Cổ trong đó ai cũng muốn chiến thắng niềm xác tín và tin tưởng của người. Tiếng Do thái có nói đến chữ "lamahloqet", có nghĩa là ai cũng phải khám phá ra chân lý của người khác trong sự trao đổi và gặp gỡ".

Tuy nhiên, cha Patrick Desbois, giám đốc Văn phòng toàn quốc liên lạc với Do thái giáo của Hội đồng Giám mục Pháp, cảnh cáo rằng cũng sẽ sai lầm không kém khi xem những cuộc gặp gỡ giữa Do thái và Công giáo như những cuộc đối thoại thần học.

Cha Debois cho biết "Ủy ban Do thái thế giới cố vấn liên tôn" không chỉ qui tụ 3 nhánh chính của Do thái giáo là "Chính thống, bảo thủ và tự do", mà còn cả những người Do thái không có tôn giáo nữa.

Tuy nhiên, cuộc đối thoại giữa Do thái và Công giáo không chỉ xoay quanh vấn đề đạo đức hay nhân chủng học, mà còn có tính cách tôn giáo nữa, bởi vì nó được xây dựng trên một cái nhìn chung về con người được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa. Cái nhìn về con người này cũng đặt nền tảng trên một đòi hỏi luân lý cần thiết cho đời sống chung. Ðòi hỏi này lại bắt nguồn từ mạc khải trên núi Sinai, tức từ bộ luật và các giới răn.

Cha Desbois cho biết: trong những năm vừa qua, Do thái và Công giáo đã dựa vào Thập Giới để khẳng định ý muốn hợp tác thực tiễn. Ðức thánh cha Benedicto XVI đã từng nói rằng Thập Giới là nơi chính để Do thái và Công giáo có thể gặp gỡ nhau. Chính vì thế mà trong những cuộc gặp gỡ tại Cap năm 2006, hai bên đã quyết định hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống lại bệnh Sida. Hoặc như trong cuộc gặp gỡ tại Buenos Aires năm 2004, hai bên đã quyết định đóng góp tài chính để chiến đấu chống lại nghèo đói.

Về phần mình, ông Richard Pasquier, chủ tịch liên đoàn Do thái tại Pháp và thành viên của Ủy ban liên lạc quốc tế Do thái và Công giáo, nói rằng cuộc đối thoại Do thái và Công giáo đã được đẩy mạnh kể từ lúc Ủy ban đã có thể dấn thân vào trong xã hội dân sự.

Riêng ông Jules Isaac, một sử gia Pháp gốc Do thái, nói rằng không phải do ngẩu nhiên mà ủy ban dấn thân vào xã hội dân sự, bởi vì những người khởi xướng cuộc đối thoại giữa Do thái và Công giáo không phải là những người có tôn giáo. Theo ông, cuộc đối thoại chỉ diễn ra sau cuộc sát tế người Do thái thời đệ nhị thế chiến. Cuộc sát tế này đã thúc đẩy suy tư về khả năng có thể chiều theo sự dữ của con người. Ngày nay, chúng ta cùng nhau tranh đấu cho phẩm giá, nhân quyền và tự do tôn giáo... Ðây là lãnh vực mở ra một sự hợp tác rộng rãi giữa hai bên."

Trong cuộc gặp gỡ kéo dài 3 ngày tại Paris, các tham dự viên cuộc gặp gỡ của Ủy ban liên lạc quốc tế Công giáo và Do thái duyệt lại thành quả của 4 năm đối thoại vừa qua. Ngoài ra, các tham dự viên cũng nhìn lại những thay đổi trong bản chất cuộc đối thoại giữa Công giáo và Do thái từ sau đệ nhị thế chiến, nhứt là sau khi công đồng Vatican II công bố tuyên ngôn "Nostra aetate" về các mối quan hệ giữa Do thái và Kitô giáo.

Các tham dự viên đặc biệt đánh giá cao giáo huấn và các sáng kiến của đức Gioan Phaolo II như nhìn nhận quốc gia Israel năm 1993, viếng thăm đại hội đường Do thái ở Roma năm 1986, hành hương Thánh địa, cầu nguyện tại bảo tàng viện Yad Vashem và bức tường phía Tây của Ðền Thờ Gierusalem năm 2000.

Theo ông Richard Pasquier, ngày nay phần lớn người Do thái đều biết rằng Giáo hội Công giáo đã từ bỏ lý thuyết cho rằng Cựu Ước phải được thay thế bằng Tân Ước. Người Do thái cũng biết rằng Giáo hội nhìn nhận những cội rễ chung giữa Do thái và Kitô giáo cũng như lên án mọi hình thức bài Do thái. Họ cũng tin rằng chủ nghĩa bài Do thái được rao giảng trong hàng bao thế kỷ đã làm cho lương tâm của nhiều tín hữu Kitô tại Âu Châu bị tê liệt trong thời chiến tranh.

Ông Pasquier nói rằng "mặc dù có những căng thẳng liên quan đến việc tưởng niệm các nạn nhân của cuộc sát tế, thái độ của Giáo hội và của đức Pio XII đối với thảm kịch này, nhưng đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ của các tín hữu Kitô và người Do thái.

Ông khẳng định: "Dù có óc thù nghịch, dửng dưng hay nghi ngờ, ai cũng phải nhìn nhận điều đó".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page