Các tín hữu Kitô Ai cập

và quyền bình đẳng

 

Các tín hữu Kitô Ai cập và quyền bình đẳng.

Ai cập [Catholic On Line 15/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Theo cha Samir Khalil Samir, linh mục Dòng Tên người Ai cập chuyên gia về Hồi giáo học, các tín hữu Kitô cần phải hợp tác để xây dựng một chính phủ mới có khả năng bảo đảm cho mọi người công dân quyền bình đẳng trước pháp luật.

Tưởng cũng nên nhắc lại: hôm 11 tháng 2 năm 2011, dưới áp lực của dân chúng Ai cập là những người đã chiếm đóng quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo trong 18 ngày liền, tổng thống Hosni Mubarak buộc phải từ chức và ra đi.

Cha Samir, vốn là một nhà cố vấn cho Giáo hội về các mối quan hệ giữa Kitô giáo và Hồi giáo, khẳng định rằng chính do ý dân mà tổng thống Mubarak phải từ chức. Tuy nhiên theo cha, bước kế tiếp mới là điều quan trọng.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo CNA, cha Samir giải thích rằng trong suốt 3 thập niên, tổng thống Mubarak chỉ o bế giai cấp giàu có. Giờ đây, điều cần làm là giúp cho dân chúng sống một cuộc sống xứng với phẩm giá con người hơn.

Cha tin rằng sau chế độ độc tài, dân chúng sẽ cố gắng xây dựng chế độ dân chủ. Sở dĩ cha tin điều đó là vì cuộc cách mạng ngày 25 tháng Giêng năm 2011 xuất phát từ chính dân chúng. Cuộc cách mạng ôn hòa này đã qui tụ mọi tầng lớp nhân dân và thuộc mọi tôn giáo.

Vị linh mục Dòng Tên chuyên gia về Hồi giáo này đưa ra nhận xét: "Các tín hữu Kitô và người Hồi giáo sát cánh bên nhau. Chúng tôi đã không thấy có bất cứ lời kêu gọi cực đoan nào của Hồi giáo. Cũng vậy, chúng tôi đã không thấy có bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào Israel hay Hoa kỳ. Không có bất cứ lá cờ nước ngoài nào đã bị đốt cháy".

Theo cha, cuộc cách mạng ôn hòa này và sự thành công của nó phải mang lại một hy vọng mới cho Ai cập.

Nhưng cha Samir nói rằng điều quan trọng hơn cả chính là hiến pháp sắp được tu chính cần phải bảo đảm bình đẳng cho mọi người công dân, hồi giáo cũng như tín hữu Kitô.

Một trong những dấu chỉ của hy vọng là những ngọn gió thay đổi đã bắt đầu thổi qua trong xã hội. Một tờ báo địa phương đã cho phổ biến một dự án gồm 22 điểm được các nhà trí thức Hồi giáo ôn hòa cho công bố hôm 24 tháng Giêng năm 2011, một ngày trước khi cuộc cách mạng bùng nổ. Một trong những điểm đáng chú ý nhứt trong dự án kêu gọi phải tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước.

Trong thông điệp đầu năm, chính tổng thống Mubarak cũng đã hai lần nói đến sự cần thiết của "một xã hội dân sự". Ðây là một kiểu nói ám chỉ đến sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước.

Theo cha Samir, điều này không có nghĩa là sẽ không có một "yếu tố Hồi giáo" nào trong chính phủ mới, bởi vì đây là điều bình thường tại Ai cập là quốc gia có đến 90 phần trăm dân số theo Hồi giáo.

Cha Samir cho rằng một chính phủ "thế tục" theo kiểu Liban là điều tốt hơn so với một chính phủ do một tôn giáo cầm đầu. Cha không hy vọng rằng tôn giáo sẽ vắng mặt trong cuộc tranh luận tại một quốc gia mà mọi người, Hồi giáo cũng như tín hữu Kitô, đều là những người rất sùng đạo.

Ngài tin rằng tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" sẽ tìm cách tạo ảnh hưởng trong xã hội như họ vẫn thường làm. Thật ra ảnh hưởng này không đáng sợ như nhiều người nghĩ, bởi vì tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" chỉ tìm cách "Hồi giáo hóa" những khía cạnh bên ngoài của cuộc sống như phụ nữ phải mang khăn trùm đầu chẳng hạn. Ðiều này có thể xảy ra và ai cũng đã quen thuộc với nó. Tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" sẽ tìm cách thuyết phục đàn ông và đàn bà không được làm việc chung với nhau, họ phải ăn mặc theo một qui định nào đó và có một số công việc không thích hợp cho phụ nữ. Nhưng cha Samir khẳng định: "tổ chức này sẽ không thể đưa những điều đó lên thành luật".

Chuyên gia về Hồi giáo này nói rằng xã hội Ai cập "đã tiến triển để có thể phân biệt giữa luân lý và luật pháp".

Theo cha Samir, tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" là một mối đe dọa cho Ai cập cũng như "những người vô thần hung hãn" tại Tây phương.

Vấn đề chủ yếu là đừng nên sợ người Hồi giáo. Cha kêu gọi: "Các tín hữu Kitô cần phải hợp tác với nhau để thuyết phục người Hồi giáo rằng tôn giáo đích thực là một cái gì ở trong trái tim chứ không phải bên ngoài như quần áo và trang phục. Bạn có thể là một người Hồi giáo tốt mà không cần phải có ngoại diện của một người Hồi giáo. Bạn cũng vẫn có thể là một người Hồi giáo rất tốt khi sống theo văn hóa tây phương... Tất cả mọi tín hữu Kitô, và ngay cả những người Hồi giáo có tinh thần cởi mở, cần phải quảng bá cái nhìn như thế về tôn giáo".

Tuy nhiên, cha Samir vẫn nhìn nhận rằng hiểm họa Hồi giáo hóa vẫn luôn tồn tại tại Ai cập là nơi có đông dân số theo Hồi giáo.

Theo cha, mối quan tâm lớn nhứt đối với các tín hữu Kitô là cần phải bảo đảm sự bình đẳng trong ba lãnh vực. Trước hết là bình đẳng trong công ăn việc làm. Ðây là lãnh vực mà cho tới nay các tín hữu Kitô vẫn còn bị kỳ thị. Kế đó là việc xây cất nơi thờ phượng: các tín hữu Kitô cần phải được phép xây cất nhà thờ một cách dễ dàng như người Hồi giáo xin phép xây cất đền thờ. Một luật có từ cuối thế kỷ 18 vẫn còn hiện hành luôn gây khó dễ cho các tín hữu Kitô trong việc xin phép xây cất nơi thờ phượng.

Lãnh vực thứ ba trong đó các tín hữu Kitô phải tranh đấu cho quyền bình đẳng là tự do lương tâm. Người Ai cập cần phải được tự do cải đạo từ Kitô giáo sang Hồi giáo và ngược lại.

Trong những năm gần đây, người dân Ai cập đã được tự do hơn để phát biểu ý kiến. Trong bối cảnh này, cha Samir kêu gọi các tín hữu Kitô Ai cập hãy tích cực tham gia vào đời sống chính trị. .

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page